Đến với báo tường như một cơ duyên
Đến nhà họa sĩ Vũ Đức Quỳnh khi trời đã nhá nhem tối, ông đón tiếp chúng tôi bằng những câu chuyện giản dị về Trường Sơn ngày ấy cùng những năm tháng hoạt động hội họa của ông nơi chiến trường.
Vốn là họa sỹ tốt nghiệp khóa Trung cấp Mỹ thuật Điện ảnh, năm 1963 ông được cử về Hãng phim Tư liệu - Khoa học Trung ương. Năm 1968 thì ông nhập ngũ tại Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn. Những lúc rảnh rỗi, họa sỹ Quỳnh nhớ lại những lúc các chiến sĩ của mình tham gia chiến trận để phác họa lại thành những bức tranh hay vẽ ký họa đời sống anh em cùng chiến trường.
Mọi người ai cũng biết đến tài năng hội họa của anh nên anh họa sỹ trẻ được giao một trọng trách hết sức quan trọng: vẽ báo tường để cổ động cũng như làm đời sống của đồng đội mình nơi chiến trường thêm phần phong phú và thú vị.
Những trang vẽ, những tờ báo tường – sản phẩm là sự sáng tạo, là niềm đam mê của ông được đồng đội hết sức nâng niu, gìn giữ và chia sẻ với nhau như một báu vật nơi chiến trường khốc liệt. Đối với ông, cho đến bây giờ đấy vẫn là những điều thiêng liêng và ý nghĩa.
Sau này, khi trở về với cuộc sống thời bình ông lại tiếp tục với sự nghiệp làm họa sĩ. Một lần tình cờ đang ngồi vẽ tranh thì ông được các cháu học sinh đến tìm nhờ vẽ báo tường. Rồi cứ như vậy đến dịp 20/11, 22/12, 3/2… mọi người truyền tai nhau tìm đến ông để nhờ ông vẽ báo tường.
Ông tâm sự: “Tôi là một họa sĩ chuyên vẽ tranh sơn dầu và lụa. Nhưng khi có quá nhiều người tìm đến đặt hàng vẽ báo tường, lúc đấy tôi nghĩ có lẽ vẽ báo tường đã là cái nghiệp của mình rồi, nên tôi đã quyết định tiếp tục gắn bó với cơ duyên này cho đến tận bây giờ”.
Đó là lí do cho tới hôm nay, ông không thể nhớ nổi có bao nhiêu lớp học sinh, sinh viên, đơn vị quân đội đến tìm ông để đặt báo tường. Và ông cũng không nhớ là ông đã sử dụng bao nhiêu nét chữ, đặt tên cho bao nhiêu đầu báo…
Ông cũng chia sẻ thêm rằng, nghề họa sĩ chả có ai là giàu có cả. Ông vẽ báo tường giống như nghề tay trái của mình vậy, vừa để phục vụ nhu cầu của học sinh, sinh viên, nhưng cũng là để thỏa mãn đam mê hội họa của bản thân và cũng là vì cuộc mưu sinh.
Một công việc đòi hỏi tính tỉ mỉ, sự chịu khó và cả sự tài hoa. Mỗi nét chữ ông viết trên mỗi trang báo tường đều có một tâm hồn, một khí phách rất khác biệt.
“Nếu vẽ cho học sinh cấp 1, cấp 2 thì nét chữ phải bay bướm, hình ảnh phải nhí nhảnh. Vẽ cho quân đội thì nét chữ phải lột tả được cái hồn của người bộ đội. Vẽ cho sinh viên thì nét chữ phải hiện đại và mới mẻ. Mỗi trang báo tường luôn có một thông điệp riêng, một tâm hồn riêng. Mỗi con chữ luôn mang một thần thái riêng biệt” - họa sĩ Quỳnh chia sẻ.
Tâm huyết với công việc như vậy nên trong suốt những năm qua họa sĩ Quỳnh đã luôn chịu khó tìm tòi và sưu tầm nhiều mẫu họa tiết mới bổ sung vào việc trình bày cả hình thức lẫn nội dung của những trang báo tường. Chính vì lẽ đó mà hình ảnh trong mỗi trang báo tường mỗi năm mỗi khác, không cái nào giống cái nào.
Nỗi niềm trăn trở sợ mất nghề
Bây giờ, báo tường chủ yếu được thiết kế bằng vi tính nên người vẽ báo tường ở thủ đô chỉ còn lại một mình họa sĩ Quỳnh. Thêm nữa, việc vẽ báo tường là hoạt động hoàn toàn thủ công, đòi hỏi người làm phải cần mẫn, tỉ mỉ. Những yêu cầu ấy thế hệ trẻ bây giờ có mấy ai theo được?
Cũng có một vài người đến tìm ông học nghề nhưng một phần vì quỹ thời gian của ông ít ỏi, một phần vì ông đòi hỏi về khả năng bản thân cao nên dần dần cũng không còn ai theo nổi. Chính bởi những lí do đó mà nỗi lo mất đi nghề vẽ báo tường truyền thống đã trở thành nỗi niềm trăn trở bấy lâu nay của họa sĩ Quỳnh.
Rời nhà ông Quỳnh khi thành phố đã lên đèn, mang theo nỗi niềm trăn trở của ông rằng liệu rồi những trang báo tường truyền thống, nét văn hóa xưa cũ của nền mĩ thuật Việt Nam có mất đi mà không còn ai nuối tiếc?
Mong rằng ông sẽ giữ mãi được niềm đam mê với nghiệp vẽ báo tường bất chấp sự khắc nghiệt của thời gian, tuổi tác cũng như sớm hoàn thành dự định mở triển lãm tranh mang tên của mình để tiếp lửa cho tình yêu mỹ thuật đến giới trẻ trong kỷ nguyên số.