- Văn phòng Luật sư Đỗ Trung Kiên và cộng sự trả lời: Kết hôn được hiểu là việc nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) về điều kiện kết hôn và đăng kí kết hôn. Theo đó, bạn cần đáp ứng các điều kiện kết hôn được quy định tại Điều 8 Luật HN&GĐ 2014: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; Không bị mất năng lực hành vi dân sự; Việc kết hôn không thuộc một trong các điều cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c, và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
Điểm d khoản 2 Điều 5 Luật HN&GĐ 2014 có quy định cấm kết hôn “giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời”.
Theo đó Điều 3 Luật HN&GĐ 2014 có giải thích những người có họ trong phạm vi ba đời là những người có cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất, anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai, anh chị em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.
Áp dụng vào trường hợp của bạn, có thể xác định cụ bạn - người sinh ra ông nội của bạn trai và bà nội bạn - là đời thứ nhất. Ông nội của bạn trai và bà nội của bạn là đời thứ hai. Cha mẹ bạn và cha mẹ người bạn trai là đời thứ ba. Còn bạn và bạn trai của bạn là đời thứ tư.
Do vậy, bạn và bạn trai của bạn không nằm trong trường hợp “những người có họ trong phạm vi ba đời” và không thuộc trường hợp cấm kết hôn.
Theo quy định của pháp luật, việc kết hôn là do hai bên nam nữ tự nguyện quyết định mà không ai có quyền được ngăn cản, kể cả là bố mẹ, họ hàng. Trong trường hợp này, trước hết bạn phân tích quy định pháp luật cho bố mẹ bạn hiểu, chia sẻ về tình cảm của các bạn để được gia đình thông cảm và có thể nhờ đến sự tác động, vận động của các cơ quan nhà nước ở địa phương về HN&GĐ (ví dụ như đại diện Hội Phụ nữ).