Đó là khi những người lính gặp lại nhau giữa cuộc sống đời thường với bao bộn bề lo toan, nhưng không vì thế mà họ quên đi nghĩa tình đồng đội, quên đi quá khứ hào hùng, quên đi những người bạn còn mãi nằm lại nơi cánh rừng xa.
Theo các sự kiện của cuộc Gặp mặt tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019, có nhiều lúc tôi thấy mình như bị sốc trước hình ảnh của quá nhiều người lính thương bệnh binh. Họ như bước ra từ những trang tiểu thuyết “Dấu chân người lính” của nhà văn Nguyễn Minh Châu.
Song cho dù những đôi chân, những cánh tay, những đôi mắt sáng và nhiều phần thân thể khác đã để lại nơi chiến trường, ở họ chỉ thấy những nụ cười lạc quan, những câu chuyện đùa tếu táo, những kỷ niệm đôi lúc lại chùng xuống vì nhắc đến đồng đội nào đó không về, chứ tuyệt nhiên không có một chút gì bi lụy, dù cuộc đời ngoài kia không ít bão giông.
Quyết trở thành lương y để cứu chữa cho đồng đội, đồng bào
Đang ồn ào vậy mà khi người thương binh 1/4 Đào Viết Thoàn cất lời kể lên câu chuyện của mình, cả hội trường của buổi gặp mặt giao lưu giữa thế hệ trẻ và thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019 bỗng im ắng lạ thường. Ông Đào Viết Thoàn sinh năm 1959 tại xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình trong một gia đình nông dân nghèo nhưng giàu truyền thống cách mạng.
Bởi vậy ngay từ thuở ấu thơ, cậu bé Thoàn đã được giáo dục về lòng nhân ái và lý tưởng cách mạng. Năm 17 tuổi, khi đang làm công nhân tại Nhà máy Điện Uông Bí, chàng trai trẻ Đào Viết Thoàn đã tình nguyện nhập ngũ và trở thành người lính xe tăng thuộc Lữ đoàn 408. Kể từ đó, ông theo đơn vị làm nhiệm vụ ở nơi chiến tuyến đầu sóng ngọn gió, cùng đồng đội không biết bao lần vào sinh ra tử.
Năm 1979, khi đang làm nhiệm vụ ở khu vực biên giới, ông bị thương nặng và được chuyển về Bệnh viện 108 rồi Quân y 103 điều trị. Tại đây ông phải trải qua hơn 10 lần phẫu thuật với những vết thương khủng khiếp tưởng chừng không qua khỏi: chấn thương sọ não, vỡ mỏ xương thái dương bên phải, cắt bỏ 1/2 tai phải, khoét bỏ mắt trái, mất khớp gối chân phải và toàn bộ 2 cơ dép, 2 cơ mông, gẫy 2 dẻ xương sườn bên phải, xẹp đốt xương sống D11, D12. Những vết thương ấy đã hành hạ ông trong 2 năm trời nằm viện.
Trong quá trình điều trị, những lần ghép da ở bàn chân luôn là nỗi ám ảnh với cả ông và các bác sĩ. Vì đã ghép rất nhiều lần nhưng vết thương vẫn bị hoại tử, lộ cả xương. Được nhiều người mách bảo, ông tìm đến chùa Trắng, thôn Hữu Lễ, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội nhờ ni sư Thích Đàm Lương dùng bài thuốc cổ đắp thuốc sinh cơ, nuôi thịt.
Ban đầu sư cụ trực tiếp đắp thuốc cho ông. Dần dần về sau, ông được sư cụ hướng dẫn để tự điều trị. Bài thuốc rất linh nghiệm, vài ngày đắp thuốc, những chất hoại tử trong vết thương đã được hút hết ra, những tế bào sống được kích thích phát triển, lớp cơ được hình thành, da non được kéo lại. Nghĩ mình tàn tật, về quê cũng không làm được gì, ông bèn ở lại xin ni sư truyền cho bài thuốc.
Sau một thời gian dài, thấy ông là người có tâm, có nghị lực và tố chất của một thầy thuốc, ni sư đã nhận ông làm đệ tử. Sau khi ni sư viên tịch, ông rời chùa trở về quê hương, đoàn tụ với gia đình.
Ở quê nhà, ông tiếp tục tìm hiểu các loại thảo dược, đưa thêm một số vị nữa vào phương thuốc được truyền thụ, khiến cho nó khác đi rất nhiều so với công thức nguyên thủy, thêm vào đó ông cũng nghiên cứu mày mò tìm hiểu các phương pháp chữa hiệu quả nhất. Do đó công hiệu chữa trị được nâng cao và gần như trở thành một thần dược trong điều trị bỏng.
Ông cho biết đến nay ông đã điều trị thành công cho 28.744 bệnh nhân trong đó có cả các thương bệnh binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng, bố mẹ liệt sĩ, nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật, trẻ em mồ côi... Hơn một nửa trong số đó được ông miễn tiền thuốc, tiền công, tiền giường bệnh, điện nước… với số tiền lên đến hơn 6 tỷ đồng.
Người thương binh Đào Viết Thoàn được đồng đội và người dân yêu mến gọi ông là “vua chữa bỏng” của đất Thái Bình. Ghi nhận những đóng góp trong việc chữa bệnh cứu người bảo vệ sức khỏe nhân dân, thương binh Đào Viết Thoàn đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và nhiều phần thưởng cao quý của các cấp, các ngành. Ông còn là tấm gương tiêu biểu cho phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của tỉnh Thái Bình.
“Là người lính cụ Hồ tôi cũng luôn khắc ghi lời của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, “Lương y phải như từ mẫu”, bởi vậy trong gần 30 năm hành nghề y thuật tôi luôn đặt chữ “đức” làm đầu để cứu người” – ông cho biết.
Nụ cười luôn nở trên môi người phụ nữ ấy
Đó là ấn tượng không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người theo các sự kiện của cuộc Gặp mặt tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019 đều nhận thấy. Rất nhiều thương tật trên người, mất một bên mắt, mỗi bước chân đi là một bước khó nhọc, nhưng trên gương mặt của người nữ thương binh 1/4 Trương Hồng Dân không hề tắt nụ cười.
Bà Trương Hồng Dân sinh năm 1948, tham gia cách mạng khi mới 11 tuổi, từng là Trung đội trưởng nữ pháo binh huyện Giá Rai, đã tham gia nhiều trận đánh ác liệt. Trong cuộc đời chiến đấu của mình bà có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
Đó là khi bà 14 tuổi thì bị địch bắt lúc đang mang tài liệu từ thành phố về báo cáo đơn vị. “Giặc bắt, tra tấn đủ mọi loại hình, đến mức liệt cả hai tay, hai chân nhưng tuyệt nhiên tôi không khai báo bất cứ thông tin gì. Sau 2 năm giam cầm, 16 tuổi tôi được thả tự do, về làm đơn đi bộ đội luôn”, bà kể.
Bà Trương Hồng Dân. |
Năm 19 tuổi, dù rằng đã là Trung đội trưởng nữ pháo binh huyện Giá Rai, nhưng lần đầu tiên đánh công đồn bà cũng không tránh khỏi bỡ ngỡ. “Tôi xông vào đồn thấy tên đồn trưởng núp ở gầm bàn liền tiến đến nắm tóc lôi ra. Vì hành động này mà tôi bị cấp trên phê bình vì là không biết bảo vệ an toàn cho bản thân. Tôi cũng biết vậy, nhưng tên đồn trưởng đó có nhiều nợ máu với cán bộ, nhân dân lắm nên khi nhìn thấy tôi rất căm thù, chỉ muốn nắm đầu lôi ra” – bà Dân kể.
Trong một trận càn, bà Trương Hồng Dân bị thương nặng. Bà nằm ở trận địa từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều mới được đồng đội cứu về. “Giải phóng xong, ai cũng sống vui vẻ trong khung cảnh đất nước độc lập tự do, còn riêng tôi đó là những năm tháng di chuyển từ bệnh viện này sang bệnh viện khác với hơn hai chục lần phẫu thuật vết thương.
Sức khỏe tạm ổn, tôi trở về nhà lại gánh vác gia đình với hai đứa con khuyết tật nên cũng muôn phần vất vả. Nhưng tôi vẫn luôn động viên mình để lạc quan, vả lại bên cạnh tôi luôn có chính quyền, làng xóm sát cánh giúp đỡ. Cuộc sống của tôi giờ đây tuy không dư dả nhưng cũng ổn định” – bà Dân cho biết.
Hiện nay, bà Trương Hồng Dân đang sinh sống tại phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.
Vĩ thanh
Trên sân khấu giao lưu của cuộc Gặp mặt tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019, người thương binh nặng Đinh Hữu Dự ở Tiền Hải, Thái Bình đã khiến cả khán phòng vang lên những tràng pháo tay khi qua sóng truyền hình trực tiếp dành những lời cảm ơn cho người vợ mình nơi quê nhà: “Anh cảm ơn em đã cả đời vất vả vì anh!”.
Gia đình nghèo, lại đông con, bản thân ông Dự vì thương tật khắp người nên không thể làm được việc nặng, thế nên bao nhiêu công việc đồng áng, ruộng vườn một mình người vợ gánh vác. “Ngồi nhìn vợ lao động quần quật, tôi thương lắm nhưng không biết làm sao” – ông Dự nói.
Người ta thường nói “chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ”, thế nhưng ở Việt Nam, trong và sau mỗi cuộc chiến, có rất nhiều người phụ nữ đã hy sinh hạnh phúc bản thân cho đất nước. Họ có thể là người lính nơi tuyến đầu như bà Trương Hồng Dân, cũng có thể là người vợ tảo tần ở phía sau như vợ của người thương binh nặng Đinh Hữu Dự ở Tiền Hải, Thái Bình. Họ đã sống như thế đó và không hề ân hận vì sự lựa chọn của mình!