Suy nghĩ đó của nhạc sỹ đã lý giải vì sao người sáng tác âm nhạc và công chúng lại có một mối đồng cảm sâu xa và trên thực tế, mỗi bài hát về Bác Hồ đều hay, xúc động, nhiều người nhớ, người thuộc, từ trẻ em mới bi bô tập nói đến những người già từng trải, sức lan tỏa của nhạc phẩm vô cùng mãnh liệt.
Không chỉ những nhạc sỹ Việt Nam lấy cảm xúc sáng tác từ Hồ Chí Minh ở rất nhiều khía cạnh khác nhau trong con người vĩ đại và dung dị này mà trong danh sách những nhạc sỹ sáng tác về đề tài này có không ít những người nước ngoài.
Có thể liệt kê một danh sách dài các nhạc sỹ có quốc tịch khác nhau như Nga, Pháp, Đức, Cu Ba, Mỹ, Chile, Venezuela, Ấn Độ,... đặc biệt, nhạc sỹ người Anh George Feris phổ nhạc 7 bài thơ ông ưa thích nhất trong tập “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh – một đề tài về Bác ít được các nhạc sỹ Việt Nam khai thác.
Hoặc, một sáng tác rất đặc biệt của Norodom Sihanouk (Campuchia): “Cảm ơn Đường Hồ Chí Minh”. Thật đúng như lời của một bài hát: “Bác Hồ trong trái tim nhân loại”! Cảm xúc chủ đạo này có trong tất cả những bài hát viết về Hồ Chí Minh của các tác giả, kể cả các nhạc sỹ ngoại quốc.
Không chỉ trong lĩnh vực âm nhạc mà các lĩnh vực nghệ thuật khác như văn học, hội họa, sân khấu, phim ảnh..., hình tượng Hồ Chí minh là đề tài vô tận để khai thác và sáng tạo. Nguồn cảm hứng đó được hình thành nên từ tình cảm của người nghệ sỹ mà có thể đạt tới một sự thăng hoa đỉnh điểm như chuyện một họa sỹ ở chiến trường khi bị đạn bắn vào mắt đã lấy máu của mình vẽ chân dung Hồ Chí Minh, trong khi đôi mắt đã không còn nhìn thấy gì.
Một câu chuyện có thật, đủ sức nói lên tất cả, lý giải tất cả niềm kính yêu vô hạn đối với Bác Hồ của những người nghệ sỹ. Một thế kỷ trước đây, một nhà báo trẻ của nước Nga Xô-viết được diện kiến Nguyễn Ái Quốc và con mắt tinh đời đã nhận ra để nói lên như một sự tiên tri: “Từ Nguyễn Ái Quốc toát lên một nền văn hóa tương lai”. Hồ Chí Minh - tên Người sống mãi với non sông!