Hàng năm cứ mỗi độ tháng Năm về, trong tâm trí của người dân Việt Nam lại xúc động, bồi hồi khi nghĩ về Bác Hồ. Tháng Năm không chỉ có ngày sinh nhật của Người (19 tháng 5) mà tháng Năm cách đây đúng 55 năm Bác đã viết những dòng chữ đầu tiên của tài liệu "Tuyệt đối bí mật", mà ngày nay chúng ta gọi đó là bản Di chúc. Thời gian có thể lùi xa, con người có thể già đi nhưng tư tưởng, giá trị của bản Di chúc của Người mãi mãi đồng hành cùng dân tộc với sự phát triển của đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhân cách lớn, một tư tưởng lớn. Ảnh tư liệu |
Cách đây 55 năm, vào ngày 10 tháng 5 năm 1965 đúng 9h sáng, Người bắt đầu viết tài liệu "Tuyệt đối bí mật", tại ngôi nhà sàn như những lời căn dặn cho đồng bào, đồng chí của mình cho hôm nay và mãi mãi về sau.
Chọn đúng 9 giờ sáng, với một tâm thế ung dung, thanh thản, Bác viết về ngày ra đi của mình thì đúng là cõi tử đã được hoá thành từ cõi sinh, trong lúc cả dân tộc đang hướng về tháng Năm - tháng thi đua lập thành tích để dâng lên Người nhân dịp sinh nhật 75 tuổi của Người.
Hôm đó Bác viết đoạn: “Năm nay tôi đã 75 tuổi, tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn mạnh khoẻ. Tuy vậy, tôi đã là lớp người “xưa nay hiếm”. Ai đoán biết tối sẽ sống và phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng mấy năm mấy tháng nữa? Vì vậy, tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi. Phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột”.
Đúng 10 giờ, Bác gấp những tờ giấy "Tuyệt đối bí mật lại", cẩn thận cho vào phong bì rồi để vào ngăn trên giá sách. Sau đó Người lại ung dung thanh thảnh trở lại công việc hàng ngày của Người.
Ngày hôm sau( ngày 11/5/1965), vẫn khung thời gian đó, đúng 9 giờ, Người lại ung dung ngồi vào bàn làm việc để viết vào tài liệu "Tuyệt đối bí mật". Hôm đó Bác viết về đoạn: “Trước hết nói về Đảng - nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng.
Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm kiêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".
Là người sáng lập, giáo dục, rèn luyện ra Đảng ta nên Người luôn quan tâm đến công tác xây dựng đảng. Chúng ta đều biết trong cách nói, cách viết Bác không bao giờ dùng thừa câu chữ vậy mà ở đoạn cuối này với 57 chữ Bác đã dùng tới 4 chữ “thật”.
Đây không phải là hiện tượng ngẫu nhiên mà ẩn chứa những suy ngẫm mà Người muốn gửi gắm cho thế hệ hôm nay và mai sau, cho dân tộc Việt Nam và cho toàn nhân loại. Càng đọc, chúng ta càng thấy những lời căn dặn trong Di chúc sâu sắc đến bao nhiêu chúng ta càng thấy Bác vĩ đại biết nhường nào. Đó chính là tầm nhìn xuyên suốt lịch sử của một thiên tài.
Cho đến hôm nay, chúng ta càng nhận thức rằng, muốn công cuộc đổi mới giành được thắng lợi thì một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu chính là sự nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên trong thực hành cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư.
Bởi vì, nếu Đảng bị thoái hoá biến chất, không còn “xứng đáng là người lãnh đạo” nữa thì chẳng những sự nghiệp đổi mới không thành công mà những thành quả cách mạng giành được trước đây mà chúng ta phấn đấu hy sinh cũng không còn.
Tầm nhìn chiến lược của Người về sứ mệnh của Đảng, của đội ngũ cán bộ đã được Người chú trọng trước khi Đảng ta ra đời. Từ năm 1927, nhằm trang bị lý luận cho đội ngũ cán bộ tương lai của Đảng, Bác đã viết tác phẩm "Đường Kách mệnh", trong đó Người dành hẳn một chương để nói về tư cách người cách mạng.
Hai mươi năm sau, vào năm 1947, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đang ở giai đoạn đầu, tại núi rừng Việt Bắc Người lại viết tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc". Tại đây, Người dành hẳn chương ba để nói về tư cách người cách mạng.
Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, cây không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hoá, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”.
Điểm tương đồng trong "Đường Kách mệnh" và "Sửa đổi lối làm việc" là Người đều đề cập đến vấn đề đạo đức, tư cách của người cách mạng, còn trong Di chúc này, Bác không đề cập nữa, mà Bác nhấn mạnh là "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng".
Như vậy chúng ta mới biết, mới hiểu Người đau đáu về vấn đề đạo đức của người cách mạng như thế nào để đến hôm nay, cùng với xây dựng đảng về tổ chức, chính trị, tư tưởng thì xây dựng đảng về đạo đức lần đầu tiên được đảng ta chính thức đưa vào văn kiện Đại hội 12 của Đảng và coi đây là một trong bốn nội dung quan trọng trong xây dựng đảng.
Ngày 12/5/1965, đúng 9h sáng, Bác lại ngồi viết tiếp tài liệu "Tuyệt đối bí mật". Bác viết về thanh niên, quyết tâm của toàn thể dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước về kế hoạch xây dựng đất nước sau chiến tranh:
“Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng ta phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.
Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù.
Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hi sinh nhiều của nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.
Còn non, còn nước, con người. Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay! Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta sẽ nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta.
Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng 2 đế quốc to là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”.
Sáng ngày 13/5/1965, khi viết tiếp tài liệu "Tuyệt đối bí mật", trong phần - Về phong trào cộng sản thế giới, Bác viết như sau: “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hoà hiện nay giữa các đảng anh em.
Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, đóng góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác- Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình. Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”.
Như chúng ta đã biết, Bác Hồ là người đặt nền móng và luôn vun đắp cho tình hữu nghị quốc tế vô sản và luôn mong muốn tình hữu nghị này ngày càng phát triển tốt đẹp. Tuy nhiên, khi Người viết Di chúc thì trên phạm vi quốc tế, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lại xuất hiện những bất đồng, mâu thuẫn nghiêm trọng cụ thể là giữa Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều đó khiến Người suy nghĩ, trăn trở.
Buổi sáng thứ 6 ngày 14/ 5/1965, Người không viết tài liệu "Tuyệt đối bí mật" như đã định, đến buổi chiều, từ 14 giờ đến 16 giờ Người viết tiếp tài liệu "Tuyệt đối bí mật". Đây là phần cuối cùng của tài liệu mà Người cho rằng đó là phần viết về việc riêng.
Người viết như sau: “Cuối cùng tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn, và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế.
Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Đúng 16 giờ ngày 14/ 5/1965 Bác đã đánh máy xong tài liệu "Tuyệt đối bí mật" và đúng hẹn đồng chí Lê Duẩn sang gặp Bác. Bác đánh máy dòng chữ “Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 1965” trước chữ ký Hồ Chí Minh và bên trái là chữ ký của Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn.
Như vậy, trong bốn ngày (từ 10 đến 15/ 5/1965), Bác đã viết những nội dung cơ bản của tài liệu "Tuyệt đối bí mật" để các năm tiếp theo cho đến lần viết cuối cùng (19/5/1969) cứ vào khung thời gian đó của tháng Năm hàng năm Bác lại mang tài liệu "Tuyệt đối bí mật" ra thêm, sửa hay gạch những đoạn mà Người cho rằng không phù hợp.
Lẽ thường, viết Di chúc là luyến tiếc, bùi ngùi, nhưng ta thấy ở đây không hề có tâm trạng đó, mà chỉ thấy một tác phong bình thản, ung dung, tự tại toát lên một niềm tin tưởng, lạc quan vào dân tộc Việt Nam. Đó là bản lĩnh của Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh.
Hơn nửa thế kỷ đi qua, giá trị của bản Di chúc Bác biết năm 1965 đến nay vẫn nguyên vẹn và luôn là nguồn cổ cũ cho toàn thể dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thác ghềnh để cập bến tự do, hạnh phúc như mong muốn của Người.