Sau khi làm đủ các xét nghiệm chẩn đoán, trẻ được bác sĩ khẳng định không hề có bệnh dù đã ho cả tháng trời. Cuối cùng, “thủ phạm” là thời tiết.
Theo các bác sĩ, ho dị ứng tuy không nguy hiểm, nhưng nếu không biết chăm sóc đúng cách, có thể bị bội nhiễm, dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi...
Ho nhiều nhưng không sốt
Sau khi chụp X-quang phổi, khám tai - mũi - họng, thậm chí cả nội soi tai, mũi, bé Bi được bác sĩ kết luận là “ho do dị ứng thời tiết”. Cầm đơn thuốc với chỉ định dùng thuốc chống dị ứng, mẹ Bi cứ ngẩn người thắc mắc: “Cháu ho cả tháng rồi, giờ có mấy viên chống dị ứng thì làm sao mà khỏi?”.
Bác sĩ Hoàng Minh Thu, Trưởng khoa Khám nhi, Bệnh viện Saint Paul Hà Nội, cho biết thời tiết giao mùa như hiện nay khiến trẻ dễ bị ho kéo dài dù không bị viêm nhiễm gì. Theo bác sĩ Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương, nguyên nhân là do thời tiết thay đổi liên tục, ảnh hưởng đến sức khỏe. Trẻ dưới ba tuổi hệ hô hấp còn yếu, sức đề kháng kém là đối tượng dễ phản ứng với điều kiện thời tiết, biểu hiện bằng ho.
Trẻ ho kéo dài có thể do dị ứng thời tiết. Ảnh minh họa: K.Linh.
Trẻ bị ho dị ứng thường ho thành cơn, nhất là trước khi đi ngủ, sau khi ngủ dậy, hay lúc chuyển tư thế. Ho do viêm nhiễm thường là trẻ hay sốt, có thể có đờm đục, đờm xanh. Trẻ ho do kích ứng thời tiết thường có rất nhiều đờm nhưng là đờm trong, không sốt, khi xét nghiệm thì bạch cầu không tăng.
Cho trẻ uống nhiều nước và ăn đủ chất
Bác sĩ Nguyễn Tuyết Xương, khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết những trường hợp ho do dị ứng thời tiết cần được điều trị bằng thuốc dị ứng. Ngoài ra, vì trẻ thường nhiều đờm, nên cần làm cho các bé xổ được đờm ra, có thể bằng siro ho long đờm hoặc vỗ rung cho trẻ bằng cách: khum bàn tay lại rồi vỗ đều vào vùng lưng bé, phần giữa hai bả vai, làm nhịp nhàng liên tục.
Để phòng bệnh, cha mẹ nên chăm sóc mũi, họng thường xuyên cho trẻ bằng nước muối sinh lý vào buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Tránh đưa trẻ đến chỗ đông người; ra đường cần đeo khẩu trang.
Các bác sĩ khuyến cáo, nếu sau ba ngày trẻ vẫn không đỡ ho, phụ huynh cần cho con đi khám để được chẩn đoán đúng bệnh và cho thuốc phù hợp, không nên tự ý mua thuốc điều trị. Bởi ngoài ho do dị ứng, ho kéo dài ở trẻ còn có thể do nhiều nguyên nhân khác gây nên và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.
Một số dấu hiệu nhận biết nguyên nhân khiến trẻ bị ho kéo dài
Nếu trẻ ho có đờm, có thể do dị ứng, hen. Nếu trẻ ho từng cơn, đỏ mặt có thể là ho gà hay dị vật đường thở. Nếu trẻ ho sau khi vận động thì có thể là biểu hiện của bệnh hen. Khi trẻ ho nhiều về đêm có thể do viêm mũi xoang, hen. Nếu trẻ chỉ ho ban ngày, không bao giờ ho khi ngủ, ho khan, ho tăng lên khi đang tập trung làm việc gì đó thì có thể ho do tâm lý...