Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, 2 giống dưa được Trung tâm Khuyến nông tỉnh đưa vào trồng thử nghiệm trong vụ xuân 2020 là dưa lê Kim Hoàng Hậu và dưa lưới Nhật TL3 với quy mô 1.000m2, tại xóm xóm Cây Thị, xã Thịnh Đức (TP Thái Nguyên).
Tại đây, các luống dưa được trồng trong các chậu giá thể đặt trên đất có phủ ni-lon trong nhà kính nên ngăn chặn được các loại côn trùng, hạn chế sâu bệnh gây hại, cây dưa sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với đồng đất địa phương. Sau hơn 80 ngày chăm sóc, đến thời điểm này, 2 giống dưa nói trên đã bắt đầu cho thu hoạch.
Bà Nguyễn Kim Đương – Phó Trạm trưởng Trạm Chuyển giao kỹ thuật và dịch vụ khuyến nông cho biết: “Vụ năm nay do điều kiện thời tiết bất lợi, lúc mới gieo hạt lạnh kéo dài nên cây dưa sinh trưởng kém. Tuy nhiên, Trạm đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ để tác động nên tỷ lệ thụ phấn vẫn đạt 98%.
Trong quá trình chăm sóc cây rất thích hợp với ánh sáng mạnh, nếu cường độ ánh sáng yếu, dưa sẽ sinh trưởng chậm. Vì vậy, khi trồng trong nhà kính, sau mỗi vụ sản xuất, chúng tôi phải xử lý sạch sẽ phần mái che để đảm bảo cây hấp thụ được ánh sáng tốt nhất”.
Qua đánh giá, giống dưa Kim Hoàng Hậu có khả năng chống chịu cao hơn với thời tiết và sâu bệnh đặc biệt phát triển tốt trong môi trường nhà lưới và cho năng suất cao hơn so với trồng bên ngoài. Mỗi quả dưa lê hữu cơ đạt trọng lượng theo đúng tiêu chuẩn đặt ra khoảng 500 – 600g/quả, sản lượng dự kiến đạt từ 1,5 – 1,8 tấn/500m2.
Đối với dưa Kim Hoàng Hậu và dưa lưới có trọng lượng khoảng 1,2kg; sản lượng dự kiến đạt từ 1,5-1,8 tấn/500m2. Với giá bán từ 45.000-55.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi sào dưa cho thu lãi khoảng 25-30 triệu đồng/vụ, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Đáng chú ý, dưa sau khi được thu hoạch đã nhanh chóng được tiêu thụ. Hiện có rất nhiều đơn vị ký hợp đồng đặt hàng hợp tác với số lượng lớn. Sau đợt thu hoạch dưa vụ này khoảng 1 tháng, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục trồng vụ mới để đảm bảo cung cấp ra thị trường. Ngoài ra, Trung tâm cũng sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng các mô hình thử nghiệm nhằm nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sạch của người dân.
Thành công của mô hình đã góp phần cung cấp sản phẩm nông sản an toàn tới tay người tiêu dùng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức của bà con nông dân trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị kinh tế theo hướng bền vững./.