Không có trường hợp nào không tự nguyện thi hành án
Lào Cai là tỉnh miền núi biên giới, với 24 dân tộc, có nhiều địa danh du lịch giá trị phát triển kinh tế cao; mặt khác, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội thì phải tăng cường xây dựng hạ tầng kiến trúc, quy hoạch đô thị theo hướng hiện đại, các khu hành chính, công nghiệp, thương mại dịch vụ ở thành phố Lào Cai và nhiều huyện, đặc biệt là quy hoạch và xây dựng khu du lịch quốc gia Sa Pa, giá đất giao dịch tăng nhanh, tác động đến tâm lý và lợi ích của nhiều cá nhân, tổ chức.
Bên cạnh đó, việc công khai, minh bạch thủ tục hành chính và trình độ dân trí có phần còn hạn chế dẫn đến khiếu kiện hành chính. Vì vậy, nhiều cơ quan trên địa bàn tỉnh phải ban hành các quyết định về quản lý hành chính, do đó phát sinh gia tăng tranh chấp hành chính được giải quyết theo con đường tố tụng hành chính tại Tòa án, trong đó án hành chính về đất đai thụ lý giải quyết chiếm tỷ lệ lớn nhất trong 3 năm vừa qua (161/274 vụ, chiếm tỷ lệ 59%).
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quán triệt triển khai, thực hiện nhiều biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan thực hiện đúng, đầy đủ Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Sở Tư pháp chịu trách nhiệm tổ chức nhiều đợt tuyên truyền đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Tòa án nhân dân hai cấp kịp thời thụ lý giải quyết án hành chính, chú trọng hoà giải trong quá trình giải quyết vụ án. Viện kiểm sát tăng cường kiểm sát chấp hành pháp luật về tố tụng và thi hành án hành chính từ giai đoạn xét xử đến thi hành án.
Các cơ quan thi hành án hành chính thực hiện chặt chẽ thủ tục thi hành án. Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể giám sát thường xuyên việc chấp hành pháp luật về tố tụng và thi hành án hành chính trên địa bàn. Chính vì vậy, kết quả đạt được trên nhiều mặt nổi bật:
Nhận thức về chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính ngày càng được nâng lên, tạo điều kiện cho việc giải quyết vụ án và thi hành án hành chính thuận lợi hơn.
Số lượng lớn vụ án hành chính được Tòa án giải quyết kịp thời, dứt điểm và chú trọng đối thoại, hoà giải, thỏa thuận tại Tòa án để đình chỉ giải quyết vụ án; đương sự tham gia phiên tòa đầy đủ, cơ bản đúng thẩm quyền và có trách nhiệm. Trong thời gian gần 3 năm, Tòa án các cấp thụ lý 274 vụ thì đã giải quyết xong 216 vụ đạt 79%, trong đó số vụ có nội dung theo dõi thi hành án hành chính chiếm 10,2%.
Riêng năm 2018, tổng số vụ án hành chính TAND phải giải quyết 123 vụ, trong đó lĩnh vực đất đai 104 vụ chiếm 84,5%; lĩnh vực xây dựng 10 vụ, còn lại là lĩnh vực khác. Chia theo đơn vị xét xử thì Tòa án tỉnh 112 vụ chiếm 91%, Tòa án cấp huyện: 11 vụ, chiếm 09%. Tòa án đã giải quyết xong 91 vụ, đạt 74% trong tổng số vụ phải giải quyết, trong đó: Xét xử 31 vụ, đình chỉ 60 vụ.
Kết quả thi hành án hành chính đạt tỷ lệ cao, không có trường hợp nào không tự nguyện thi hành án. Khoản tiền tạm ứng án phí được cơ quan thi hành án dân sự hoàn trả kịp thời, khoản tiền án phí được người phải thi hành án là UBND nộp xong 100% trong thời hạn tự nguyện thi hành án.
Đến 31/3/2019 trên địa bàn tỉnh có 29 việc thì đã thi hành xong 27 việc, đạt tỷ lệ 93% còn 02 việc đang trong quá trình giải quyết. Riêng năm 2018 theo dõi thi hành án hành chính xong 15/15 việc, đạt 100%. Toàn tỉnh trong thời gian qua không có trường hợp nào Tòa án phải ra quyết định buộc thi hành án hành chính.
Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu
Tuy nhiên hệ thống pháp luật nói chung vẫn thiếu đồng bộ. Một số cán bộ lãnh đạo cơ quan nhà nước chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác xây dựng và ban hành quyết định hành chính và thực hiện hành vi hành chính, chưa quan tâm chú trọng đến việc kiểm tra, giám sát công tác này.
Một bộ phận công chức, viên chức còn hạn chế về năng lực, trình độ, đặc biệt là trình độ hiểu biết pháp luật nên gặp nhiều khó khăn trong việc tham mưu xây dựng, ban hành quyết định hành chính và thực hiện hành vi hành chính…
Từ hoạt động thi hành án hành chính cho thấy một số bài học kinh nghiệm sau đây:
Một là, cần phải phát huy sức mạnh của cả Hệ thống chính trị tham gia vào việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính, nhất là vai trò và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sát sao công tác giải quyết và thi hành án hành chính.
Hai là, các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết, kiểm sát, giám sát và thi hành án hành chính phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định và áp dụng phù hợp với điều kiện, tình hình chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. Chú trọng đối thoại hòa giải, thỏa thuận hướng đến bảo đảm quyền lợi hợp pháp của công dân bị ảnh hưởng bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính.
Ba là, nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, sở, ngành và UBND các cấp trong việc chấp hành, chỉ đạo chấp hành pháp luật và thi hành án hành chính. Chủ tịch UBND phải là người gương mẫu trong chấp hành nghiêm các bản án, quyết định hành chính của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Xử lý nghiêm cá nhân, nhất là Thủ trưởng cơ quan hành chính không tự nguyện thi hành án hành chính.
Để nâng cao hiệu quả chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính, UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Lào Cai tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp từ hoàn thiện thể chế, nâng cao nhận thức, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện, theo dõi, đánh giá công tác thi hành án hành chính. UBND tỉnh đã giao cho Cục THADS tham mưu soạn thảo Chỉ thị về việc tăng cường công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính trên địa bàn ban hành trong quý 3 năm 2019 để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính.