Gây ác nghiệp, chịu ác báo
Ngày xưa, gian thần khét tiếng triều nhà Tống Trung Quốc là Tần Cối vì lấn át bề trên, hại chết danh tướng chống nhà Kim là Nhạc Phi mà bị người đời căm ghét. Theo ghi chép trong sách, Tần Cối từng ép một thầy phong thủy tìm một mảnh đất cát lợi, phong thủy tốt để an táng tổ tông, với hi vọng giúp con cháu đời sau đều có thể trở thành vương, hậu.
Vì bị ép buộc, đại sư phong thủy không thể không thực hiện chỉ lệnh, sau một thời gian cũng tìm đúng long huyệt nhưng trước khi rời đi, người này đã phẫn nộ nói: “Nơi này nếu phát sẽ không còn thiên lý”.
Đại sư phong thủy đó chính là Lại Bố Y, tên thật là Lai Phong Cương, tự Văn Tuấn, được người đời coi là “Tiên Tri Sơn Nhân”. Trước khi trở thành đại sư phong thủy, ông từng làm tới chức quốc sư, tức là cao nhân ở bên cạnh hoàng đế. Ông cũng bị chính Tần Cối hãm hại đến mức phải lưu lạc nhân gian.
Sau khi "yểm" thêm câu nói trên, gia đình ông lập tức dọn đi, dư cư về phương nam để tránh sự bức hại của Tần Cối. Theo học thuyết phong thủy dịch lý, địa lý ở đây ý chỉ nguyên lý long mạch của thế đất. Thầy phong thủy thường dựa vào thế đất để tính toán, tìm ra long mạch của khu đất, chỗ nào có nhiều sinh khí vận hành sẽ được lựa chọn.
Và đã là long mạch thì không thể không phát, nếu không phát, đạo lý địa linh sẽ chỉ còn là thứ giả dối, lừa gạt mọi người. Nhưng tất cả mọi chuyện trên đời đều vận động dưới cái gọi là “thiên lý” tức là quy luật của trời, hay quy luật nhân quả.
Tần Cối là hạng người hiểm ác, bất trung, nếu đời sau vẫn có thể hưởng phúc, điều đó chẳng thể hợp lẽ trời. Chính bởi thế nên thầy phong thủy mới thốt ra câu nói đầy bất mãn trước mảnh đất phong thủy do chính mình tìm ra.
Theo đó, Tần Cối vu oan cho hai cha con Nhạc Phi và một tướng khác là Trương Hiến âm mưu chống lại triều đình rồi cho giam họ vào ngục. Sau trong triều có nhiều người thấu hiểu nỗi oan ức của Nhạc Phi nên từ quan không chịu xét xử vụ án này.
Đồng thời, nhiều người lên tiếng kêu oan cho Nhạc Phi nên vợ Tần Cối là Vương thị khuyên ông ta nên hạ thủ ngay Nhạc Phi để tránh sinh lắm chuyện. Tần Cối nghe theo, sai giết Nhạc Phi trong ngục, Nhạc Vân và Trương Hiến bị chém ở chợ. Một số đại thần gần gũi với Nhạc Phi bị cách chức hoặc bị giết.
Cảm phục trước nghĩa khí của người Nhạc Phi, người ngục tốt tên Ngỗi Thuận mạo hiểm cả tính mệnh cõng di thể của Nhạc Phi ra khỏi thành, chôn cất ở ngôi đền Cửu Khúc Tùng bên ngoài cổng thành Tiền Đường. Ngỗi Thuận lấy miếng ngọc bội mà Nhạc Phi thường hay đeo làm vật bồi táng, bên cạnh có hai cây quýt làm ký hiệu, trên bia mộ có viết 4 chữ “Giả nghi nhân mộ”.
Lại nói về Tần Cối, sau khi được phong thủy bảo địa, Tần Cối cho chuyển mồ mả tổ tiên về đó và tỏ ra vô cùng đắc chí, cho rằng từ đây vạn sự sẽ thuận lợi, cát hóa hung, vận may sẽ đến nên cấu kết ngoại bang, hoang tưởng cho rằng bản thân có thể phong vương phong hậu.
Nhưng người tính chẳng bằng trời tính. Vào một đêm, trời bỗng tối đen như mực, gió bão nổi lên, sấm chớp đùng đùng, trời đất như gào thét, núi sông đảo lộn khiến cho long mạch bị dịch chuyển. Mảnh đất vốn dĩ là bảo địa nhanh chóng bị trở thành mảnh đất hủy diệt, ứng với vế sau trong câu nói của Lại Bố Y: “Nơi này nếu phát sẽ không còn thiên lý”.
Thế mới thấy, phong thủy tốt hay xấu phụ thuộc vào đức hạnh và phúc phận của con người. Con người nếu có phúc phận, sống tại nơi có phong thủy dù xấu rồi cũng sẽ chuyển thành đẹp. Ngược lại, nếu sống tại nơi có thế phong thủy đẹp, thế đó rồi cũng sẽ tự bị phá vỡ.
Người đời sau xem Tần Cối là kẻ phản bội nên cho đến tận ngày nay, món bánh giò cháo quẩy của người Hoa được làm bằng bột chiên trong dầu, luôn luôn làm từng cặp dính nhau, đó là tượng trưng cho vợ chồng Tần Cối bị trói với nhau và ném vào vạc dầu để hành tội.
Sau khi Nhạc Phi được giải oan, người ta đem hài cốt Nhạc Phi chôn cất trên đồi bên bờ Tây Hồ phong cảnh tươi đẹp, về sau lại dựng Nhạc Miếu ở phía đông ngôi mộ. Tượng Nhạc Phi trong bộ nhung giáp ngồi ở chính giữa điện.
Tượng Tần Cối được đúc bằng gang, cùng vợ là Vương Thị và hai kẻ theo Cối để hãm hại ông là Trương Tuấn, Vạn Sĩ Tiết bị còng tay quỳ trước mộ để người đi qua nhổ nước bọt hoặc lấy những thứ dơ bẩn nhét vào mồm.
Hơn 800 năm nay, tượng của các gian thần này bị người đời đánh đập nhiều quá, bị hỏng nên đã phải đúc đi đúc lại tới 13 lần. Bốn bức tượng này được rào lại bằng rào sắt nhưng ngày nay từ bên ngoài người ta cũng có thể với được tay để đánh vào đầu Tần Cối khiến đầu y trở nên láng bóng.
Trên cây trụ đá ở cửa mộ, có đôi câu đối nổi tiếng: “Thanh sơn hữu hạnh mai trung cốt; Bạch thiết vô cô chú nịnh thần”. Nghĩa là núi xanh may mắn lưu xương cốt người trung nghĩa, sắt trắng vô tội phải đúc ra kẻ nịnh thần.
Vậy là, gần 1000 năm qua, nghiệp ác mà Tần Cối gây ra dù đã bị quả báo nhưng vẫn chưa thể gột rửa hết, vẫn phải chịu sự phỉ nhổ của người đời. Thế mới thấy uy lực của luật nhân quả mạnh mẽ tới mức nào. Dù ác nhân nhất thời đắc ý nhưng không tránh được ngàn năm người đời phán xét. Đó cũng là lời răn cho những kẻ nuôi cái ác trong mình.
Hành thiện tích đức thay đổi vận mệnh
Trái ngược với câu chuyện trên, nhờ hành thiện tích đức, Từ Ngang đã thay đổi được vận mệnh của mình, có cuộc sống sung túc đến hết đời. Từ Ngang người Dương Châu, mùa xuân năm nọ đến kinh thành ứng thi, trong thành có Vương thầy tướng xem bói rất chuẩn.
Từ Ngang nghe nói vậy cũng đến coi xem, Vương thầy tướng nói: “Nhìn tướng mặt ngươi mà xem, mệnh của ngươi không có con”. Sau khi Từ Ngang thi đỗ, được phái đến Tây An làm quan.
Trên đường đi, Từ Ngang đã mua một cô gái rất xinh đẹp với ý định muốn lấy cô làm vợ bé. Từ Ngang hỏi han hoàn cảnh gia đình cô gái, cô trả lời:“Cha của thiếp làm quan tại Mỗ Địa, nhưng đã qua đời từ mấy năm trước.
Quê nhà xảy ra thiên tai, đói kém, một toán cướp đã đem thiếp bán vào kinh thành”. Từ Ngang nghe xong cảm thấy thương cảm cho thân phận cô gái, bỏ ý định lấy cô làm thiếp, đem văn tự bán mình của cô gái đốt đi.
Đến Tây An, Từ Ngang lựa chọn một chàng trai tài đức rồi cưới gả cho cô gái giống như cho con gái đi lấy chồng vậy. Hết thời hạn đảm nhiệm chức vụ ở Tây An, Từ Ngang trở về kinh thành, Vương thầy tướng sau ghi gặp Từ Ngang ngạc nhiên nói:“Từ biệt mấy năm, tướng mạo ngài đã biến đổi rất nhiều, “đoạn tử tướng” (tướng không có con) đã cải biến thành “đa tử tướng” (tướng có nhiều con), nhất định là ngài đã tích được đại âm đại đức rồi”. Không lâu sau, vợ của Từ Ngang lần lượt sinh hạ được năm người con trai, cuộc sống sung túc đến hết đời.