Hành động vì nghĩa quên thân và lòng can đảm của anh khiến người dân địa phương ai cũng yên mến, thán phục. Hiện nay dù sức khỏe đã suy giảm, dù nhiều lần bị đánh lén trả thù thê thảm nhưng chàng hiệp sĩ đường phố này vẫn giữ nguyên niềm đam mê săn bắt cướp.
Hiệp sĩ Dương Văn Hào |
Nhiều năm qua, người dân sống ở khu vực chợ Long Kiểng (phường 4 và phường 15, quận 4, TP.Hồ Chí Minh) đã quá quen thuộc với hình ảnh một người đàn ông trung niên có dáng người thấp đậm phải khập khiễng từng bước đi nhưng mỗi khi nghe tiếng tri hô “Cướp! Cướp” thì anh ta bỗng dưng nhanh nhẹn như con sóc truy đuổi theo bọn tội phạm đến cùng để lấy lại tài sản cho người bị hại. Người đó chính là anh Dương Văn Hào, nhân vật của bài viết này.
Khu vực chợ Long Kiểng là một điểm nóng thường xuyên xảy ra các vụ cướp giật táo tợn. Đối tượng đi cướp thường sử dụng dao, lưỡi lê để tấn công lại những người truy đuổi chúng. Nhưng bất kể nguy hiểm, anh Hào luôn sẵn sàng lao vào bắt cướp cho bằng được. Với đôi tay rắn chắc cùng những thế võ đã học khi còn tại ngũ, vị hiệp sĩ một chân này có thể dễ dàng khóa tay khống chế bọn chúng để đưa đến công an đến xử lý.
Anh Hào cho biết, anh là con cả trong gia đình nghèo có 7 người con. Lúc nhỏ anh không được học hành đến nơi đến chốn mà phải đi bốc xếp ở cảng để phụ giúp cha mẹ nuôi các em. Năm 19 tuổi, anh nhập ngũ. Sau 1 năm tại ngũ, anh Hào đạp phải mìn, mất đi một phần chân trái và được phục viên.
Trở về cuộc sống đời thường, anh Hào gần như mất hết ý chí. Việc đi lại và sinh hoạt hàng ngày quá khó khăn nên anh không thể đi làm thuê kiếm sống. Về sau, anh nhận thấy mình phải tập đi đứng, phải sống có ích cho gia đình cho xã hội, chứ không thể thành phế nhân.
Sau vài tháng vất vả tập đi với chân giả, người thương binh này đã có thể đi lại rồi anh xin vào làm bảo vệ giữ nhà kho cho một công ty rau củ. Không lâu sau, do công việc này có thu nhập quá thấp nên anh xin làm bốc xếp hàng hóa cho bà con tiểu thương ở chợ Long Kiểng và giao báo thuê để trang tải cuộc sống.
Cuối năm 1987, anh Hào kết hôn với một cô gái. Sau 1 năm, họ sinh được một bé gái xinh xắn. Năm 1990, không chịu nổi cảnh nghèo khó, nhân lúc anh Hào đi làm, người vợ gom hết đồ đạc có giá trị trong nhà rồi rũ áo ra đi, bỏ con lại cho người chồng khốn khó. Mãi đến năm 1995, anh mới gá nghĩa với người vợ sau và sinh thêm được hai đứa con ngoan ngoãn, học giỏi. Họ đã sống hạnh phúc bên nhau từ đó đến giờ.
Những tháng ngày khuân vác mưu sinh ở chợ, anh Hào đã chứng kiến rất nhiều vụ trộm cắp, cướp giật tài sản. Rất bất bình với bọn tội phạm này, anh quyết tâm bắt chúng để đem lại sự bình yên cho bà con. Vụ bắt cướp đầu tiên anh thực hiện diễn ra ngay tại chợ Long Kiểng vào năm 1993. Ngày ấy, một phụ nữ đang mua hàng trong chợ thì bất ngờ bị kẻ gian giật mất đôi bông tai vàng. Nghe tri hô, anh Hào tức tốc rượt theo tên cướp. Khi đến hẻm cùng, tên cướp đang chuẩn bị leo qua tường rào để tẩu thoát thì bị anh nắm chân, vật ngã và bắt gọn.
Sau lần ấy, anh Hào được ủy ban phường tặng thưởng giấy khen và chính thức tham gia đội dân phòng, theo nghiệp bắt cướp cho đến nay và luôn là khắc tinh của tội phạm nguy hiểm. “Tui biết chân mình khiếm khuyết, lúc đuổi bắt mấy đối tượng cướp giật này rất nguy hiểm và không dễ dàng chút nào. Nhưng mỗi khi thấy chúng ngang nhiên trộm, cướp tài sản của bà con thì tui không thể nào chịu được. Tui phải bắt cho bằng được bọn chúng, dù có trả giá thế nào tui cũng chịu”, anh Hào chia sẻ.
Buồn vui nghiệp bắt cướp
Hơn 20 năm đối mặt với hiểm nguy và những tình huống dở khóc dở cười trong “nghiệp” săn bắt cướp nhưng tinh thần nghĩa hiệp của anh Hào vẫn không lay chuyển. Biết chân mình bị khiếm khuyết, có phần hạn chế trong việc di chuyển nên anh Hào rất chịu khó quan sát kẻ gian. Hễ phát hiện đối tượng nào có biểu hiện khác thường như mặt mày lấm lét, dòm trước ngó sau là anh bám sát để theo dõi và chuẩn bị tư thế sắn sàng đợi chúng ra tay là tóm gọn.
Có những tên cướp gian manh ngụy trang bằng quần áo lịch sự, đi xe tay ga, giả vờ hỏi đường, hỏi thuê nhà để thừa cơ trộm cắp, cướp giật cũng đều bị anh lật tẩy. Đối phó với những tên cướp có vũ khí và được đồng bọn hỗ trợ, anh vận dụng tối đa kỹ năng võ thuật của mình cùng sức mạnh đôi tay rắn khỏe và gậy gộc để “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn” chúng. Vậy nhưng cũng nhiều lúc bị túng thế, anh Hào phải dùng cả dây nịt quần để chống trả lại. Anh kể về một số kỷ niệm bắt cướp đáng nhớ của mình cho chúng tôi nghe.
Theo đó, năm 2009, khi chở hai con đi học trên đường Tôn Đản (quận 4) thì anh Hào gặp một tên cướp giật dây chuyền của một phụ nữ đang bỏ chạy vào hẻm. Cho con xuống đường, anh Hào lao xe đuổi theo chặn đầu hắn lại. Thấy có người rượt đuổi, tên cướp lập tức đứng lại, thò tay vào túi quần jean.
Biết đối tượng sẽ rút dao ra đâm ngay khi mình tới gần nên anh Hào không vội áp sát. Sau vài phút thủ thế, chàng hiệp sĩ đường phố đã thu phục được tên cướp hung tợn bằng những thế võ hiểm của mình. Và sau khi bàn giao tên cướp cho công an, trả lại dây chuyền cho nạn nhân, anh lại ung dung đưa hai con đến lớp.
Lần khác, anh bắt được một tên cướp giật rất tinh ranh, hắn ngậm chiếc bông tai vào miệng rồi lén nhả vào sọt rác trước cửa phường đội để phi tang vật chứng. Tại đây, kẻ cướp này cứ một mực kêu oan, khi công an khám xét cả người hắn mà vẫn không tìm được chiếc bông tai. Vậy nhưng khi quan sát tên tội phạm này, anh thấy hắn cứ dõi mắt nhìn đăm đăm vào sọt rác. Lập tức anh bới tung rác lên và tìm được chiếc bông tai tang vật khiến tên cướp phải ngoan ngoãn cúi đầu nhận tội.
Bên cạnh những chiến công thầm lặng, anh Hào cũng phải đối mặt với hiểm nguy rình rập bởi sự trả thù của những đối tượng từng bị anh bắt giữ. Chúng thường xuyên đe dọa vợ của anh: “Nói chồng bà chớ có lo chuyện bao đồng mà hại thân. Việc ai thì người đó làm, nếu ngăn cản hoài thì tụi này thí mạng luôn”. Không chỉ dọa, chúng còn nhiều lần cho người đến gây sự đánh nhau với anh Hào nhưng đều bị anh hạ gục.
Biết không đánh “tay bo” được với anh, bọn chúng chuyển sang đánh lén để rửa hận. Có lần lợi dụng anh Hào đang lúi húi phụ giúp vợ dọn hàng, 4 tên côn đồ đã cầm cây, cầm đá bất ngờ tấn công dữ dội khiến anh thương nặng, gãy cả sống mũi. Sau vụ ấy, anh Hào phải nằm viện và tự lo hết mọi chi phí. Thấy vậy, vợ khóc hết nước mắt khuyên chồng từ bỏ việc bắt cướp mạo hiểm nhưng anh không chấp thuận. Anh tâm sự: “Nếu ai cũng sợ nạn trộm cướp thì chúng sẽ càng lộng hành hơn. Từ cướp giật ngoài đường, chúng sẽ vào tận nhà dân để cướp. Biết đâu sẽ có lúc nạn nhân của chúng là mình và người thân của mình thì sao? Còn sức khỏe thì tui còn bắt cướp!”.
Xả thân vì chính nghĩa
Với suy nghĩ ấy, anh Hào vẫn âm thầm theo đuổi nghiệp săn bắt cướp và lập thêm nhiều chiến công. Nhiều đêm khuya, đặc biệt là những đêm cuối năm, các kỳ Sea Games, World Cup, bọn trộm cướp thường hoạt động mạnh nên anh tình nguyện theo dân phòng đi tuần tra thường xuyên. Có hôm về tới nhà lúc 4h sáng, nghỉ ngơi một chút rồi anh lại đi làm để lo kế sinh nhai.
Dẫu đối mặt với bao hiểm nguy và vất vả nhưng hễ thấy trộm cướp hoành hành là dòng máu nghĩa hiệp trong chàng hiệp sĩ một chân lại sôi lên và anh lại ra tay để bắt hết kẻ xấu mang lại sự yên bình cho xã hội. Vì lẽ đó, người dân địa phương ai cũng hết mực yêu mến anh Hào. Một tiểu thương trong chợ cho biết: “Khi thấy anh Hào rượt tụi cướp giật thì mình không nghĩ ảnh bị què đâu. Bất kể bọn chúng cầm dao hay có nhiều đứa thì cũng đều bị anh Hào bắt hết. Từ khi có anh Hào đến làm ở chợ, tệ nạn giật đồ đã giảm đi rất nhiều. Tui thấy việc làm của anh rất có ích cho cộng đồng”.
Ngoài việc tham gia săn bắt cướp, anh Hào còn tiếp cận, khuyên giải những thanh thiếu niên nghiện ngập từ bỏ tệ nạn để trở thành người có ích cho xã hội. Hiện nay, sức khỏe không còn như trước, vết thương ở cái chân cụt thường xuyên đau nhức nhưng anh Hào không đầu hàng số phận, anh vẫn bươn chải kiếm sống bằng nhiều nghề như giữ xe ở chợ Long Kiểng, giao báo và phụ vợ bán chè. Dù bận bịu lo chuyện chén cơm, manh áo nhưng khi nghe tri hô: “Cướp! Cướp!” thì vị hiệp sĩ một chân này lại không màng đến sức khỏe, tính mạng của mình mà xả thân vì chính nghĩa.