Các mỏ đá hoạt động từ 5h sáng đến 21h đêm mới nghỉ. Tiếng nổ mìn làm rung chuyển, gây nứt vách hàng loạt nhà dân. Tiếng máy khoan, máy nghiền đá đinh tai nhức óc ngày đêm. Bụi mù mịt, người sống cạnh mỏ đá chỉ cần một cái quơ tay có thể nắm cả vốc bụi và bột đá; ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân sinh sống quanh khu vực.
Nguy cơ sông Buông hóa “đập nước trên cao”
Cụm mỏ đá Tân Cang không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống người dân, mà ngay trong một văn bản, UBND tỉnh Đồng Nai cũng thừa nhận còn nhiều bất cập, thiếu tính đồng bộ trong việc cấp phép cho 10 mỏ đá hoạt động ồ ạt, cùng lúc trên phường Phước Tân.
Cụ thể, trong 10 mỏ được cấp phép thì 5 mỏ vị trí quá gần sông Buông. Với khoảng cách chưa đầy 50m, khi các mỏ đá nổ mìn, khai thác sâu xuống lòng đất, sông Buông trở thành đập nước trên cao có thể vỡ bờ, tràn vào các mỏ bất cứ lúc nào. Không chỉ mất an toàn trong khai thác mà về lâu dài còn làm biến đổi dòng chảy con sông.
Những hình ảnh ghi nhận trên thực địa tại một khu mỏ trong cụm mỏ đá Tân Cang cho thấy, dòng sông Buông nằm bao quanh toàn bộ khu mỏ. Phía sâu dưới lòng mỏ, những xe chuyên dùng bé như những bao diêm đang làm việc.
Dòng sông và khu mỏ chỉ cách nhau một con đường mòn nhỏ. Con đường này cũng chính là con đê ngăn nước sông Buông không tràn vào khu mỏ. Chỉ cần nước sông Buông dâng cao hoặc “con đê” bị tác động thì toàn bộ nước sông sẽ tràn vào khu mỏ này, hiểm họa khôn lường.
Một mỏ đá khai thác sát sông Buông. |
Trước thực trạng có 5 mỏ nằm sát sông Buông với chiều dài mỗi mỏ hàng trăm mét như như hiện tại, cuối 2019, UBND tỉnh Đồng Nai đã có cuộc làm việc với các ban ngành, yêu cầu Sở TN&MT sớm có đánh giá tổng thể các tác động môi trường của các mỏ đá với sông Buông. Nếu các tác động quá lớn sẽ tạm ngưng cấp phép hoạt động với các mỏ này.
Một ý kiến nhận xét: “Việc ồ ạt cấp phép khai thác đá tại cụm mỏ đá Tân Cang đã gây rất nhiều hệ lụy cho cuộc sống người dân địa phương, còn ngày đêm đe dọa sự an toàn dòng sông. Cán bộ chức năng đã cấp phép khai thác đá nhưng không lường hết hậu quả, thiếu đánh giá tác động môi trường tổng thể cụm mỏ”.
Trong khi chờ cơ quan thẩm quyền giải quyết các vấn đề này, hàng ngày chủ các mỏ đá vẫn tiếp tục đưa các phương tiện máy móc đào sâu hơn vào lòng đất, moi từng khối đá; người dân vẫn phải gồng mình chịu đựng.
Nguồn nước ngầm cạn kiệt, cảnh quan biến đổi
Hộ ông Nguyễn Trọng Khanh và nhiều hộ dân khác tại ấp Tân Cang nhiều năm nay khốn khổ vì nước sinh hoạt. Những năm trước, khi cụm mỏ đá chưa hoạt động rầm rộ, các hộ sử dụng nguồn nước ngầm để sinh hoạt.
Nhiều năm gần đây, giếng khoan không còn sử dụng được do mực nước ngầm bị suy giảm. Các hộ dân khẳng định, nước ngầm bị mất là do mỏ đá khai thác xuống sâu, nguồn nước ngầm đổ hết về khu mỏ, rút cạn kiệt nước ngầm trong khu vực.
Mai này hết đá, chắc chắn những doanh nghiệp sẽ rời đi, nhưng những nỗi đau vẫn còn ở lại. |
Các mỏ đá còn gây ngập úng cục bộ. Các hành động xâm hại đến sông Buông, lấn chiếm chèn ép dòng chảy con sông không chỉ gây ngập cục bộ với các khu vực ấp Miễu, ấp Hương Phước mỗi mùa mưa. Về lâu dài, dòng chảy của con sông bị biến đổi cũng gây biến đổi cảnh quan khu vực hạ nguồn thuộc phường An Hòa và Long Hưng, nơi có hai dự án lớn mà các mỏ đá đang khai thác để phục vụ.
Tại hai địa phương khu vực hạ lưu này, các dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng Long Hưng, dự án Aqua City đều phụ thuộc vào dòng chảy sông Buông để làm cảnh quan. Nếu dòng chảy sông Buông bị biến đổi, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan hai dự án.
Một vấn đề nhức nhối khác, là chuyện các mỏ đá chây ì hoàn thổ. Trong căn nhà nhỏ của anh Nguyễn Văn Thành (khu phố An Hòa, phường Hóa An), anh Thành vẫn chưa hết bàng hoàng, đau xót khi nhớ về sự cố con trai lớn của anh và người bạn bị đuối nước thương tâm tại mỏ đá Hóa An.
Sáu năm đã qua, mỗi lần nhớ chuyện con trai sa chân xuống hố nước mỏ đá, anh Thành lại rưng rưng. |
Trưa một ngày sáu năm trước, con trai của anh lúc đó đang học lớp bảy cùng nhóm bạn đi học không thấy về nhà. Các gia đình đổ xô đi tìm. Chiều cùng ngày, gia đình nhận được tin dữ, hai đứa trẻ đến khu mỏ đá chơi, trượt chân rơi xuống hồ nước khu mỏ tạo nên, tử vong.
Sáu năm đã trôi qua, nỗi đau của những gia đình mất con chưa thể nguôi ngoai. Mỗi lần đi qua khu mỏ đá chưa hoàn thổ, lòng anh lại đau như cắt. Mỏ đá sâu hun hút, không biết đâu là đáy, nguy cơ người qua lại sa chân là không tránh khỏi.
Điều 5 Luật Khai thác Khoáng sản quy định rất rõ về quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản khai thác: Địa phương được điều tiết một phần khoản thu để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có trách nhiệm nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản.
“Theo luật, người dân địa phương sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích trong phát triển hạ tầng và kinh tế, nhưng ở Tân Cang quy định vẫn chỉ nằm trên giấy. Người dân không được hưởng lợi gì, còn phải chịu nhiều phiền lụy, rồi cha mẹ mất con”, anh Thành nói.
Mai này hết đá, chắc chắn những doanh nghiệp sẽ rời đi, nhưng những nỗi đau vẫn còn ở lại. Đất đâu lấp đầy những hố sâu khổng lồ mỏ đá để lại? Có gì đủ để lấp đầy khoảng trống tâm hồn của những bậc cha mẹ mất con?