Bán da cho ngành phẫu thuật thẩm mỹ
Một năm sau đó, cô gặp một người phụ nữ có vết sẹo tương tự như của mình, cô nhận ra rằng phần da bị lấy phía sau lưng không đơn thuần là một vết sẹo mà là một chấn thương. Họ đã lấy da của cô làm nguyên liệu sử dụng trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ,chủ yếu cho những ca phẫu thuật tăng kích cỡ vòng ngực và dương vật.
Tiết lộ với phóng viên Soma Basu của trang tin tức Ấn Độ Youth Ki Awaaz (YKA), Sushila Thapa nói rằng đã bán 20inch (130cm2) phần da lưng của mình với giá 10 nghìn rupees (tương đương 3,5 triệu đồng) cho một cơ sở thẩm mỹ viện. Nhưng khoản tiền cũng nhanh chóng đội nón ra đi vì những món nợ khổng lồ của gia đình.
Sau đó, nghe lời ngon ngọt của chính người môi giới cô bán da về một công việc mới nhàn hạ và kiếm được nhiều tiền. Kẻ môi giới đưa cô đến một tiệm massage tại Thamel, khu phố du lịch của thành phố Kathmandu.
Nhìn cảnh tượng những gã đàn ông thản nhiên sàm sỡ, trêu ghẹo mấy nhân viên massage ăn mặc hở hang giữa ban ngày ở khu đèn đỏ, Thapa nhận ra rằng một lần nữa mình lại bị lừa, nhưng cô không còn sự lựa chọn nào khác.
Bước chân vào nghề, Thapa lại càng hối hận hơn nữa, nếu như lưng cô không bị biến dạng xấu xí sau vụ bán mảng da, có thể cô sẽ kiếm được nhiều tiền hơn và được hành nghề trong điều kiện an toàn hơn.
Sau vài năm khổ nhục làm gái mại dâm nơi xứ người, khi trốn thoát, trở về quê hương Thapa sẽ tìm được chốn bình yên. Nhưng sự thực phũ phàng, Thapa bị dân làng kinh miệt, thậm chí còn xua đuổi.
Không nghề nghiệp, không tài sản, lại “dị dạng” bị khuyết một miếng da to ở lưng, để có thể kiếm tiền nhiều hơn, được an toàn hơn, chẳng còn lựa chọn nào khác, Thapa lại tìm đến kẻ đã “mua da” của cô năm xưa. Lần này, hắn giao kèo với Thapa rằng tiền công dẫn cô đến đây bằng 3 tháng thu nhập đầu tiên.
Giờ đây, công việc hàng ngày của Thapa là phục vụ những gã đàn ông đến từ các nước Nam Á. Công việc cũng không hề dễ dàng và sung sướng, bởi nếu cô đòi sử dụng bao cao su, khách hàng thậm chí còn không trả khoản tiền 300-500 rupees (tương đương 100-180 nghìn đồng), mặc dù trước đó đã đồng ý quan hệ khi biết cô bị biến dạng phần lưng.
Công khai dịch vụ mua bán “da người”
Ở khu này, những phòng massage cũng không hề ít, thường để phục vụ đàn ông và một số khách nữ phương Tây. Thapa chuyển sang làm massage vì nghề này giúp cô kiếm được nhiều tiền hơn so với việc bán dâm.
Hàng ngày, sau 21 giờ tối, các câu lạc bộ đêm bắt đầu mở cửa. Mọi thứ, mọi dịch vụ đều có sẵn ở đây và biến nơi này trở thành một Las Vegas thu nhỏ đối những gã đàn ông Ấn Độ. Đội ngũ nhân viên môi giới thường là những bé trai 14-15 tuổi, hồn nhiên chèo kéo du khách và mời chào mọi người sử dụng “dịch vụ tươi mát” sẵn có trong các câu lạc bộ đêm.
Được biết, Soma Basu khi thâm nhập vào khu đèn đỏ để điều tra và tìm kiếm thông tin đã tình cờ gặp Thapa. Trong suốt buổi massage, Soma Basu đã cố gắng dụ dỗ Thapa đến nhà nghỉ nhưng Thapa từ chối vì không có nhu cầu, kèm theo đó là câu chuyện đau khổ về vết sẹo trên lưng đã giúp Soma Basu có được những thông tin quý báu.
Sau đó, Soma Basu bắt đầu thăm dò về dịch vụ bán da. Cô tìm đến một kẻ môi giới và hỏi mua da cho một bà con giàu có bị bỏng nặng nhưng sắp kết hôn. Kẻ môi giới ngay lập tức trả lời, “Với khoảng 500.000 rupees thì có thể sắp xếp được”.
Sau đó hắn yêu cầu xem hình ảnh của người cần cung cấp da để tìm mua gam màu thích hợp, đồng thời yêu cầu xét nghiệm máu và xem hồ sơ bệnh án xem cô có thực sự muốn mua không. Soma Basu đưa cho ông ta xem giấy tờ giả mạo dưới danh nghĩa là họ hàng. Rất nhanh chóng sau 2 ngày, người đàn ông môi giới gọi điện thông báo đã có “mẫu hàng”.
“Thị trường chợ đen mua bán da người có nhu cầu rất lớn. Ở Delhi và Mumbai, mỗi mảnh da khoảng 650cm2 được bán với giá khoảng 50.000 tới 100.000 rupee. Những kẻ môi giới sẽ đưa những nạn nhân tới biên giới Ấn Độ - Nepal. Từ đây, những tay môi giới khác sẽ đưa họ tới Ấn Độ và trao cho một bên thứ ba.
Những người này sau đó sẽ lấy da của những người phụ nữ Nepal. Các nạn nhân buộc phải ký vào một tờ giấy trong đó xác nhận họ đã hiến tặng da chứ không phải hoạt động mua bán”, Prem Basgai - 40 tuổi, một kẻ trong đường dây buôn bán trên khai tại nhà tù quận Kabrepalanchowk. Theo lời Basgai, mỗi một mảnh da người đạt yêu cầu, anh ta kiếm được 30.000 - 50.000 rupee. Trong khi anh ta chỉ mất 5.000 rupee để mua nó.
Được biết, bán nội tạng người là một tội ác theo luật Nepal và Ấn Độ. Kể cả cấy ghép nội tạng và các quy định về mô cũng phải tuân theo pháp luật. Nhưng vì lợi nhuận cao nên rất nhiều người tham gia vào kinh doanh mua bán da người, mặc dù biết rằng việc là này phạm pháp.
Thậm chí nhiều người trở thành những đại lý cấp cao bán da phụ nữ cho những phòng thí nghiệm nhỏ, cơ sở chuyên tái tạo mô. Mô đã tái chế sẽ được chuyển đến mạng lưới những phòng thí nghiệm lớn, một số có thương hiệu nổi tiếng, hoạt động công khai, có giấy phép xuất khẩu các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ sang Mỹ.
Tại Mỹ, chúng được tái chế để sử dụng cho những sản phẩm mỹ phẩm đặc biệt như Alloderm, mặt hàng phục vụ cho những ca phẫu thuật thẩm mỹ như làm nở ngực hoặc làm mọng đôi môi. Gần đây, Ấn Độ cũng là thị trường bùng nổ những dịch vụ này.
Bi kịch của những nạn nhân bị trộm da
Một nạn nhân may mắn trốn thoát cho hay, phụ nữ và trẻ em sẽ bị thủ tiêu nếu cố gắng bỏ chạy. Thậm chí, những kẻ thủ ác còn lấy mô da từ người chết mà không hỏi ý kiến thân nhân của họ.
“Khi bị lấy da, các nạn nhân thường bị đánh thuốc mê và trói vào giường. Việc đầu tiên mỗi người làm sau khi hồi tỉnh là chạy “thừa sống thiếu chết” đến nỗi không còn nhớ ra việc kiểm tra xem trên cơ thể có khuyết miếng da nào không.
Đó cũng là khởi đầu dẫn dắt các nạn nhân chúng tôi dấn sâu hơn vào những hang cùng tăm tối và kinh hoàng”, Rekha - một người phụ nữ khoảng 30 tuổi, từng bán thận, rồi sau đó bị bán cho nhà thổ ở Mumbai và Kolkata, nói.
“Người phụ nữ nào đã bán da, hoặc cơ quan nội tạng dám tố cáo hành vi tội ác? Chúng tôi đã đặt chân đến những địa bàn, nơi mạng sống không đáng giá 1 xu. Tôi đã tận mắt chứng kiến những người phụ nữ từ chối phục vụ khách hàng hoặc định trốn chạy khỏi nhà chứa bị sát hại dã man.
Thi thể họ sau đó bị quăng xuống cống thoát nước thải thành phố. Con trai 2 tuổi của tôi bị khách làng chơi dụi điếu thuốc lá đang hút dở vào lưỡi. Năm nay nó 7 tuổi, vẫn chưa thể phát ngôn bình thường”, chị Rekha nói thêm.
Theo báo cáo của YKA, một số nạn nhân đã bị bắt cóc và buộc phải trải qua các ca phẫu thuật. Hoặc, họ có thể bị lừa để tin rằng họ cần phải thực hiện các ca phẫu thuật khác và bị lấy trộm… da.
Khi nạn nhân phát hiện mình bị mất một mảnh da, những kẻ này sẽ dùng một khoản tiền nhỏ gọi là “bồi thường” hay “bồi dưỡng”, mà gọi trắng ra là để “bịt miệng”. Kusum Shrestha, 40 tuổi, từng bán da của mình cho một kẻ môi giới ở Nuwakot nói rằng, những kẻ buôn bán nội tạng có một mạng lưới chân rết rất chặt, khi chúng phát hiện ai dám đi đến cảnh sát tố giác thì bản thân người ấy và người thân trong gia đình đó chắc chắn không được yên ổn, thậm chí còn mất cả tính mạng.