Đại Nam chính biên liệt truyện khi chép về Nguyễn Hữu Hào, cho hay “Là con trưởng Hữu Dật, Hào từ bé theo cha đi đánh dẹp, tập biết việc binh, có can đảm và mưu lược”. Gia phả ghi ông sinh ngày 10/10 năm Nhâm Ngọ (1642) tại Phong Lộc, Quảng Bình, mất ngày 27/7 năm Quý Tỵ (1713) tại dinh trấn Võ Xá (tục gọi là dinh Mười hay Ba Dinh), Quảng Trị.
Nối chí cha
Trong Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh với công cuộc khai sáng miền Nam nước Việt cuối thế kỷ thứ XVII, Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền, hậu duệ dòng Nguyễn Hữu cho hay, Hào Lương hầu phò ba triều chúa: Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Trăn, Nguyễn Phúc Chu.
Trong các người con của tướng Nguyễn Hữu Dật, có lẽ Nguyễn Hữu Hào chịu ảnh hưởng của cha nhiều, được di truyền từ thân phụ cả tài văn lẫn võ. Điểm này khác với người em trai Lễ Thành hầu của ông lấy nghiệp điều binh, khiển tướng làm trọng.
Từ rất sớm, do có cha làm đại tướng, nên mới tuổi đôi mươi, Nguyễn Hữu Hào đã được phong tước, tức Hào Lương hầu. Thời gian này, theo ghi chép trong Nam triều công nghiệp diễn chí (hay Việt Nam khai quốc chí truyện, Trịnh Nguyễn diễn chí), Bảng Trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm, người sống cùng thời cho hay năm 1672, Hào Lương hầu cùng với em giúp cha trong công cuộc giữ thành Động Hải trước cuộc tấn công cuối cùng của quân Trịnh. Đến năm Kỷ Tỵ (1689), có hàm Cai cơ, coi trấn Cựu dinh tại Ái Tử, Quảng Trị.
Một trang sao bản SONG TINH BẤT DẠ |
Dùng đức trị người
Năm Mậu Thìn (1688), Chân Lạp lúc ấy do chúa Nguyễn bảo hộ, xảy ra biến loạn. Nhân việc Phó tướng Long Môn Hoàng Tiến giết Chủ tướng Dương Ngạn Địch ở Mỹ Tho, thả quân cướp bóc, vua Chân Lạp là Nặc Thu bỏ việc triều cống, lại đào hào đắp lũy, chúa Nguyễn giận, cử Phó tướng Mai Vạn Long đi đánh Chân Lạp, nhưng nghe lời nữ sứ Chân Lạp nên lần lữa mãi không thành.
Năm Kỷ Tỵ (1689), chúa bàn chọn người thay tướng. Đại Nam thực lục cho hay “Chưởng cơ Hoằng Lược (không rõ họ) tiến cử Cai cơ Nguyễn Hữu Hào (con Hữu Dật) là người trí dũng có thể dùng được. Chúa bèn sai Hữu Hào làm Thống binh, văn chức Hòa Tín làm Tham mưu…”.
Theo ghi chép trong Đại Nam chính biên liệt truyện, Hào đóng quân ở thành Bích Đôi (Gò Biếc) bố trí doanh trại, quân lệnh nghiêm túc. Chư tướng ai cũng sợ và phục. Vua nước Chân Lạp là Nặc Thu sai người đến cầu, dâng lễ tỏ lòng thành. Hòa Tín muốn cứ đánh.
Hào nói: “Quốc vương kia đã đem mình về với ta, có đánh thì cũng chẳng oai võ gì”. Kế đó nước Chân Lạp đem vàng, bạc, tê giác, voi khỏe đến dâng, nhưng voi đều thấp bé. Thị chiến là Diệu Đức nói: “Những thứ Chân Lạp đem dâng như thế này không phải chân tình, chi bằng cứ đánh”. Hào nói: “Vỗ về người xa, quý ở lễ, không quý ở vật phẩm! Đời xưa cống cỏ tranh, có phải là vì vật phẩm đâu”. Bèn nhận đồ cống của Chân Lạp mà về.
Quan điểm của vị tướng dòng Nguyễn Hữu là lấy nhân nghĩa mà cảm hóa kẻ phản loạn, làm cho kẻ cứng đầu khiếp uy mà sợ phục. Nhưng, quan lại dưới quyền lại không đồng quan điểm với ông, thế nên lũ Hòa Tín tâu với chúa rằng: “Hữu Hào lừng chừng, làm lỡ việc quân”. Chúa không rõ hết nội tình, nghe lời quần thần nên giận lắm, truất chức Thống suất.
Cũng vì việc Chân Lạp, Nguyễn Hữu Hào bị hiểu lầm và bị chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Trăn kết tội làm hỏng việc quân, chức tước bị cắt, phải về làm dân thường. Dẫu thân đang làm tướng, phải về làm dân, nhưng không vì thế mà Nguyễn Hữu Hào buồn phiền, Lịch triều tạp kỷ cho hay:
“Sau khi Hào Lương về làm dân, ông dựng nhà gần núi Phàm Mô (núi Ngự Bình sau này – Người dẫn chú), ngắm cảnh, đọc sách, đi dạo thong dong, vui với đạo lý, lòng khoan khoái tự nhiên”.
Không lâu sau chúa Nghĩa mất, chúa Minh Nguyễn Phúc Chu lên thay, tháng 8 năm Tân Mùi (1691), Nguyễn Hữu Hào được dùng lại, khôi phục hàm Cai cơ và sai coi cơ Hữu súng. Kể từ đây, thay vì ra trận tiền như xưa, vị tướng này làm chức năng của người quản lý.
Đến năm Giáp Thân (1704), ông được cử làm Trấn thủ Quảng Bình. Trong 9 năm tại nhiệm ở đây, với lòng bao dung, độ lượng, sống nhân ái với quân dân, ông để lại tiếng tốt trong dân gian, Văn học miền Nam (thời Nam Bắc phân tranh các thế kỷ XVI - XVIII) ghi:
“Đến trấn, ông chăm lo việc chính trị, săn sóc quân dân, nên ai cũng mến phục”. Theo nhận định trong Văn học Nam Hà (văn học Đường Trong thời phân tranh), đây cũng được xem là thời gian ông để tâm tới những sáng tác văn chương và cho ra đời tác phẩm nổi tiếng Song Tinh Bất Dạ.
Trang nói về Nguyễn Hữu Hào trong Đại Nam liệt truyện |
Tướng tài cõi văn chương
GS. Hoàng Xuân Hãn, trong biên khảo Truyện Song Tinh, đã có nhận xét: “Văn nôm cổ rất hiếm… Nếu còn tồn tại mà lại có gốc tích, thời đại và tác giả, thì lại càng hiếm, thì lại càng hiếm. Truyện Kiều thuộc loại này, được ta coi là của quý bậc nhất trong kho văn phẩm.
Thế mà trước chuyện ấy chừng một trăm năm, ta còn biết một chuyện khác có đủ các tính cách trên; tuy không hay bằng, nhưng có nhiều điểm chung với Truyện Kiều. Ấy là Truyện Song Tinh”. tác giả của truyện ấy, bất ngờ thay, lại là một vị tướng – Hào Lương hầu Nguyễn Hữu Hào. Theo nghiên cứu của La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tác giả ra đời khoảng năm 1700.
Đáng chú ý hơn nữa, Truyện Song Tinh được viết ở xứ Đàng Trong, nơi Nho học còn đương mới mẻ, không thịnh như xứ Bắc Hà. Mà cũng có gốc cả đấy, bởi trước đó, tướng Nguyễn Hữu Dật cha Hào Lương hầu, từng viết Hoa Vân Cảo Thị. Những tưởng hậu thế chúng ta dần quên lãng một kiệt tác văn chương xứ Đàng Trong, nhưng may thay, người có công tìm về nguồn, đem lại tên tuổi cho Hào Lương hầu, là nhà nghiên cứu Trần Văn Giáp.
Trong Khai trí Tiến Đức tập san năm 1943 cho chúng ta được biết về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm: “Năm Giáp Thân (1704), ông được sai ra giữ chức Trấn thủ trấn Quảng Bình. Sau khi tới trấn, ông thương nuôi sĩ tốt, vỗ về bách tính, thân ái với cán sự và nhân dân. Gặp khi biên cảnh (Đàng Ngoài) vô sự, ông đem ý vui với văn chương; từng soạn truyện Song Tinh Bất Dạ bằng quốc âm, được người ta truyền tụng”.
Một điểm đáng chú ý là ở thời đó, với Song Tinh, Nguyễn Hữu Hào đã dùng giọng văn hài hước, chơi chữ bông đùa. Và trong tác phẩm này, tác giả chú trọng vào tự sự và đối thoại, lời văn giản dị. Tác phẩm còn lại đến nay là 2396 câu (Văn học Nam Hà và Văn học miền Nam ghi là 2216 câu), và theo khảo cứu của GS họ Hoàng thì vẫn còn đoạn kết. Song Tinh bắt đầu với “lời mào”:
Cửa xe đài án việc rồi,
Màn trong giảng để, sách ngoài soạn biên.
Và tạm kết thúc ở câu “… đời… vinh phong rỡ ràng”.
Năm Quý Tỵ (1713), Đại Nam thực lục cho biết “Trấn thủ dinh Quảng Bình là Nguyễn Hữu Hào chết, tặng Đôn hậu công thần trấn phủ, thụy là Nhu Từ”. Đầu thời vua Gia Long, ông được xếp vào bậc công thần hàng nhì, con cháu được chức Thứ đội trưởng giữ việc hương khói, cấp tự điền và phu mộ để coi sóc.
Sau này, như trong Đại Nam nhất thống chí, phần tỉnh Quảng Bình cho hay, tại đất Quảng Bình, dân lập đền thờ Tĩnh Quốc công “ở ấp Vạn Xuân, huyện Phong Lộc, thờ Khai quốc công thần Nguyễn Hữu Dật và thờ phụ con là Chưởng cơ Nguyễn Hữu Hào”. Nay tại đất Quảng Bình, có đền thờ Nguyễn Hữu Hào cùng với cha mình ở thôn Bến, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh.../.