Hành trình tìm con
Một ngày đầu đông 4 năm trước, chị Kiều Vân (quê xã Hoằng Phụ, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) có biểu hiện chuyển dạ nên được đưa vào Bệnh viện Phụ sản tỉnh. Trong hơn 60 ca sinh hôm đó, có một phụ nữ ở TP.Thanh Hóa. Họ cùng sinh con gái và theo phương pháp sinh mổ. Sau ca vượt cạn, hai bà mẹ nằm chung buồng bệnh ở phòng hồi sức sau mổ.
Ít giờ sau, hai bà mẹ trẻ được nữ hộ sinh trao trả con và không nghi ngờ gì về giọt máu của mình. Gia đình chị Vân sau đó chuyển vào Đà Nẵng sinh sống cùng con gái. Bé còn lại lớn lên ở TP.Thanh Hóa.
Gần đây, chị Vân thấy con gái càng lớn càng không giống cha mẹ hay bất kể người thân nào bởi da bé ngăm đen, trong khi cha mẹ có nước da trắng trẻo. Chị lấy mẫu đi kiểm tra ADN và hoảng hốt khi nhận được kết quả con gái nuôi bốn năm nay không phải con mình.
Ngày 7/6/2016, chị Vân quay lại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa gửi đơn đề nghị bệnh viện phối hợp tìm kiếm đứa con thất lạc, nghi vấn bị trao nhầm.
Sau khi xem xét đơn thư, Bệnh viện khẩn trương tìm kiếm hồ sơ bệnh án còn lưu trữ. Lượng hồ sơ sau 4 năm rất nhiều, nhưng chỉ sau 3 ngày, Bệnh viện đã tìm thấy nhóm bệnh án nằm trong diện nghi vấn.
Qua xác minh, có hai bé gái sinh vào khoảng 17h ngày 6/10/2012 và cách nhau chừng 5-7 phút được cho là có khả năng dễ nhầm lẫn nhất. Phía bệnh viện sau đó liên lạc với gia đình chị Loan (ở phường Đông Vệ, TP.Thanh Hóa) đề nghị phối hợp và được chấp thuận.
Phương pháp xét nghiệm ADN được tiến hành rất khẩn trương. Những ngày chờ đợi kết quả, không khí cả bệnh viện đều căng thẳng.
Ngày 19/6, trước sự chứng kiến của hai gia đình và cán bộ y bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, kết quả phân tích gen được mở niêm phong. Và hai bé gái trẻ chính thức nhận lại cha mẹ ruột sau gần bốn năm xa cách.
Người thân cho hay, điều may mắn là chỉ sau ít giờ gặp mặt cha mẹ đẻ, hai bé gái làm quen rất nhanh, không e thẹn khi gọi tên cha mẹ. Hai đứa trẻ không phải ruột thịt nhưng rất quấn quýt với nhau.
Hai gia đình đều hạnh phúc vì tìm lại được con, các cháu phát triển tốt, khỏe mạnh và đang đề nghị làm thủ tục nhận lại con. Mong muốn của hai bên là để cho các bé có chung hai gia đình, hai ông bố và hai bà mẹ.
Sau sự việc, đại diện Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa cho biết: “Đây là việc hy hữu, rõ ràng có sai sót nghiệp vụ nhưng không ai mong muốn. Bệnh viện nhận hoàn toàn trách nhiệm”.
Vị này cho hay đã gửi lời xin lỗi hai gia đình và đang nỗ lực khắc phục hậu quả. Mỗi ngày, bệnh viện đều cử y bác sĩ đến thăm hỏi, giúp đỡ ổn định tâm lý các bé và người thân.
Bệnh viện và hai gia đình đang thương thảo bồi thường tổn thất tinh thần và tính toán chi phí liên quan đến quá trình tìm kiếm con cái của các gia đình.
“Trước mắt, bệnh viện tập trung chia sẻ, động viên gia đình, sau đó sẽ làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan. Đây là vụ việc nghiêm trọng nên chắc chắn không thể làm qua loa”, đại diện Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa nói.
Theo Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, quy trình sinh nở và trả con cho sản phụ được thực hiện như sau: Sau khi sản phụ sinh, nữ hộ sinh sẽ đón đứa trẻ đưa đi làm rốn, đeo số, đánh dấu. Ký hiệu đánh số sẽ được khắc bằng vòng tròn chất liệu nhôm và luồn qua sợi dây nhựa.
Các mẹ cũng được đánh số trùng với số đeo của con mình. Đứa trẻ sơ sinh sau khi được lau rửa vệ sinh sẽ được mặc quần áo, ủ ấm, tiêm Vitamin K, viêm gan B và sau khoảng 6 tiếng (tùy trường hợp) sẽ được trả về bên mẹ hoặc người thân.
Bệnh viện đang yêu cầu những người có liên quan kiểm điểm, tường trình để xác định rõ sai sót xảy ra ở khâu nào. Liên quan đến kíp trực hôm 6/10/2012, hiện một bác sĩ đã nghỉ hưu, hai nữ hộ sinh vẫn làm việc tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa.
Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, nơi xảy ra vụ trao nhầm con bốn năm trước. |
Những vụ nhầm con hàng chục năm
Trường hợp xảy ra với Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa là vụ trao nhầm con thứ 3 tại Việt Nam được công bố trên truyền thông kể từ đầu năm 2016 đến nay. Tuy nhiên, 2/3 trường hợp (trẻ bị trao nhầm nay đều đã trưởng thành và nhầm lẫn đều xảy ra ở Hà Nội) vẫn chưa tìm được cha mẹ ruột.
Trường hợp nhầm con ở nhà hộ sinh Ba Đình: Ngày 10/10/1974, bà Nguyễn Mai Hạnh (ở Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội) sinh con gái thứ ba tại nhà hộ sinh Ba Đình, ngõ Phan Huy Ích, nay là nhà hộ sinh số 12 Lê Trực.
Hơn một tiếng sau sinh, con gái được nằm trong vòng tay mẹ. Bà Hạnh vẫn nhớ rõ khi nhận về thì thấy ở chân con là số 32, không trùng với số 33 ở tay bà. Gia đình bà đã đi tìm nhưng không thấy em bé nào có số 33. Khi hỏi bác sĩ thì được giải thích "Đi tắm nên bị mờ. Đây đúng là con chị".
Người con khác số được bà Hạnh đưa về nhà nuôi và hết lòng yêu thương, chăm sóc. Vợ chồng bà đặt tên con là Tạ Thị Thu Trang. Tuy nhiên chứng kiến con lớn mỗi ngày một khác và linh cảm người mẹ cho biết Trang không phải con ruột mình.
Chị Trang mặt dài, tay chân to và cao hơn hẳn, trong khi những người chị em còn lại đều vóc người vừa phải, khuôn mặt tròn, chân tay nhỏ, thanh mảnh.
Hàng xóm, gia đình bên nội cũng nhận thấy điều này nên dị nghị bà Hạnh không chung thủy với chồng. May thay người chồng hiểu vợ nên gia đình vẫn êm ấm.
Năm chị Trang 20 tuổi, bà Hạnh đã làm xét nghiệm ADN lần đầu tiên và biết chị không cùng dòng máu với mình. Không muốn tin vào kết quả thời đó, năm 2015, bà lại xét nghiệm ADN lần nữa và kết quả lần này khẳng định họ không có quan hệ huyết thống.
Chị Trang được bà Hạnh biết sự thật vào ngày 10/10/2015, đúng sinh nhật 41 tuổi. Có hai mẹ con ở nhà, bà Hạnh lấy hết can đảm nói ra bí mật giữ mấy chục năm qua. Vượt qua cú sốc ban đầu, cả gia đình cùng đi tìm lại gốc gác cho chị Trang và người con gái ruột của bà Hạnh, nhưng đến nay chưa có kết quả.
Trường hợp nhầm con ở nhà hộ sinh Đống Đa: Ngày 12/12/1987, bà Phan Tuyết Hoa (53 tuổi) sinh con đầu lòng tại nhà hộ sinh Đống Đa. Lúc nhận con, bà thấy chữ trên mông con mờ, hỏi thì chồng bảo bác sĩ tắm nên mờ. Dù con gái Lê Thanh Hiền lớn lên không giống một ai trong gia đình, nhưng vợ chồng bà Hoa chưa một lần nghi ngờ.
Trong khi các thành viên gia đình đều nhỏ con, da đen, tóc dày và đen mượt thì chị Hiền cao hơn hẳn, làn da trắng mịn, tóc nâu và rất xinh xắn. Bà Hoa cho rằng "Hiền nhặt gene lặn nào của bố mẹ làm ưu điểm cho mình".
Vào dịp nghỉ lễ 30/4/2013, gia đình chị Hiền có một bữa liên hoan, tình cờ nói về nhóm máu. Chị Hiền chột dạ khi nghe nói người thân đều nhóm máu O, trong khi chị nhóm máu B.
Hỏi bác sĩ, chị được khẳng định không thể có chuyện bố mẹ nhóm O mà con nhóm B và khuyên nên kiểm tra lại. Vài ngày sau, chị Hiền mang ba mẫu tóc của chị với bố mẹ đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy chị không phải con đẻ của vợ chồng bà Hoa.
Sau khi ổn định tâm lý, chị mới lựa lời nói sự thật với cha mẹ. Bà Hoa phải mất một thời gian mới tin được sự thật. Khát khao tìm ra gốc tích của mình và cũng muốn đáp ứng nguyện vọng của bà Hoa tìm con, mấy năm qua, gia đình chị Hiền dồn tâm sức tìm kiếm nhưng chưa được.