Em vẫn đợi anh về…
Bà Nguyễn Thị Mười một trong những đại diện xuất sắc của phong trào Ba đảm đang, “Kiện tướng bèo hoa dâu” khi kể về những năm tháng chờ đợi chồng trong chiến tranh của mình vẫn nguyên những xúc cảm khắc khoải.
Năm 1965, cô Đội trưởng Đội Kỹ thuật HTX Đại Xuân (xã Ứng Hòe, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) được mai mối với anh Bùi Dương Tuyền ở xóm trên. Năm 1966, anh Tuyền nhập ngũ. Trước khi nhập ngũ gia đình hai bên muốn tổ chức dạm ngõ nhưng anh Tuyền lo lắng người yêu cả cuộc đời cô quạnh nếu lỡ mình có mệnh hệ gì nên đã từ chối, hẹn đến ngày trở về.
Thời gian đầu ông Tuyền vào chiến trường, hai người vẫn giữ thư từ liên lạc đều nhưng tin tức cứ thưa dần, thưa dần, rồi mất hẳn liên lạc. Những tháng ngày đằng đẵng, bà Nguyễn Thị Mười, ngày vẫn tham gia lao động sản xuất lấy công việc quên nỗi buồn, nhưng khi đêm về thì sự lo lắng, khắc khoải tin tức người yêu cứ theo bà trong từng giấc ngủ. Rồi sự chờ đợi cũng vỡ òa thành niềm vui khi năm 1973 ông Tuyền từ chiến trường trở về.
Trong sự nghiệp làm báo của mình, ông Nguyễn Ngọc Thọ - người đã từng có hơn ba chục năm lăn lộn trong nghề với các cương vị: Trưởng Ban biên tập phát thanh thanh thiếu nhi của Đài tiếng nói Việt Nam, Tổng Biên tập đầu tiên Báo Đại biểu nhân dân đã có nhiều năm làm phóng viên chiến trường.
Năm 1972 trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Thọ nhận lệnh hành quân vào Thành cổ Quảng Trị. Bốn mươi năm có lẻ ngồi nhớ lại buổi tiễn đưa hôm ấy, hai vợ chồng ông Thọ vẫn ngập tràn xúc động. Chia tay nhau ở điểm tập kết quân ở gần hồ Thiền Quang, tiếng máy bay địch ì ầm trên bầu trời Thủ đô, lúc lúc còi báo động lại hú vang.
Đeo nặng hành trang cá nhân ba lô, máy ghi âm, súng quanh người, ông Thọ chỉ có thể nắm chặt đôi bàn tay nhỏ nhắn của vợ. Không ai nói với ai nhưng trong đầu cả hai người đều chung một ý nghĩ: “Khó có ngày gặp lại nhau”. Nhìn sâu vào mắt nhau, người này nhìn thấy trong đôi mắt người kia một tình yêu mãnh liệt, đớn đau… Rồi ngày ông từ chiến trường trở về là ngày vui nhất trong hành trang kỷ niệm của hai vợ chồng.
Ông Nguyễn Văn Ích và bà Vũ Thị Như Hiền ở khu tập thể Nam Đồng, Hà Nội đều đã trải qua 2 cuộc chiến tranh của dân tộc, nhớ lại những năm tháng khi đất nước còn bị chia cắt, trong ký ức của bà Hiền là cuộc đấu tranh của một người vợ muốn chồng luôn bên mình và của một công dân có trách nhiệm trước vận mệnh Tổ quốc.
“Ngày đó, khi chồng tôi chuẩn bị lên đường, tâm tư tôi rất lo lắng và có sự đấu tranh mạnh mẽ vì cuộc chiến khốc liệt, đi mà không hẹn ngày về. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu không có những người như chồng mình lên đường chiến đấu thì sao thực hiện được mục tiêu thống nhất nước nhà, nên tôi tự động viên mình cố gắng.
Thế hệ chúng tôi là vậy, người ra trận không nhắc đến những khó khăn nguy hiểm của chiến trường, cũng như người ở nhà không một lời than thở với chồng nỗi vất vả của cuộc sống nơi hậu phương. Hạnh phúc là phải chấp nhận nhiều mất mát, hi sinh” – bà Hiền nói.
Giờ đây vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Ích – Vũ Thị Như Hiền đều đã ngoài 80 tuổi với 50 năm kết hôn, những chữ tình, chữ nghĩa của họ vẫn vẹn nguyên qua bao nhiêu thử thách…
Và “người vợ đứng đơn ly hôn gấp hai lần so với người chồng”
Trên đây là những nét chấm phá về những câu chuyện tình thời chiến từ những nhân vật thật. Ở ba câu chuyện trên, những người đàn ông, những người chồng đều rất may mắn là đã vẹn nguyên trở về. Nhưng còn rất nhiều đôi lứa yêu nhau chưa kịp thể hiện tình yêu của mình. Chỉ với một câu nói: “Em ơi, chờ anh nhé” của người con trai mà người con gái sau này tình nguyện đợi chờ 5, 10, 20 năm thậm chí cho đến khi biết tin người yêu đã hy sinh thì vẫn ở vậy, coi như mình một lòng thờ chồng.
Trong khi đó, nhìn lại xã hội hiện đại hôm nay, những con số thống kê về ly hôn thật nhức nhối. Số liệu khảo sát đời sống hôn nhân gia đình đô thị tại Việt Nam cho thấy chỉ có 25% các gia đình được khảo sát cảm thấy cuộc sống hôn nhân gia đình mình rất hạnh phúc.
Thống kê của ngành Tòa án năm 2000 chỉ có 51.361 vụ ly hôn thì năm 2005 đã tăng lên 65.929 vụ; đến năm 2010, con số này lên tới 126.325 vụ; 60% các vụ ly hôn ở Việt Nam có yếu tố bạo lực gia đình và trung bình, cứ ba vụ ly hôn thì có một vụ do nguyên nhân ngoại tình. Người vợ đứng đơn ly hôn gấp hai lần so với người chồng.
Từ đây, một câu hỏi đặt ra là phải chăng ngày nay vì tình yêu thiếu thử thách nên dễ “chết yểu”? Trong một lần trả lời báo chí, nhà thơ Anh Ngọc cho rằng tình yêu nếu bắt nguồn từ sự đồng cảm sâu thẳm thì càng xa cách tình yêu càng bùng cháy cảm xúc mãnh liệt. Tình yêu trong chiến tranh, đó là nỗi khoắc khoải, nhớ thương của những đôi lứa yêu nhau thiết tha, nhưng chấp nhận sống xa nhau vì nghĩa lớn.
Tình cảm của những đôi nam nữ vì xa cách nên chỉ có thể thể hiện với nhau qua những cánh thư, chiếc khăn tay, gối cưới, kỷ vật được khắc tên hai người. Hạnh phúc của họ có cả những hy sinh và mất mát nhưng không bao giờ than vãn, thay vào đó là những lời động viên nhau cố gắng, chờ đến ngày đoàn tụ.
Ở một khía cạnh khác, lý giải về nguyên nhân dẫn đến xói mòn tình cảm trong hôn nhân, nhất là các gia đình trẻ, Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bích Hồng - Trường Đại học Sư phạm TP.HCM cho rằng, đó là sự xem thường các giá trị đạo đức, con người quá mải mê với tiền bạc, danh vọng, quan hệ xã hội, lơ là quan tâm người thân.
Bên cạnh đó, sự thiếu liên kết, gắn bó thường xuyên giữa các cặp vợ chồng; thiếu kỹ năng tổ chức cuộc sống cũng như ứng xử giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ với con cái, giữa hai bên nội ngoại… cũng dễ đẩy các cuộc hôn nhân đến bờ vực thẳm.
Tình yêu sẽ đẹp nếu con người sống với đúng phẩm chất
Tuy con số ly hôn hiện nay rất đáng lo ngại nhưng không có nghĩa rằng ở thời đại này đã hết những tình yêu đẹp. Đã có không ít câu chuyện tình yêu đẹp khiến dư luận xã hội cảm động trong thời gian qua. Đó là chuyện tình đầy thơ mộng và quyết tâm sống vì người mình yêu giữa chàng trai trẻ người Thái Hà Văn Thơm ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái với chị Hà Thị Hom bị bệnh tim. Hay như câu chuyện tình yêu giữa chàng trai làm nghề xe ôm ở Hà Nội với cô gái phải chạy thận trong nhiều năm trời mà không hề so đo toan tính…
Những câu chuyện của họ chứng tỏ yêu thôi chưa đủ, phải thương và có trách nhiệm với cuộc sống xung quanh mình thì hạnh phúc cá nhân mới trọn vẹn. Theo các chuyên gia, không có gia đình nào là hoàn hảo, gia đình nào cũng có giá trị và truyền thống tốt đẹp. Vì thế, các thế hệ kế tiếp phải biết kế thừa và duy trì nếp sống của gia đình lớn để làm nền tảng xây dựng hạnh phúc gia đình sau này.