Kinh Pháp Hoa phẩm “Dược Thảo Dụ” thứ Năm có ví, cùng một cõi đất sanh ra nhưng lùm rừng trăm loại cỏ cây, từ loài thảo dại dây leo cho đến cổ thụ ngàn năm, tuy mỗi loài mỗi khác, lại đều có thể hấp thụ nước mát từ cơn mưa lớn mà đượm nhuần đầy đủ, sinh trưởng tốt tươi đơm bông kết trái.
Tựa như thế gian, mỗi chúng sanh tâm tánh theo nghiệp duyên mà sai biệt, lại đều có thể tiếp nhận Phật pháp để gieo hạt giống thiện, tăng trưởng từ bi, phát triển trí huệ, hướng mình đến chánh đạo.
Chư Phật thương chúng sanh, quán sát căn cơ và tập nghiệp, dùng vô lượng phương tiện báo thân để lần lần độ thoát. Bồ Tát hành đạo, cũng phát vô biên thệ nguyện tuỳ theo nhân duyên mà hộ trì. Cũng vậy, chư Tăng được xem là trưởng tử của Phật, với sứ mệnh “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”, mỗi thầy cô đều có nhân duyên hoằng pháp ở xứ độ và hoàn cảnh khác nhau.
Đừng vội chỉ thấy quý thầy cô thuyết giảng trên truyền thông mà cho rằng công việc của người tu đơn giản. Đó chỉ là phần nổi dễ thấy nhất vì có sự tác động của phương tiện truyền thông. Thực tế, ở những nơi không thấy được, quý thầy cô vẫn đang nỗ lực từng ngày để vừa tu học, vừa cống hiến cho cuộc đời trong thầm lặng.
Tâm bồ đề trong con được hun đúc và nuôi lớn từ những ngày thơ quanh quẩn nơi sân chùa, nghe kể “sự tích” chùa mình hồi xưa nghèo xác xơ, gió lay tứ bề, mưa dột khắp nơi. Miền quê thời xưa ai cũng khó khăn, chùa nghèo, dân cũng nghèo, đùm bọc nhau trong cái tình. Sư ông bốc thuốc chữa bệnh miễn phí trong xóm. Đổi lại, thi thoảng người dân đem lên chùa trái mướp trái bầu. Lâu lâu gom được chút tiền hương hoả, sư ông đạp xe mua một bao xi măng, chục viên gạch ống về, nhờ mấy chú trong xóm tô trám giùm một góc trong chánh điện, lại nhờ mấy bà mấy cô nấu phụ nồi cháo bồi dưỡng cho các chú. Cứ thế, tình xóm làng được kéo gần, mà tình thương với tam bảo của người dân cũng được bồi đắp nhờ từng bao xi măng, từng tô cháo nấm trong tháng ngày bình dị. Tổ đình rộng rãi trang nghiêm bây giờ có được là do từng viên gạch từng bao xi măng đượm nhuần tình nghĩa của Phật tử. Quốc độ này, một ngôi gia làm hiện hữu, tín tâm của Phật tử tăng trưởng.
Lại có vị thầy có tài gói bánh. Con có duyên biết thầy từ khi thầy còn là học sinh, chưa xuất gia. Từ nhỏ thầy đã thể hiện duyên sâu với Phật khi những này giỗ tổ hay sóc vọng đều phát tâm lên chùa gói bánh. Những bánh ít, bánh tét, kiểm chay do thầy nấu đặc biệt thơm ngon, có tiếng cả vùng. Đến mức những người ở xa hơn cũng tìm đến chùa vì tình cờ được biếu, từ tò mò ban đầu, người ta dần kết duyên với mái chùa quê. Bao nhiêu năm về chùa, vẫn gặp hình ảnh người thầy nhỏ nở nụ cười tươi sáng bên nồi luộc bánh trong góc bếp. Biết bao nhiêu người phát tâm bồ đề từ cái bánh lá bình dị của thầy, thầy chắc hẳn không nghĩ tới, chỉ cần mẫn đặt tâm huyết vào từng chiếc bánh dâng Phật, cúng dường đại chúng.
Có vị thầy chuyên dẫn đạo tràng đi hộ niệm đám ma. Không phân biệt gia chủ giàu - nghèo, không kể thời gian ngày - đêm, xa - gần, Phật tử gọi là thầy lên đường. Con vẫn nhớ lời thầy dạy, khi đối diện với tử biệt thì những so sánh thế gian đâu còn ý nghĩa gì, những hoang mang, đau khổ và bối rối của tang gia đều như nhau. Họ cần một chỗ nương tựa, một người dẫn lối, một con đường sáng để đưa tiễn người thân về cõi an lành. Thời điểm quan trọng của đời người, thầy khai ngộ người mất về một bến giác, khai tâm cho người sống về Phật đạo. Rất nhiều gia đình trở thành Phật tử thuần thành nhờ tang sự của người thân. Đạo Phật giúp họ bình yên qua cột mốc đau khổ của biệt li, cũng giúp họ tìm thấy đạo tâm trong mình.
Lại có sư cô hữu duyên nuôi dạy những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi do lầm lỡ của các mẹ mới lớn. Con vẫn nhớ mười mấy năm trước, một buổi sớm mai còn đọng sương, sư cô thấy giỏ xách nhựa đi chợ của ai bỏ lại trước cổng chùa. Ngỡ phật tử bỏ quên, cô đi tới định lấy cất giùm, ai ngờ là khởi đầu một kì duyên mà từ đó, mỗi năm lại thêm một vài bé gia nhập ngôi nhà tam bảo mà sư cô vừa là ba, là mẹ, là ân sư, là cả vùng trời bình yên của tụi nhỏ. Vừa chào đời đã bị ba mẹ bỏ, nhưng lại được ôm ấp yêu thương trong vòng tay tam bảo, duyên nghiệp cuộc đời luôn sâu xa khó lường như vậy.
Có vị lại thực hành hạnh nguyện của Trì Địa Bồ Tát. Miền Tây chằng chịt kênh rạch, dù đã có rất nhiều cầu nhưng vẫn thiếu rất nhiều cầu. Những chiếc cầu bé bé sâu trong những cung đường quê, tuy nhỏ nhưng rất cần cho sinh hoạt của bà con. Hay những con đường “bị lãng quên”, mùa khô thì dằn sốc sỏi đá, mùa mưa thì ngập lụt hụt chân. Thầy đều âm thầm phát tâm sửa chữa, xây cầu. Không cần rình rang, không cần tiếng vang, chỉ nguyện người đi đường được bình an.
Cây đại thụ muôn vàn cành lá, không một chiếc lá nào là dư thừa. Tăng bảo trăm ngàn vị xuất gia, không một vị nào không mang hạnh nguyện học đạo, độ đời. Tựa như cành lá kia trên hướng về mặt trời, dưới toả bóng mát, muôn trùng muôn dạng nhưng lại không khác. Đoàn thể Tăng bảo cũng vậy, tuy mỗi người mỗi hạnh nguyện, mỗi nhân duyên, nhưng đều mang trong mình mạng mạch Như Lai, cùng một tâm nguyện hoằng dương Phật pháp, lợi lạc nhân sinh. Thiết nghĩ, là người học Phật, chúng ta cũng nên vun bồi đại thụ, hộ trì Tăng bảo, cây có tốt, lá mới xanh, Tăng bảo được trưởng dưỡng, Phật đạo mới viên thành.