Thế giới đã tiến xa
Ngày 13/3 năm nay, Quốc hội New Zealand đã cho phép Zephyr Airworks, một công ty con của công ty Kitty Hawk do ông Page điều hành, phát triển và thử nghiệm loại taxi bay tự hành mang tên Cora. Cora là một phương tiện bay bằng điện có 12 cánh quạt (rotor) nhỏ gắn trên các cánh, cho phép cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng tương tự máy bay trực thăng. Tuy nhiên, động cơ của Cora êm hơn rất nhiều so với trực thăng, đồng nghĩa với việc taxi bay có thể vận chuyển hành khách tại các khu vực nội đô với việc sử dụng các sân thượng hoặc các bãi đỗ ô tô làm điểm hạ cánh.
Taxi bay Cora |
Giám đốc điều hành của Zephyr, Fred Reid cho biết hãng này đã nỗ lực nghiên cứu và chế tạo dòng taxi bay không thải khí và không gây ô nhiễm môi trường trong suốt 8 năm qua. Nguyên mẫu của Cora hiện đã được thử nghiệm tại đảo South Island thuộc New Zealand, phía Tây Nam Thái Bình Dương. Cora sử dụng 3 máy tính độc lập để tính toán đường bay và có khả năng chở 2 hành khách. Ngoài ra, Cora cũng được trang bị dù khẩn cấp trong trường hợp xảy ra sự cố.
Chiếc “taxi bay” này có tầm bay 100 km và có thể bay ở tốc độ 150 km/h ở độ cao lên đến 900 mét. Cora đã được cấp giấy chứng nhận bay thử nghiệm của Cơ quan Hàng không Dân dụng New Zealand. Tuy nhiên, hiện tại, dịch vụ taxi bay Cora sẽ không được chào bán trên thị trường, thay vào đó hành khách cần đặt trước chuyến đi của mình như một dịch vụ taxi hoặc hàng không thông thường. Zephyr cho biết taxi bay Cora sẽ hoạt động tương tự các dịch vụ đặt xe trực tuyến như Uber, theo đó hành khách đặt xe thông qua một ứng dụng trên điện thoại di động. Cơ quan phụ trách giao thông vận tải địa phương dự kiến cần khoảng 6 năm để thử nghiệm loại hình giao thông vận tải mới này. Địa bàn hoạt động của taxi bay Cora chủ yếu ở các khu vực xung quanh thành phố Christchurch.
Trong khi đó, Hãng chế tạo máy bay hàng đầu thế giới Airbus cũng vừa thông báo đã tổ chức thành công chuyến bay thử nghiệm lần đầu tiên đối với phương tiện bay bằng điện không người lái Vahana.
Airbus thủ nghiệm thành công máy bay không người lái |
Thời gian bay thử kéo dài chưa đầy một phút, trong đó toàn bộ quá trình cất cánh lên cao 5m so với mặt đất và hạ cánh của "taxi bay" Vahana đều không có phi công. Kết cấu tám cánh quạt (rotor) tạo lực đẩy cho phép máy bay cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng. Phương tiện đặc biệt này được thiết kế chỉ chở một khách và có tính năng bay tự động.
Chuyến bay thử nghiệm của máy bay không người lái Vahana đã mở ra hy vọng phát triển dịch vụ vận tải "xanh" trên khắp các thành phố. Thiết kế của Airbus xuất phát từ ý tưởng đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng trong việc di chuyển tại các khu vực thành thị đông dân cư và kỳ vọng sẽ được phổ biến vào năm 2020.
Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), trong những năm gần đây, ngành hàng không thế giới phát triển rất mạnh mẽ. Các hãng hàng không trên thế giới không ngừng nâng cấp đội tàu bay và cải thiện chất lượng dịch vụ. Nhiều hãng bay đứng top đầu ngành nhờ có được chất lượng phục vụ khách hàng tốt đồng thời sở hữu một đội bay hùng hậu thực hiện nhiều chặng bay quốc tế.
Chúng ta vẫn… “loay hoay”
Đầu năm nay, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu đến 2030, thị trường vận tải hàng không nước ta đứng trong nhóm 4 quốc gia hàng đầu ASEAN về sản lượng vận chuyển. Phát triển đội tàu bay theo định hướng áp dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại. Phát triển hệ thống cảng hàng không với công suất thiết kế đáp ứng nhu cầu vận chuyển và năng lực chuyên chở. Hình thành và phát triển 3 trung tâm vận chuyển hành khách, hàng hóa ngang tầm khu vực ASEAN.
Quy hoạch cũng đặt mục tiêu sản lượng vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đến năm 2020 đạt khoảng 64 triệu hành khách và 71 tỷ Hành khách.Km, 570 nghìn tấn hàng hóa và 5,2 tỷ Tấn.Km; đến năm 2030 đạt khoảng 131 triệu hành khách và 125 tỷ Hành khách.Km; 1,7 triệu tấn hàng hóa và 17 tỷ Tấn.Km.
Về mạng cảng hàng không, đến năm 2020, khai thác hệ thống 23 cảng hàng không (CHK) gồm 13 CHK quốc nội và 10 CHK quốc tế.
Về doanh nghiệp hàng không, đến năm 2020, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia, hoạt động trong lĩnh vực hàng không theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, với lĩnh vực kinh doanh vận chuyển hàng không, tiếp tục phát triển hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines là lực lượng vận tải hàng không nòng cốt, có năng lực cạnh tranh quốc tế thuộc nhóm hàng đầu ASEAN; tạo điều kiện cho các hãng hàng không Việt Nam cùng phát triển, đẩy mạnh khai thác thị trường vận chuyển hành khách, hàng hóa nội địa và quốc tế.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc phấn đấu đạt các mục tiêu mà Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đề ra không phải là điều dễ dàng trong bối cảnh hiện nay.
Số liệu thống kê của Bộ Giao thông vận tải cho biết Việt Nam hiện có 7 doanh nghiệp (DN) được cấp phép vận tải hàng không nhưng chỉ 4 hãng tham gia khai thác thị trường. Đội máy bay mang quốc tịch Việt Nam tính đến hết năm 2017 có gần 180 chiếc.
Hiện tại, tỉ lệ người dân đi máy bay của Việt Nam vẫn ở mức thấp nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Năm 2012, tỉ lệ đi lại bằng máy bay của người dân Việt Nam chỉ đạt 0,5%, thời điểm 6 tháng đầu năm 2016 tăng lên 0,8%. Điều đó chứng tỏ thị trường hàng không Việt Nam vẫn trong tình trạng cầu vượt cung.
Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân bằng đường hàng không, Việt Nam cần thêm nhiều hãng hàng không thay vì chỉ có 4 hãng là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, Vietjet và Vasco như hiện nay. Lãnh đạo các hãng đang hoạt động cũng nhận định Việt Nam cần khoảng 10 hãng hàng không để thị trường thực sự cạnh tranh. Tuy nhiên, việc đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không đang vướng cả quy hoạch lẫn thủ tục cấp phép.
Bamboo Airway đang nỗ lực gia nhập thị trường |
Cụ thể, lĩnh vực hàng không là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi nhà đầu tư phải trường vốn và thị trường cạnh tranh rất khốc liệt. Tại Việt Nam, trung bình phải 3-4 năm mới có một DN hàng không mới ra đời, công đoạn này chỉ cần đáp ứng được yêu cầu về thủ tục đăng ký kinh doanh tại các sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT). So với giai đoạn trước đây, thủ tục xin cấp phép kinh doanh vận tải hàng không có 2 điểm mới: Phải phù hợp với quy hoạch ngành và phải được thẩm định song song bởi 2 cơ quan tham mưu là Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT (trước đây chỉ có Bộ GTVT thẩm định). Cho nên, nhiều nhà đầu tư dù đã thành lập DN nhưng vẫn chưa xin được phép bay để tham gia thị trường.
Các chuyên gia nhận định, việc nâng công suất các cảng hàng không và nới quy mô phát triển đội tàu bay trong vòng 3 năm tới như Quy hoạch được điều chỉnh là hai điều kiện cần để mở ra cơ hội gia nhập thị trường cho các nhà đầu tư mới bên cạnh 4 hãng hàng không đã có giấy phép.
Tuy nhiên, để các hãng hàng không mới có thể ra đời và phát triển một cách bền vững, cần một sự nhìn nhận, đánh giá khách quan của cả các cơ quan chức năng lẫn các khách hàng tiềm năng về những nỗ lực của các doanh nghiệp trong “cuộc chơi” khó khăn này.