Người bán hàng không được quyền đề nghị thử nghiệm lại?
Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 9 Thông tư 26 tại khoản 6 Điều 1 Dự thảo, theo đó, so với Thông tư 26, Dự thảo đã có một số sửa đổi, bổ sung quy trình xử lý trong trường hợp hàng hóa có kết quả thử nghiệm mẫu không phù hợp với tiêu chuẩn áp dụng, chứng nhận hợp chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Tuy nhiên, một số điểm sửa đổi trong quy trình này lại bị các chuyên gia pháp luật cho là chưa hợp lý. Ví dụ, người bán hàng không được quyền đề nghị đối với cơ quan kiểm tra thử nghiệm lại đối với mẫu lưu ở một tổ chức thử nghiệm được chỉ định khác trong trường hợp không nhất trí với kết quả thử nghiệm mẫu. Kết quả thử nghiệm này là căn cứ để cơ quan kiểm tra xử lý, kết luận cuối cùng. Có nghĩa, theo quy định tại Dự thảo thì kết quả thử nghiệm mẫu của cơ quan điều tra là kết luận cuối cùng, cho dù người bán hàng có đồng ý hay không.
“Quy định này của Dự thảo dường như chưa hợp lý và chưa bảo đảm quyền lợi hợp pháp của DN. Doanh nghiệp có quyền không đồng tình với kết quả thử nghiệm và quyền yêu cầu kiểm tra lại ở một tổ chức thử nghiệm được chỉ định khác để đảm bảo các quyết định của cơ quan nhà nước ban hành là chính xác và phù hợp” – cộng đồng DN góp ý trong bản tổng hợp ý kiến gửi góp ý dự thảo.
Do đó, họ đề nghị Ban soạn thảo xem xét giữ lại quy định tại điểm d khoản 2 Điều 9 Thông tư 26, có nghĩa “người bán hàng có thể đề nghị bằng văn bản đối với cơ quan kiểm tra thử nghiệm lại đối với mẫu lưu ở một tổ chức thử nghiệm được chỉ định khác. Kết quả thử nghiệm này là căn cứ để cơ quan kiểm tra xử lý, kết luận cuối cùng. Chi phí thử nghiệm mẫu này do người bán hàng chi trả”.
Một quy định khác là để được lưu thông hàng hóa lại trên thị trường, người bán hàng sẽ phải khắc phục và báo cáo với cơ quan kiểm tra. Cơ quan kiểm tra sẽ tiến hành thử nghiệm lại mẫu và chỉ cho lưu thông khi kết quả thử nghiệm phù hợp. Như vậy, người bán hàng không được tự chứng minh bằng cách gửi bằng chứng cho cơ quan kiểm tra về việc đã khắc phục vi phạm như Thông tư 26, mà cơ quan nhà nước sẽ thực hiện kiểm tra lại kết quả khắc phục.
Quy định mới tại Dự thảo có thể giúp kiểm soát được chất lượng của sản phẩm hàng hóa vi phạm sau khi được khắc phục quay trở lại thị trường. Tuy nhiên, quy trình kiểm tra của cơ quan nhà nước trong trường hợp này lại chưa được quy định rõ ràng: Trong khoảng thời gian bao lâu kể từ thời điểm cơ sở được kiểm tra báo cáo văn bản, cơ quan kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra, lấy mẫu thử nghiệm? Trong khoảng thời gian bao lâu kể từ khi có kết quả thử nghiệm, cơ quan kiểm tra ra thông báo hàng hóa được tiếp tục lưu thông nếu kết quả kiểm tra, thử nghiệm lại phù hợp? Như vậy, việc thiếu vắng quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra lại có thể khiến cho quy trình xử lý bị kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN.
Doanh nghiệp có thể bị kiểm tra vì bất kỳ lý do gì?
Đấy là điều không ít DN nghĩ đến khi đọc các nội dung sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 5 Thông tư 26 được quy định tại khoản 2 Điều 1 Dự thảo.
Dự thảo sửa đổi quy định về căn cứ kiểm tra đột xuất về chất lượng hàng hóa quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Thông tư 26 từ “theo yêu cầu của cơ quan quản lý chuyên ngành” thành “theo yêu cầu của cơ quan quản lý chuyên ngành, hoặc theo chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên để đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa”.
So với quy định hiện hành, Dự thảo đã bổ sung thêm mục đích của kiểm tra đột xuất về chất lượng hàng hóa, ngoài việc xuất phát từ yêu cầu của cơ quan quản lý chuyên ngành, còn có cả theo chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên để đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa. Tuy nhiên, quy định này chưa đủ rõ ràng, bởi rất khó xác định rõ phạm vi của “yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa” là như thế nào? “Phạm vi này là quá rộng và có thể kiểm tra DN bất kì lúc nào vì bất kì lý do nào liên quan đến kiểm tra chất lượng hàng hóa, và có thể dễ bị lạm dụng để tiến hành kiểm tra và ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của DN” – đại diện một DN cơ khí nói.
Đây chính là nội dung các chuyên gia và nhiều DN đề nghị phải xem xét quy định các căn cứ cụ thể, rõ ràng, tránh tình trạng lạm dụng của cơ quan hữu trách, trong khi DN “không phục” trong thực thi quy định pháp luật.