Dạy con bằng xích sắt
Không giống phần lớn các tay anh chị khác có xuất thân “đen ngòm”, Vũ Mạnh Hùng (SN 1972, ngụ phố Trương Định, Hai Bà Trưng, Hà Nội) có tuổi thơ tương đối bình yên. Là con út và con trai duy nhất, phía trên có 3 chị gái nê Hùng khá được nuông chiều. Gã hầu như không phải làm gì, chỉ chú tâm vào việc học. Nhưng trầy trật mãi gã mới lên được cấp Trung học phổ thông.
Trái ngược với Hùng, 3 chị gái lại tương đối khổ cực. Không phải cái khổ về vật chất mà là cái khổ về tinh thần. Bởi người cha của họ rất gia trưởng và độc đoán. Ông quan niệm đàn ông con trai phải làm những chuyện to lớn. Việc gia đình lặt vặt là trách nhiệm của phụ nữ trong gia đình.
Vì thế, dù bố mẹ là công nhân viên chức, không buôn bán gì để phải thức khuya dậy sớm, nhưng mùa đông cũng như mùa hè, 3 cô con gái đều phải dậy từ 5h sáng. Họ chia nhau người lau dọn nhà cửa, người đun nước pha chè, người nấu cơm nấu canh, sao cho khi cha dậy thì nhà cửa phải gọn gàng sạch sẽ, có chè để uống, có cơm để ăn trước lúc đi làm.
Rồi buổi chiều, khi cha trở về mọi thứ đều phải tinh tươm, đâu vào đấy. Mà các cô con gái cũng đang tuổi ăn tuổi lớn, nhiều lúc cũng xao nhãng không tròn trách nhiệm. Những lúc như thế, người cha thường chửi mắng không tiếc lời. Ông ít khi đánh đập nhưng lời nói thì vô cùng cay nghiệt.
Nhiều lúc vô tình thấy các bà chị ôm nhau khóc lóc, kể lể, trong đầu óc non nớt của mình, Hùng cũng thấy cha có phần quá đáng. Nhưng đến mẹ còn không dám góp ý gì với cha thì Hùng đâu “đủ tuổi” để lên tiếng. Thực chất, Hùng không phải làm gì cũng vì quan niệm “đàn ông con trai phải làm việc lớn” của cha. Thấy gã học hành lúc trồi lúc sụt, nhiều lần cha cũng mắng. Rồi đến năm lớp 10, một sự việc xảy ra đã khiến vị thế “đàn ông con trai” của Hùng không còn nữa.
Ở cái tuổi “dở ông dở thằng” Hùng cũng đã biết thầm thương trộm nhớ. Sinh nhật “người trong mộng”, Hùng chẳng có đồng tiền nào mua quà tặng bạn. Bí quá, Hùng sang hỏi mượn tiền một bạn học ở gần nhà. Đen đủi cho Hùng khi người bạn này lại khá hư hỏng. Nghe Hùng trình bày lý do, người bạn nói: “Tao không có tiền nhưng tao có cách”. Thế là Hùng theo chân bạn sang nhà một người trong xóm. Giả vờ hỏi nhăng hỏi cuội vài câu, thừa lúc người đó không để ý, đứa bạn “chôm” luôn chiếc đồng hồ đeo tay đặt trên bàn rồi dúi vào túi Hùng. Vụ trộm thành công trót lọt. Sau khi bán đồ trộm cắp này, Hùng có tiền mua quà tặng sinh nhật “người trong mộng”.
Ngày đó, chiếc đồng hồ là một tài sản khá lớn. Khi phát hiện bị mất trộm, người hàng xóm không khó khăn gì để đoán thủ phạm là ai. Ông ta tức tốc sang nhà Hùng kể tội. Đêm đó về nhà, sau khi thú nhận đầu đuôi sự việc, Hùng bị cha đánh một trận thừa sống thiếu chết. Ngay hôm sau, người cha đã đi mua một sợi xích to đùng, loại để xích chó béc-giê và tuyên bố: “Tao không để mày thiếu thốn gì mà nứt mắt đã làm cái trò trộm cắp, khiến tao xấu hổ, thế có khác gì loại chó. Vậy không cho đi học nữa, xích lại như xích con chó”.
Tự nhận mình là... chó
Người cha nói là làm, nhưng ông không xích đứa con trong nhà mà xích hẳn ra ngoài cửa. Người lớn thì lắc đầu tặc lưỡi. Trẻ con thì chỉ chỏ, chọc ghẹo. Hùng không dám ngẩng mặt lên. Mẹ và các chị thương lắm nhưng biết tính cha nên không ai dám nói gì. Vả lại, chìa của khóa xích người cha cầm đi, có muốn tháo xích cũng không làm được.
Hùng bị xích liền 2 ngày, ăn uống cùng chiếc xích, đến đêm đi ngủ mới được vào nhà. Đến trưa ngày thứ 3 thì người bạn chủ trò vụ trộm xuất hiện. Dùng một phôi chìa khóa, người bạn chọc vào ổ chiếc khóa xích. Rồi chỉ với chiếc dũa sắt, sau chừng 30 phút kỳ cạch mài dũa, người bạn đã giải thoát được cho Hùng. Bao nhiêu uất hận trong mấy ngày bị xích dồn nén, nước mắt Hùng cứ trào ra. Chỉ một tích tắc suy nghĩ, Hùng quyết định đi theo “ân nhân” dù chưa biết phía trước cái gì đang đón đợi mình.
Nhưng ác mộng về người cha quá tàn nhẫn vẫn chưa dừng lại. Sau khi biết quý tử được "đồng bọn" giải cứu, ông kiên quyết không cho ai đi tìm. Ông bảo Hùng muốn trở lại nhà thì phải lết bằng đầu gối từ ngoài đường vào nhà may ra ông mới tha thứ.
Sau đó ít ngày, Hùng cũng về, nhưng không phải tự về mà là bị công an dẫn giải. Cùng với người bạn, Hùng bị bắt quả tang khi đang trộm cắp xe đạp. Rơi vào tình thế này, Hùng biết cha sẽ không tha thứ cho mình. Và quả nhiên, chính tay người cha đã làm đơn đề nghị chính quyền cho Hùng đi trường giáo dưỡng. Trong đơn ông viết con trai mình là trộm cắp chuyên nghiệp, gia đình không thể giáo dục nổi. Cánh cửa học hành thực sự đóng sập trước mắt Hùng. Một con đường khác mở ra, đầy tăm tối.
Ảnh minh họa từ Internet |
Sau 12 tháng ở trường giáo dưỡng, Hùng không về nhà nữa. Gã đầu quân cho một băng nhóm đầu trộm đuôi cướp ở khu vực chợ Mơ. Giới anh chị lúc đó đánh giá Hùng là dạng tội phạm bất cần đời. Những phi vụ liều lĩnh, dễ bị cơ quan chức năng tóm cổ nhất bao giờ cũng có mặt gã. Hoạt động phạm pháp mà gã táo tợn đến mức công khai, cứ như đã sẵn sàng chấp nhận trả giá. Và cũng không phải đợi lâu, chỉ sau vài tháng rời trường giáo dưỡng, Hùng lại bị bắt.
Cuộc đời gã bắt đầu những chuỗi ngày “ăn cơm tù mặc áo số”. Cứ ra rồi lại vào, án tù sau bao giờ cũng dài hơn, dường như cố tình đẩy mình vào tình trạng đó. Sau này, Hùng giải thích: “Thời điểm đó, tôi hận bố tôi. Thậm chí, trong quãng đời tội phạm, tôi còn tự nhận mình là Hùng “chó”, vì bố tôi vẫn coi tôi chỉ là con là con chó”.
Ngày hoàn lương
Tuy nhiên, Hùng không nhận ra gã đã bất công với những thành viên còn lại trong gia đình, cũng như bất công với chính mình. Tuy người cha coi gã như không còn tồn tại nhưng mẹ và các chị luôn quan tâm đến gã. Dù gã bị giam ở trại nào, những người phụ nữ ấy vẫn lặn lội vào thăm. Lần nào họ cũng khóc lóc, cầu xin gã tu tỉnh, làm lại cuộc đời.
Mãi đến năm 33 tuổi, đang thụ án 7 năm ở Trại giam Hoàng Tiến (Hải Dương) thì gã nhận tin sét đánh: mẹ gã chết vì đột quỵ. Những đêm dài nằm khóc thầm thương nhớ mẹ, gã chợt suy ngẫm về cuộc đời mình. Hùng kể lại những trăn trở lúc ấy: “3 chị đi lấy chồng, tôi đều không tham dự. Các cháu gọi tôi bằng cậu có đứa tôi còn chưa biết mặt. Rồi đến giờ, mẹ mất, thằng con trai độc đinh là tôi cũng không thể về chịu tang. Làm người như thế thì đúng là khác gì loài chó”.
Sau cái chết của mẹ, Hùng trở thành người khác. Gã chăm chỉ cải tạo với mong muốn mau được giảm án để về tạ tội với người đã khuất. Luật pháp “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”. Với thành tích cải tạo tốt, Hùng được giảm án gần 3 năm. Năm 2009, gã được tha tù. Gã lập tức trở về nhà. Sau khi thắp hương lên ban thờ mẹ, gã quỳ lạy, tạ lỗi với cha. Người cha cũng đã lưng còng tóc bạc, ông ôm lấy đứa con tội lỗi và tha thứ.
Bây giờ Hùng đã thực sự hoàn lương. Gã mở hàng bán nước chè ngay tại nhà, túc tắc cũng đủ sống qua ngày. Gã chia sẻ chuyện cũ: “Sau này, lúc hàn huyên, cha tôi cũng nhận mình có lỗi, nhưng vì tự ái nên ông không thể nói ra điều đó. Thực ra, “cha mẹ đánh cửa trước, con cái luồn cửa sau”. Cũng may, tôi vẫn còn cơ hội làm người lương thiện”./.