Huyện Thủy Nguyên được coi là điểm nóng môi trường số một tại Hải Phòng khi người dân nơi đây bị bao vây bởi đủ loại ô nhiễm, từ khói bụi trên trời đến nước thải công nghiệp dưới đất, thậm chí như PLVN đã đưa, còn xuất hiện cả những con cá bị nghi biến dị gen vì ô nhiễm. Chính quyền nơi đây đang làm gì để rút ngòi “quả bom nổ chậm”?
Cả huyện là một đại công trường
Với điều kiện tự nhiên khoảng gần 250 km2, huyện Thủy Nguyên có đầy đủ núi, sông, biển, nằm trên trục giao thông nối cửa khẩu quốc tế Quảng Ninh với Cảng Hải Phòng và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Trong những năm vừa qua, Thủy Nguyên được Hải Phòng ưu ái, tạo điều kiện, dành gần 3.000 ha để phát triển hàng loạt các khu, cụm công nghiệp như Khu công nghiệp Minh Đức – Bến Rừng, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền; Khu công nghiệp và dịch vụ VSIP, Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, các cụm công nghiệp Gia Minh – Gia Đức, Kiền Bái – Cao Nhân, Đông Sơn – Kênh Giang.
Theo ông Nguyễn Trần Lanh, Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên, để phục vụ nhu cầu xây dựng, san lấp mặt bằng các khu, cụm công nghiệp, trong những năm vừa qua, chỉ riêng lĩnh vực khai thác đất đá, trung bình mỗi năm Thủy Nguyên chấp thuận, cấp phép cho khoảng 30 cơ sở sản xuất, khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản.
Trong khi hầu hết các chủ đầu tư, nhà thầu lại đều thiếu quan tâm đến công tác đảm bảo vệ sinh môi trường dẫn đến tình trạng không chỉ tại các khu vực đang thi công mà cả địa bàn huyện Thủy Nguyên đều phải đương đầu với khí bụi, tiếng ồn. Có những thời điểm, trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, tại một số tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, nồng độ bụi được cơ quan quan trắc ghi nhận vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 đến 5 lần; nhiều khu vực nồng độ bụi đo được vượt tới 12,4 lần mức cho phép, nguyên nhân là do hàng trăm lượt xe tải chở vật liệu xây dựng phục vụ cho các công trường, nhà máy không được che, chắn đúng quy định.
Ông Lại Đức Long, Trưởng Phòng TN & MT huyện Thủy Nguyên thẳng thắn nhận định, tình hình ô nhiễm môi trường, nhất là tại các xã, thị trấn có khu cụm công nghiệp đang triển khai xây dựng ngày càng diễn ra phức tạp. Theo ông Long, gần như người dân tại những khu vực như thị trấn Minh Đức, các xã Gia Minh, Gia Đức, Mỹ Đồng… luôn bị khói bụi, tiếng ồn của các nhà máy sản xuất xi măng, nhà máy hóa chất, các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu biển “bao vây”. Cá biệt, có những DN xả thẳng hóa chất, chất thải công nghiệp ra môi trường khu vực xung quanh, khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm, đến mức người nông dân không thể canh tác, nuôi trồng thủy sản.
Từng bước “giải trừ điểm nóng”
Ứng phó diễn biến ô nhiễm môi trường, Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên Nguyễn Trần Lanh cho tay, từ năm 2006, Huyện ủy huyện Thủy Nguyên đã ra Nghị quyết chuyên đề bảo vệ, vệ sinh môi trường trên địa bàn.
Hàng năm, Huyện ủy, UBND huyện đều đẩy mạnh thực hiện các chương trình bảo vệ môi trường, chương trình nước sạch nông thôn. Mặc dù còn nhiều thách thức nhưng những kết quả đạt được cũng rất đáng ghi nhận: đến nay, trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, cơ bản người dân đã được dùng nước sạch. Những địa bàn trọng điểm về ô nhiễm môi trường như thị trấn Minh Đức cũng đã cơ bản được cải thiện, các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng đã đầu tư hàng triệu USD vào hệ thống xử lý khói, môi trường…
Từ đầu năm đến nay, Phòng TN & MT kết hợp với Chi cục bảo vệ môi trường TP Hải Phòng đã tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại ba DN có vốn đầu tư nước ngoài, yêu cầu các DN phải nghiêm túc thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường. Đặc biệt, cơ quan chức năng đã kịp thời chỉ đạo, ngăn chặn sự cố tràn dầu vào khu vực sông thải của Cty TNHH MTV Vicem Hải Phòng. Huyện Thủy Nguyên đã đình chỉ các cơ sở tái chế dầu gây ô nhiễm môi trường của Cty TNHH Quyết Tiến, yêu cầu Cty Quyết Tiến khắc phục các sự cố ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác đá gây ra.
Trong thời gian tới, những giải pháp bảo vệ môi trường được Thủy Nguyên đưa ra là tiếp tục kiên quyết kiến nghị, kiên quyết yêu cầu các cơ sở sản xuất vi phạm quy địinh về bảo vệ môi trường phải có giải pháp khắc phục, bảo vệ môi trường, nếu các cơ sở cố tình vi phạm sẽ đình chỉ, đề nghị đình chỉ sản xuất đến khi khắc phục được ô nhiễm mới tiếp tục cấp phép hoạt động.
Được biết, Thủy Nguyên đã có kiến nghị TP không cấp phép, không tiến hành cho thuê đất đối với các cơ sở kinh doanh có nguy cơ ảnh hưởng về khí bụi, tiếng ồn gần khu dân cư, trường học.
Linh Nhâm