Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia 2010 và định hướng đến 2020 đã xác định xã hội hóa bảo vệ môi trường là một trong 8 giải pháp trọng tâm để đạt được các mục tiêu về môi trường. Thực hiện chiến lược, Hải Phòng đã huy động mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, các tổ chức xã hội và cộng đồng tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó, thí điểm mô hình xã hội hóa thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nông thôn tại xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên.
Những hiệu quả bước đầu
Theo số liệu báo cáo của các huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng tổng hợp, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn các huyện thuộc TP đạt khoảng 56,57%. Đối với Chương trình xây dựng Nông thôn mới, tiêu chí số 17 về môi trường là nội dung rất quan trọng và cần có sự tập trung cao. Tuy nhiên, ở hầu hết các xã, chưa có đơn vị chuyên môn nào làm công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Việc vệ sinh môi trường chủ yếu mang tính tự phát ở các xóm, thôn.
Thiết bị, dụng cụ lao động hầu hết là do tự trang bị, số lượng thiếu, chất lượng lạc hậu, không có xe thu rác chuyên dụng, người lao động không được trang bị bảo hộ, quản lý manh mún, kém chuyên nghiệp. Rác tập kết tự phân hủy ở nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến canh tác nông nghiệp, phát triển chăn nuôi và sức khỏe người dân...
Công nhân Cty CP môi trường Thành Vinh chuyển rác lên xe chuyên dụng. |
Để giải quyết căn bản vấn đề môi trường rác thải nông thôn và triển khai nhân rộng, ngày 22/11/2011, UBND TP.Hải Phòng có công văn số 7280/UBND-NN về việc làm điểm môi trường xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên. Theo đó, Cty CP môi trường Thành Vinh trực tiếp triển khai thực hiện.
Bà Đoàn Thị Mơ, Giám đốc Cty Thành Vinh cho biết, sau 6 tháng thực hiện làm mô hình điểm (từ tháng 1-6/2012), đơn vị đã thu dọn, vận chuyển và xử lý gần 2000m3 rác, trong đó, lượng rác tồn đọng, lưu cữu từ trước chiếm đến gần 400m3. Phương pháp xử lý rác là chôn lấp hợp vệ sinh.
“Đến cái tuổi “thất thập cổ lai hy” này, tôi mới thấy đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch sẽ thế. Cả tháng trời, một hộ dân chỉ phải đóng 15 ngàn tiền phí thu gom rác. Còn hộ nghèo, người tàn tật độc thân hoặc người cao tuổi độc thân đều được miễn hoàn toàn nhưng tôi và nhiều người khác vẫn nhiệt tình ủng hộ cho mô hình, mong sao quê hương ngày càng giàu mạnh”- bà Nguyễn Thị Tham (thôn Phù Lưu 2, xã Phù Ninh) chia sẻ.
Còn nhiều vướng mắc...
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Đức Dục cho biết, đến thời điểm hiện tại, Phù Ninh đã đạt 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, 3 tiêu chí cận đạt. Mô hình trên góp phần giúp địa phương đúc rút bài học từ việc huy động nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới, bài học về công tác dân vận, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và tính đoàn kết cộng đồng.
Qua tìm hiểu, rất nhiều xã trên địa bàn Thủy Nguyên như: Thủy Sơn, Thủy Đường, Lưu Kiếm, An Lư, Liên Khê... cũng mong muốn sớm được học tập và áp dụng mô hình điểm của Phù Ninh. “Nếu mô hình này được triển khai nhân rộng sẽ giải quyết căn bản vấn đề môi trường rác thải nông thôn đang bức xúc, góp phần giảm chi từ ngân sách TP”- ông Lê Sinh, Chủ tịch UBND xã Lưu Kiếm, huyện Thủy Nguyên cho hay.
Tuy nhiên trên thực tế, việc triển khai mô hình điểm nói trên còn nhiều vướng mắc.
Bà Đoàn Thị Mơ cho biết, Phù Ninh là xã thuần nông, mức thu nhập của dân cư thấp, các hộ dân còn thưa, nên công tác thu gom có phần vất vả hơn khu vực đô thị. Thêm nữa, theo thống kê của chính quyền, có 1.778 hộ dân sinh sống trên địa bàn, nhưng thực tế, số hộ dân trong dịch vụ thu gom chỉ đạt 1.225 bởi tập quán sống chung nhiều thế hệ của Việt Nam. Do vậy, tổng mức phí thu không đạt mức dự kiến ban đầu.
Theo ông Đinh Công Toản, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT Hải Phòng, hiện nay, tại khu vực nông thôn do thiếu vốn nên hầu hết các mô hình xã hội hóa đều chỉ ở mức độ thu gom và xử lý theo phương thức chôn lấp tạm thời mà chưa đầu tư được các nhà máy xử lý hoặc tái chế rác.
Việc xã hội hóa công tác trên địa bàn Hải Phòng mới chỉ huy động được sự vào cuộc của đơn vị tư nhân nhỏ, khả năng kinh tế hạn chế, các hoạt động bảo vệ môi trường chủ yếu mang tính khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trước mắt. Ông Toản cho rằng, cần có thêm các quy định pháp lý khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia công tác bảo vệ môi trường để thu hút được nhiều đối tượng có tiềm năng kinh tế lớn.
Phương Thanh