“Cải tạo chỉnh trang” sao lại gồm xây nhà để bán?
Trong hai khu vực cần “sắp xếp” có tổng diện tích 4,23 ha; có một khu vực gặp thắc mắc, kiện cáo của những hộ dân có nguy cơ bị thu hồi nhà đất. Đó là khu vực xung quanh trụ sở cũ của Quận ủy, HĐND và UBND quận Hồng Bàng.
Khu vực này có nhà, đất, công trình công cộng gồm trụ sở cũ của Quận ủy, UBND, Trung tâm Thể dục thể thao, Thành đoàn Hải Phòng, Quỹ Bảo trợ trẻ em TP, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, Công ty CP Thanh niên Hải Phòng với diện tích 1 ha; và đất ở của 39 hộ dân, ngõ, đường giao thông và các công trình khác với tổng diện tích 0,29 ha.
Tổng diện tích khu vực này là 1,29 ha. Thực hiện dự án sẽ ảnh hưởng đến gần 100 hộ dân nằm trên ba tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, Phan Chu Trinh, Trần Hưng Đạo thuộc phường Hoàng Văn Thụ.
Hải Phòng dự định “cải tạo, chỉnh trang” như thế nào? Văn bản “dự kiến quy hoạch, xây dựng công viên cây xanh và tòa nhà đa chức năng, gồm: Trung tâm Thương mại, dịch vụ; khách sạn 5 sao; văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp”. “Cải tạo chỉnh trang”, sao lại có việc xây dựng nhà để bán?
Cách đây hai năm, ngày 29/9/2017, Thành ủy Hải Phòng có Thông báo số 255-TB/TƯ đồng ý đối ứng cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT (xây dựng – chuyển giao) xây dựng chung cư cũ trên địa bàn TP .
Và UBND TP Hải Phòng đã chấp thuận danh sách đất BT phân bổ cho các dự án xây dựng chung cư cũ. Theo đó, khu vực trụ sở cũ của Quận ủy, HĐND và UBND quận Hồng Bàng (cũ) ở 42 Lê Đại Hành được xác định đối ứng cho Dự án Xây dựng chung cư HH1-HH2 và Dự án Dự án Xây dựng chung cư HH3-HH4 phường Đổng Quốc Bình, quận Ngô Quyền theo hình thức xây dựng BT. Các dự án này đều do Công ty CP Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy trúng thầu, thực hiện.
Như vậy, thực chất là lấy đất để thanh toán cho Hoàng Huy, chứ không như mỹ từ “chỉnh trang”. Xin nhớ, đây là khu đất rộng cách Nhà hát Lớn TP Hải Phòng, di tích văn hóa lịch sử, chỉ hơn 100m.
Ban Cán sự Đảng UBND TP Hải Phòng đã đồng ý phương án gọi là “sắp xếp tài sản công và chỉnh trang đô thị”, kiến nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng “sớm xem xét, cho ý kiến” về việc di chuyển, sắp xếp để lấy đất.
Đối với khu vực Sân vận động Máy Tơ thì “đấu giá quyền sử dụng đất” hoặc “đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư”. Đối với khu vực trụ sở cũ của Quận ủy, HĐND và UBND quận Hồng Bàng thì sẽ “giao đất cho nhà đầu tư BT”, cụ thể là Hoàng Huy.
Những hộ dân bị ảnh hưởng sẽ đi đâu? Văn bản của Ban Cán sự Đảng UBND TP Hải Phòng xác định “di chuyển và tái định cư tại vị trí phù hợp”.
Có được lấy đất dân đổi cho nhà đầu tư BT?
Dùng đất và tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư BT đang là lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh “nhóm lợi ích”. Chính vì thế, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 69/2019/NĐ-CP quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện Dự án BT. Nghị định sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2019.
Nghị định 69/2019/NĐ-CP có nhiều điểm mới. Tại cuộc họp báo ngày 16/8, đại diện Bộ Tài chính lưu ý, riêng với đất sạch (đã giải phóng mặt bằng, đền bù) và trụ sở làm việc của cơ quan; nếu được dùng để thanh toán cho nhà đầu tư BT thì phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
"Các trụ sở của các cơ quan Nhà nước vốn nằm ở vùng đô thị lớn nên lợi thế thương mại của đất cao. Chủ tịch tỉnh không được tự quyết nếu không được Thủ tướng chấp thuận. Đây là nội dung cần được thống nhất với nhau về thẩm quyền bởi trước đây giao quyền này cho UBND tỉnh”, lãnh đạo Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) nhấn mạnh.
Vấn đề đáng lưu tâm nữa là, chính quyền có được lấy đất ở của dân đổi cho nhà đầu tư BT? Tại Khoản 2 Điều 4 Quyết định 23/2015/QĐ-TTg có quy định Quỹ đất thanh toán cho Nhà đầu tư gồm: "a). Đất xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế theo quy định của pháp luật về đất đai; b). Đất của cơ sở nhà, đất tại vị trí cũ sử dụng để thanh toán Dự án BT đầu tư xây dựng công trình tại vị trí mới".
Đồng thời, tại Điều 3 Thông tư 183/2015/TT-BTC quy định, quỹ đất thanh toán cho Nhà đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 4 Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg, được xác định có ba loại: Chưa giải phóng mặt bằng, đã giải phóng mặt bằng, đất của cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại vị trí cũ sử dụng để thanh toán Dự án BT đầu tư xây dựng công trình tại vị trí mới. Tuy nhiên phải phù hợp quy định pháp luật đất đai.
Câu hỏi đặt ra là, việc Hải Phòng dự định dùng đất khu vực trụ sở cũ của Quận ủy, HĐND và UBND quận Hồng Bàng sẽ “giao đất cho nhà đầu tư BT” theo kiểu “ván đã đóng thuyền” có sai với Nghị định 69/2019/NĐ-CP không? Theo nguyên tắc Chính phủ quy định, phải đấu thầu rộng rãi, không cho phép chỉ định.
Như vậy, Nhà nước có thể thu hồi đất dân đang ở để thanh toán cho Nhà đầu tư dự án BT nếu đất đó thuộc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế. Vì thế cần xác định các hộ dân phường Hoàng Văn Thụ đã thuộc diện “quy hoạch được duyệt” hay chưa.