Trước những thảm án sát hại người thân có chiều hướng gia tăng, trách nhiệm của mỗi một thành viên trong xã hội đến đâu, cần phải làm gì để kiểm soát tệ nạn này?
Hai mẹ con đồng lõa bắn chết chồng, cha
Ngày 28/9, TAND tỉnh Lâm Đồng đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Nga (47 tuổi, ngụ thôn Hà Phú, xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) 20 năm tù giam và bị cáo Phạm Phi Trường (19 tuổi, con trai của bị cáo Nga) 16 năm tù giam cùng về tội “Giết người”. Trong vụ án này, bị cáo Nga là người chủ mưu, khởi xướng và thực hiện, còn Trường là người giúp sức tích cực. Nạn nhân trong vụ án là chồng, cha của các bị cáo.
Theo cáo trạng, trong thời gian chung sống với nhau, vợ chồng ông Phạm Văn Dũng (56 tuổi) và Nguyễn Thị Nga thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, cãi vã nhau, thỉnh thoảng ông Dũng uống rượu rồi đuổi đánh Nga và chửi mắng con trai út của mình là Phạm Phi Trường.
Cuối tháng 3/2020, khi đang ở tỉnh Tây Ninh, ông Dũng gọi điện thoại nói với Nga rằng mình chuẩn bị về nhà để làm giỗ cho cha và yêu cầu vợ chuẩn bị rút tiền tiết kiệm gửi tại một ngân hàng về để chi tiêu. Tuy nhiên, do trước đó, Nga đã giấu chồng, rút hết số tiền 161 triệu đồng mà 2 vợ chồng gửi tiết kiệm để cho con và tiêu xài cá nhân. Lo sợ bị ông Dũng phát hiện, Nga bàn bạc với Trường mua súng để bắn ông Dũng.
Trường sau đó tìm mua khẩu súng tự chế và 5 viên đạn, loại đạn thể thao giá 6,5 triệu đồng của một người ở huyện Đạ Tẻh. Chiều 3/4, Trường mang súng về nhà đưa mẹ cất giữ, còn mình tiếp tục ra ngoài ở.
Khẩu súng mẹ con Nga dùng để gây án. |
Khoảng 23h cùng ngày, Trường đi về gần nhà và gọi điện cho Nga để lấy súng. Đến khoảng 4h ngày 4/4, Trường dậy, kê súng vào người cha nhưng không dám bắn. Sau đó, Trương để khẩu súng lại rồi bỏ ra sân đứng. Thời điểm này, Nga ngủ cùng giường với chồng nên đã cầm súng bắn vào người ông Dũng.
Sau khi súng nổ, Nga cầm súng đi ra ngoài, rồi đưa lại cho Trường mang đi cất giấu dưới mương nước sau nhà. Thấy ông Dũng kêu đau, Nga lấy dầu gió xoa cho chồng, rồi đi đến nhà chị ruột của mình nhờ vợ chồng chị ruột đưa ông Dũng đi cấp cứu. Tuy nhiên, nạn nhân sau đó tử vong tại Bệnh viện II Lâm Đồng (đóng tại TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng).
Nghi ngờ cái chết của bệnh nhân, phía Bệnh viện II Lâm Đồng đã báo cơ quan công an. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, ông Dũng bị một vết thương vùng lưng trái, xuyên sâu vào trong cơ thể gây tổn thương xương sườn, mạch máu và cơ vùng cổ trái. Nguyên nhân chết của nạn nhân do suy tuần hoàn, suy hô hấp do vết thương hỏa khí vào khoang ngực trái, tràn khí màng phổi trái.
Trong vụ án này, ban đầu mẹ con bị cáo Nga khai rằng, do ông Dũng hay uống rượu, mỗi lần say rượu lại chửi mắng vợ con khiến cả 2 sống trong nỗi ức chế nhiều năm. Sau đó, mẹ con Nga bàn nhau mua khẩu súng tự chế để sát hại chồng, cha.
Tuy nhiên, quá trình xem xét lại vụ án, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng và VKSND cùng cấp phát hiện lời khai của mẹ con Nga có điều uẩn khúc, mâu thuẫn, chưa khai hết, khai thật về động cơ gây án.
Tiếp tục đấu tranh, Nga thú nhận, vợ chồng Nga có cuốn sổ tiết kiệm gửi ngân hàng trị giá 161 triệu đồng. Thời gian trước đó, Nga nhiều lần đi rút tiền về cho Trường và mình tiêu xài. Đến khi rút hết số tiền này, lo sợ ông Dũng phát hiện, gia đình xào xáo, Nga bàn bạc với con trai sát hại chồng, cha.
Vợ chồng Nga có 2 con trai nhưng cả 2 đều thuộc thành phần hư hỏng. Con trai đầu của Nga đang chấp hành án phạt tù vì tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Còn Trường, trước khi gây án đang cầm 2 chiếc xe máy (8 triệu và 10 triệu) đều là xe mượn.
Dù 2 con hư hỏng, không chịu lao động nhưng Nga vẫn giấu chồng nuông chiều, đáp ứng các nhu cầu phi lý của chúng, khiến giữa ông Dũng và Nga mâu thuẫn về việc nuôi dạy con cái. Rồi sau khi rút hết tiền trong sổ tiết kiện để tiêu xài, 2 mẹ con lại ra tay sát hại chồng, cha. Sau đó, cả 2 bàn bạc, thống nhất các lời khai để đối phó với cơ quan chức năng.
Vì đâu nên nỗi?
Vợ chồng “đầu gối má kề”, đến với nhau vì tình yêu thương. Giữa vợ chồng có rất nhiều sợi dây ràng buộc như con cái, họ hàng nội ngoại và cả tài sản chung mà 2 vợ chồng đã cùng nhau gây dựng lên… Nhưng khi về sống chung trong một mái nhà, nếu không có sự đồng cảm, chia sẻ, nhường nhịn lẫn nhau, rất dễ nảy sinh những mâu thuẫn.
Thời gian gần đây, qua các phương tiện truyền thông, người ta không khỏi bàng hoàng khi thực trạng chồng sát hại vợ, vợ giết hại chồng với nhiều nguyên nhân và mức độ dã man khác nhau, diễn ra ngày càng nhiều.
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc) cho rằng, hiện nay, vấn đề về các mối quan hệ trong gia đình ngày càng phức tạp. Không chỉ là chuyện cơm, áo, gạo tiền, sự ghen tuông, mà còn từ sự nghi ngờ, sống thiếu trách nhiệm, đánh đập, rượu chè, dùng chất kích thích… vậy nên mới có những vụ án đau lòng đến như vậy.
“Có thể, trong một phút nóng giận, con người thiếu sự kiềm chế, không có kỹ năng giải quyết những xung đột. Hoặc các cặp vợ chồng không thể dung hòa trong việc thực hiện quyền bình đẳng giữa vợ và chồng, sự nhẫn nhịn chịu đựng bị dồn nén lâu ngày gây ức chế về mặt tâm lý, có thể gây ra tội ác. Sau này, họ có hối hận cũng đã quá muộn”, bà Túy cho biết.
Việc hóa giải những mâu thuẫn trong đời sống, trong mỗi gia đình là điều hết sức quan trọng. Tự thân mỗi người cần phải biết yêu cuộc sống của mình, yêu gia đình mình, sống có trách nhiệm. Mâu thuẫn, xung đột là điều khó tránh khỏi nhưng mỗi người cần phải nghĩ cho người khác, đừng vì “cái tôi” quá lớn để những mâu thuẫn, xung đột càng đẩy lên cao đến mức không thể kiểm soát được.
Bên cạnh đó, người thân trong gia đình cần phải có sự quan tâm, có trách nhiệm với nhau. Đặc biệt là việc giáo dục đạo đức, lối sống, coi đó là nền tảng xây dựng gia đình bền vững nhằm ngăn ngừa những bi kịch xảy ra.
Cộng đồng dân cư và các tổ chức quần chúng ở cơ sở có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các hiện tượng tương tự. Nếu cứ kiểu “đèn nhà ai, nhà nấy rạng” thì sẽ không thể phát hiện và giúp đỡ những người đang rơi vào hoàn cảnh bất lợi.
Các tổ chức xã hội như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, tổ hòa giải, tổ an ninh nhân dân, tổ dân phố... cần phải nắm chắc tình hình mọi mặt ở địa bàn, có trách nhiệm giúp người dân vượt qua những khó khăn, trở ngại, ngăn chặn kịp thời những hiện tượng tiêu cực. Giải pháp thì không phải thiếu nhưng để tìm ra giải pháp căn cơ nhất nhằm chặn đứng, hay ít ra làm giảm thiểu hiện tượng suy đồi đạo đức trầm trọng này là điều chẳng dễ dàng.
Thiết nghĩ, giải pháp căn cơ cho vấn nạn chồng sát hại vợ, vợ sát hại chồng trước hết vẫn là con người, phải tự hoàn thiện mình bằng sự tu dưỡng đạo đức, hướng thiện. Khi người ta nhận thức rõ về cái ác, sợ hãi về điều ác thì mới có thể chùn tay.