Trước đó, vào ngày 16/5/2019, báo PLVN có bài viết: “Hải Dương: Chưa được đê điều cấp phép, công ty nước sạch vẫn “cố tình” xẻ đê, chôn đường ống nước” phản ánh về việc nhà máy nước sạch xã Ngũ Phúc (thuộc Công ty cổ phần nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh Hải Dương, số 5 đường Hồng Quang, TP. Hải Dương) dù chưa được sự cho phép của phía đê điều nhưng vẫn “ngang nhiên” xẻ đê, chôn đường ống nước.
Nhà máy sau đó đã bị Hạt quản lý đê huyện Kim Thành lập biên bản về việc vi phạm pháp luật về đê điều (lần 1) với nội dung "đã có hành vi tự ý cắt đê để thay thế đường ống vận chuyển nước từ phía sông vào trong nhà máy".
Đường ống nước được chôn ngay trên thân đê |
Hạt quản lý đê huyện Kim Thành cũng yêu cầu nhà máy chấm dứt ngay hành vi vi phạm và khẩn trương đắp, hoàn trả mặt đê bằng nhựa áp phan như cũ xong trước ngày 28/4/2019.
Những tưởng vi phạm trên sẽ được Công ty cổ phần nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh Hải Dương khắc phục nhưng hiện nay đường ống nước đó vẫn đang được chôn ngang qua thân đê mà chưa được xử lý.
Không dừng lại ở đó, mới đây, một nhà máy nước sạch khác cũng của Công ty cổ phần nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh Hải Dương ở xã Quyết Thắng, huyện Ninh Giang (Hải Dương) tiếp tục có hành vi đào mặt đê (đê kênh Đình Đào) thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải (do Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải quản lý) để lắp đường ống cấp nước sinh hoạt cho khoảng 15 hộ dân thuộc vùng chuyển đổi của xã Quyết Thắng.
Được biết, đây là lần thứ hai nhà máy có hành vi đào đê ở khu vực này. Bởi vào cuối năm 2017, nhà máy đã từng “cố tình” đào gần 2km phần thân đê kênh Đình Đào để chôn ống nước, trái với bản vẽ thiết kế thi công mà Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải đã chấp thuận trước đó.
Việc thi công lắp ống nước được cho là trái phép |
Người dân địa phương cho biết, sau khi bị phát giác, nhà máy nước sạch cũng đã có động thái “khắc phục”. Nhưng qua tìm hiểu, đường ống nước đó thực chất chỉ được dịch chuyển về phía mép đê vài phân và ống nước hiện vẫn được chôn ở trong thân đê.
Liên quan đến hành vi đào đê lần này, ông Đỗ Văn Thắng (hộ dân ở khu chuyển đổi xã Quyết Thắng) thông tin, để có nước sạch dùng, mỗi hộ đã nộp cho nhà máy nước sạch khoảng 3 triệu đồng. Sau đó nhà máy đã tiến hành đào mặt đê (phía rìa đê) để chôn đường ống nước nhằm dẫn nước cho các hộ dân . “Họ đào không sâu, chỉ chừng chục phân để đặt đường ống phi 40 xuống”, ông Thắng cho biết.
Theo quan sát, đoạn đê bị đào có chiều dài khoảng trên 3 km. Đồng hồ tính lượng nước cho các hộ dân cũng được chôn ở trên mặt đê. Từ đồng hồ có một đường ống nước nhỏ được chôn ngang qua thân đê để dẫn nước vào cho các hộ. Có những đoạn đào xong không được san lấp đất lại làm biến dạng, thu hẹp cả mặt đê.
Nhà máy nước sạch tại xã Quyết Thắng lại tiếp tục tự ý đào mặt đê tan hoang để chôn đường ống trái phép |
Hệ thống đê đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ tài sản, mùa màng, tính mạng người dân. Mọi hoạt động ở đê như cắt, xẻ, đào để xây dựng, lắp đặt công trình đều phải được sự cho phép của cấp có thẩm quyền. Nhưng ở đây, khi phóng viên đến tìm hiểu tại địa phương và thông tin vụ việc trên thì lúc này xã Quyết Thắng mới nắm bắt được.
Ông Nguyễn Văn Thơ, cán bộ địa chính xây dựng xã Quyết Thắng xác nhận, năm 2017 khi đào đê, nhà máy nước sạch có thông báo với xã, nhưng lần này, họ đã tự ý làm mà không trao đổi hay thông báo gì với chính quyền địa phương.
Để tìm hiểu rõ những vi phạm trên, phóng viên đã cùng đại diện Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Kim Thành đến làm việc với ông Lê Khánh Toàn, Giám đốc Xí nghiệp số 8 (thuộc Công ty cổ phần nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh Hải Dương). Nhưng ông Toàn từ chối cung cấp thông tin và đề nghị phóng viên đến làm việc với lãnh đạo công ty.
Sau nhiều lần liên hệ “không thành công”, mới đây, phóng viên mới liên hệ được với ông Vũ Văn Đại, lãnh đạo Công ty cổ phần nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị ông bố trí buổi làm việc về những vi phạm đê điều của công ty, ông Đại đã tỏ thái độ bất hợp tác và nói năng rất gay gắt. Ông Đại cho rằng, vụ xẻ đê ở xã Ngũ Phúc, công ty đã được huyện cấp phép, Bộ công an đã về kiểm tra. Thậm chí ông còn tỏ thái độ nói: “Chính quyền và người ta làm đã phải thống nhất với nhau, bây giờ phải xin phép mấy nơi. Viết lung tung, nhố nhăng”.
Những vi phạm về đê điều của Công ty cổ phần nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh Hải Dương là quá rõ nhưng vì sao công ty vẫn không ngừng tái phạm và có thái độ “ngông ngênh” như vậy? Đề nghị các cấp, ngành tỉnh Hải Dương và các cơ quan chuyên trách về lĩnh vực bảo vệ đê điều cần vào cuộc kiểm tra, làm rõ. Từ đó, có những hình thức, biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm để sự an toàn tại các tuyến đê cũng như tính mạng, tài sản của người dân nơi đây được thực sự đảm bảo, an tâm hơn.