Theo quy định của BLHS hiện hành thì không phải mọi trường hợp trộm cắp tài sản có giá trị từ 2 triệu trở lên mà dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị xem xét xử lý hình sự. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính thì thực tiễn thời gian qua, nhiều vụ trộm cắp (điển hình là trộm chó) có giá trị dưới 2 triệu gây bức xúc trong dư luận, thậm chí người dân còn “tự xử” nhau dẫn đến mất an ninh trật tự.
Từ thực tế này, Ban soạn thảo Dự án BLHS (sửa đổi) đã mạnh dạn đưa vào quy định mới: trường hợp trộm cắp tài sản tuy có giá trị dưới 2 triệu đồng nhưng đó lại là “phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ hoặc có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại và gia đình họ” thì vẫn bị xử lý hình sự.
“Người ta có cái xe máy cũ hành nghề xe ôm là phương tiện kiếm sống nuôi sống cả nhà mà trộm lấy mất chắc chắn cả gia đình sẽ khó khăn. Hay như đồ thờ cúng có giá trị tinh thần, tâm linh rất lớn. Mất đi là người trong gia đình, dòng họ nghi kỵ nhau, ảnh hưởng an ninh trật tự, hậu quả không đo bằng tiền bạc nhưng nó là nhãn tiền mà không xử lý là không phù hợp”, ông Hoàn lý giải và cho rằng nếu quy định mới này được nhân dân ủng hộ sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn và an lòng dân, góp phần vào công tác bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới.
Trình quy định mới nói trên, Bộ Tư pháp cho biết vấn đề này hiện có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với việc bổ sung quy định này để giải quyết những bức xúc của người dân trong thời gian vừa qua đối với những trường hợp trộm cắp tài sản có giá trị không đến 2 triệu đồng nhưng gây ảnh hưởng lớn đến trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống mưu sinh hàng ngày của người dân. Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành.
Nên cân nhắc cẩn trọng
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ tỏ rõ sự băn khoăn: “Chúng ta lấy mức giá trị tài sản trộm cắp hay đối tượng bị tác động để xử lý có hợp lý không? Thông thường, một người đi ăn cắp, móc túi người khác bao giờ cũng mong lấy được nhiều tiền chứ không có ông nào muốn trộm được dưới 2 triệu để không bị xử lý hình sự. Nếu ta quy định như Dự thảo là rơi vào quy tội khách quan (điều kiện bên ngoài không gắn với yếu tố chủ quan). Nếu quy định theo hướng đó thì phải thật cụ thể để dễ dàng trong truy tố, xét xử”. “Phải hết sức cân nhắc quy định này”, ông Thụ khuyến cáo.
Dưới góc độ cơ quan xét xử, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn lưu ý thêm: muốn đưa vào giá trị đặc biệt là hậu quả nghiêm trọng của hành vi nhưng hậu quả nghiêm trọng đó có nhiều dạng rất khó xác định, vì thế ông Sơn khuyến cáo “phải cân nhắc cẩn trọng”. Cùng quan điểm này, một chuyên gia pháp luật hình sự phản bác: cái bơm xe đạp với người làm nghề bơm xe ở góc phố cũng là phương tiện kiếm sống, nó chỉ 50 ngàn đồng thôi, nếu trộm lấy đi mà cũng bị truy tố là vô lý. Nếu đưa vào quy định này sẽ rất khó khả thi, thậm chí dẫn đến sự tùy tiện trong áp dụng.
Tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính Nguyễn Văn Hoàn tỏ ra rất lạc quan: “Khả thi hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có cả cách tổ chức thực hiện. Nếu có hướng dẫn đầy đủ, phù hợp thì sẽ không đáng lo ngại”./.