Ba nguyên nhân thiếu ''slot''
Hiểu nôm na, 'slot' là khoảng thời gian mà cơ quan chức năng dành cho các hãng hàng không để cất cánh, hạ cánh các chuyến bay. Việc cạn kiệt 'slot' hiện nay xuất phát từ bốn nguyên nhân.
Trước tiên là hạ tầng cảng hàng không xuống cấp, chật chội, quá tải nhưng không được tháo gỡ kịp thời. Vì thế, dù các hãng hàng không muốn tăng số chuyến bay cất, hạ cánh trong một giờ thì cũng không được đáp ứng vì không đủ chỗ cho tàu bay đỗ, không đủ đường băng cho tàu bay cất, hạ cánh. Đó cũng là thực trạng mà hành khách thường xuyên gặp phải như tàu bay xếp hàng chờ cất cánh hay bay lòng vòng chờ hạ cánh.
Theo thống kê, 22 sân bay tại Việt Nam có tổng công suất khai thác là 90 triệu hành khách/năm nhưng năm 2018 đã phải phục vụ tới 103 triệu khách, tức là đã phục vụ quá khả năng hơn 10 triệu khách.
Nguyên nhân thứ hai của việc cạn kiệt 'slot' là do năng lực quản lý, điều hành bay, điều hành mặt đất, thiếu hụt nhân sự quản lý, giám sát điều hành bay và hoạt động hàng không. Hiện tại, năng lực điều hành bay của Việt Nam chỉ đảm bảo cao nhất là cho 44 chuyến bay cất, hạ cánh tại Tân Sơn Nhất trong một giờ, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 65-70 chuyến/giờ ở một số nước Đông Nam Á.
Thứ ba là do tính chất đặc thù của ngành hàng không các hãng bay lớn như Vietnam Airlines phải có kế hoạch phát triển đồng bộ đội tàu, nhân lực, dịch vụ kỹ thuật, mặt đất, .. phục vụ nhu cầu tăng trưởng bền vững, phát triển thị trường của mình.
Cuối cùng là việc cấp phép cho các hãng hàng không mới trong bối cảnh các 'slot' cũ đã phân bổ hết trong khiến 'slot' trở nên thiếu hụt trầm trọng. Đến nay, nguồn cung 'slot' đã kịch trần, nên việc cấp phép hãng mới tới đây sẽ tạo ra sự khủng hoảng thiếu 'slot' nghiêm trọng, thậm chí có khả năng dẫn đến sự hỗn loạn.
Gây khó khăn cho hãng cũ, tước cơ hội của hãng mới
Trên thế giới, cạn nguồn 'slot' là câu chuyện không mới đối với hàng không nhiều nước. Từ năm 2017, Hiệp hội hàng không dân dụng thế giới (IATA) đã cảnh báo 189 sân bay toàn cầu đã kiệt nguồn 'slot' do nhu cầu vận chuyển tăng cao.
Tại Trung Quốc, theo Tổ chức kết nối mạng lưới hàng không Routes Online, năm 2017, nguồn 'slot' ở các sân bay Bắc Kinh cạn kiệt, ảnh hưởng giao thương với Hoa Kỳ, đối tác kinh tế lớn nhất của Trung Quốc.
Ngay sau đó, Trung Quốc buộc phải hạn chế cấp phép cho các hãng hàng không sử dụng sân bay ở Bắc Kinh làm căn cứ, đồng thời gấp rút tiến hành xây dựng thêm nhiều sân bay mới để tháo gỡ tình hình.
Tình trạng cạn kiệt nguồn 'slot' cũng xảy ra tương tự với ngành hàng không Ấn Độ, đặc biệt là với đường bay Mumbai - Delhi, đường bay bận rộn thứ 6 thế giới.
Để giải quyết tình hình, cùng với việc đặt một lộ trình hợp lý về cấp phép thêm cho các hãng hàng không mới, giới chức Ấn Độ đã yêu cầu các hãng hàng không phải đỗ tàu bay qua đêm tại các sân bay tỉnh lẻ nằm gần Mumbai và Delhi.
Bản thân các hãng hàng không cũng chủ động triển khai tàu bay thân hẹp để khai thác tuyến Mumbai - Delhi nhằm tiết kiệm không gian đậu đỗ. Phương án xây dựng thêm một sân bay mới ở Mumbai cũng đã gấp rút được triển khai.
Ở Việt Nam, Cục Hàng không là cơ quan chủ trì tổ chức cấp 'slot' cho các hãng. Hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư từ nguồn ngân sách . Tuy nhiên, do hãng hàng không mới phải giành giật 'slot' để sinh tồn, “xin cho”, “đi đêm” để có 'slot' bay là nguy cơ hiện hữu.
Chuyên gia kinh tế, PGS, TS Ngô Trí Long cho rằng, hạ tầng quá tải, 'slot' cạn kiệt mà cấp phép cho ra đời các hãng hàng không mới sẽ tạo thị trường cạnh tranh không lành mạnh. Cấp phép cho hãng mới đồng nghĩa với gây khó khăn cho hãng cũ và tước cơ hội kinh doanh thuận lợi cho hãng mới. Điều này sẽ khiến kinh doanh khó khăn, dễ dẫn đến thua lỗ, thất thu ngân sách và lãng phí nguồn lực xã hội.
“Tôi cho rằng việc cấp bách bây giờ là mở rộng, nâng cấp ngay hạ tầng hàng không và sân bay Long Thành cần đấu thầu để huy động nguồn lực tư nhân tham gia để nâng chất lượng và đẩy nhanh tiến độ cảng hàng không trọng điểm này. Từ đó, cho phép hãng mới ra đời để họ kinh doanh, cạnh tranh thuận lợi hơn”, ông Long nói.
Theo Simpleflying, việc cho phép mở các hãng hàng không mới một cách nhanh chóng, dễ dàng cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều hãng hàng không châu Âu chết dần và phá sản, gây sức ép lớn lên nền kinh tế và chính phủ các nước. Mới đây, Aigle Azur - hãng hàng không lớn thứ hai tại Pháp cũng đệ đơn xin bảo hộ tài sản và hủy toàn bộ các chuyến bay, ảnh hưởng tới hơn 19 ngàn hành khách và hơn 1 ngàn nhân viên lâm vào cảnh thất nghiệp.