Băn khoăn trước giờ thi
Năm nay, Hà Nội có hơn 93.300 thí sinh thi để cạnh tranh lấy hơn 67.000 suất vào lớp 10 công lập. Số thí sinh không trúng tuyển sẽ học trường ngoài công lập, trường THPT công lập tự chủ tài chính, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và học nghề.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Sở GD-ĐT Hà Nội đã phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan xây dựng tiêu chí để tổ chức phân loại các thí sinh đã đăng ký dự thi thành 3 nhóm: Nhóm 1 là thí sinh thuộc diện F0, F1 sẽ được tuyển thẳng vào trường công lập có nguyện vọng đăng ký dự tuyển.
Nhóm 2 là những em thuộc diện F2 đang trong thời gian cách ly theo quy định, diện lưu trú tại địa bàn bị cách ly, phong tỏa hoặc diện khác mà không được đến trường thi do ảnh hưởng của Covid-19. Những thí sinh này sẽ được áp dụng phương thức xét tuyển theo công thức: Điểm xét tuyển = Điểm THCS + Điểm trung bình môn Toán + Điểm trung bình môn Ngữ văn + Điểm trung bình môn Ngoại ngữ + Điểm trung bình môn Lịch sử + Điểm ưu tiên.
Trong đó, điểm THCS là tổng điểm tính theo kết quả rèn luyện và học tập của 4 năm cấp THCS. Điểm trung bình các môn chỉ tính năm lớp 9. Điểm ưu tiên theo quy định tại quy chế tuyển sinh.
Tuy nhiên, trên các diễn đàn, một số phụ huynh cho rằng, cả năm qua, học sinh đã ôn luyện, làm quen với cấu trúc đề 120 phút, 90 phút đối với Toán, Ngữ văn, nay giảm xuống sẽ gây khó cho thí sinh vì không biết phân bổ thời gian hợp lý, tại sao không lùi kỳ thi, đợi đến khi hết dịch Covid-19 mới tổ chức...
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, trước khi đi đến quyết định giảm thời gian làm bài thi của thí sinh, Sở đã yêu cầu các trường lấy ý kiến giáo viên dạy lớp 9, phụ huynh, học sinh về 2 phương án điều chỉnh thời gian làm bài thi.
Phương án 1 là thí sinh thi 4 môn trong 2 buổi sáng và giảm thời gian làm bài thi. Phương án 2 là thí sinh thi 4 môn trong 2 buổi sáng, nhưng thời gian làm bài của từng môn vẫn giữ như kế hoạch trước đó.
Mặc dù giảm tải thời gian làm bài nhưng cấu trúc và hình thức đề thi sẽ không thay đổi. Mức độ yêu cầu về kiến thức và kỹ năng của đề thi được tinh giảm phù hợp với thời gian, đảm bảo sự phân hóa của đề thi, đáp ứng nhu cầu tuyển sinh đầu vào tại các trường THPT.
Với tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp như hiện nay, đề thi vào lớp 10 chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản có thể hoàn thành bài thi ở điểm trung bình khá. Nhiều thầy cô nhận định, đề thi 2 môn tự luận năm nay rút ngắn thời gian so với cấu trúc lâu nay các em được ôn luyện. Do đó, buộc các em phải tư duy trình bày ngắn ngọn và phân bổ thời gian hợp lý, nếu đã ôn luyện kỹ thì kiến thức cơ bản của các em đã đạt 70-80% điểm bài thi.
Phó Chủ tịch UBND TP, ông Chử Xuân Dũng khẳng định: “Cấu trúc đề thi giữ nguyên, chỉ giảm độ dài từng phần, đảm bảo vẫn phân loại được thí sinh. Cùng với đó, việc quyết định không tổ chức thi buổi chiều, từ 3 buổi rút thành 2 buổi thi để đảm bảo an toàn, giảm áp lực nhưng vẫn đảm bảo chất lượng công tác tuyển sinh”…
Số thí sinh F0, F1 tuyển thẳng không ảnh hưởng chỉ tiêu
Theo thông tin từ Sở GD-ĐT Hà Nội, trên cơ sở các quy định về ưu tiên xét tuyển thẳng học sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2021-2022, Sở đã quyết định tuyển thẳng 412 học sinh. Trong số này, chiếm số lượng nhiều nhất là học sinh khuyết tật với 238 em; ngoài ra còn có 99 học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú; 61 học sinh đoạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa, thi khoa học kỹ thuật; 12 học sinh đoạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn nghệ, thể dục thể thao và 2 học sinh là người dân tộc ít người.
Bên cạnh 4 nhóm đối tượng thuộc dạng tuyển thẳng vào lớp 10 nói trên, Hà Nội đã chấp thuận đề xuất của Sở GD-ĐT về việc tuyển thẳng vào trường công lập đối với các thí sinh thuộc diện F0, F1 do đang điều trị hoặc bị cách ly không thể dự thi. Thời gian phân loại đối tượng thí sinh tính đến 17h ngày 11/6/2021.
Nhiều ý khiến phụ huynh lo ngại sẽ có tiêu cực xảy ra như cố tình bị F1, F0 để được tuyển thẳng? Tính tới ngày 31/5, Hà Nội không có học sinh lớp 9 nào thuộc diện F0, 11 học sinh thuộc diện F1. Theo quyết định của Sở GD-ĐT, 11 học sinh F1 này sẽ được tuyển thẳng vào lớp 10 theo nguyện vọng đã đăng ký.
Theo thầy Vũ Khắc Ngọc - Hệ thống Giáo dục Học Mãi thì tính ra con số này chỉ chiếm 0,01178% tổng số thí sinh (1/10.000). Do đó, về cơ bản, sẽ không ảnh hưởng đáng kể tới cơ hội trúng tuyển hay quyền lợi của các thí sinh khác. Các học sinh F1 được tuyển thẳng là dựa trên nguyện vọng đã đăng ký từ cách đây cả tháng (khi chưa biết mình là F1 và được tuyển thẳng). Nguyện vọng đó chắc chắn đã căn cứ trên lực học thực tế và có sự tư vấn của thầy cô, gia đình nên khó có chuyện “học dốt nhưng vì F1 được tuyển thẳng nên đăng ký vào trường top để hưởng lợi”.
Mặt khác, cũng theo thầy Ngọc thì “chuyện “chạy để thành F1 được tuyển thẳng” nghe càng vô lý. Bởi để “được” vào danh sách F1 cần có những văn bản, thông báo rõ ràng, minh bạch, không phải muốn là được”.
Mặt khác, lãnh đạo UBND TP Hà Nội khẳng định số thí sinh F0, F1 được tuyển thẳng vào lớp 10 THPT công lập không chuyên sẽ không ảnh hưởng đến chỉ tiêu của các trường. Ông Chử Xuân Dũng nhấn mạnh việc tuyển thẳng thí sinh thuộc diện F0, F1 không ảnh hưởng đến tuyển sinh bởi không tính vào chỉ tiêu được giao cho các trường THPT. Thực tế, phương án này đảm bảo an toàn cho thí sinh, lực lượng phục vụ kỳ thi. Trưởng ban chỉ đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm về việc đề xuất tuyển thẳng F0, F1 và xét tuyển với F2 đảm bảo đúng người. Đồng thời, ông Dũng yêu cầu các địa phương phải thực hiện chính sách tuyển thẳng một cách nghiêm túc, chặt chẽ, tránh việc trục lợi…