Một Hà Nội rất khác khi vắng cây
Ba tuần sau khi bão số 3 đi qua, đường phố Hà Nội dần trở về với trạng thái thường nhật, phố xá được dọn dẹp sạch sẽ, không còn cảnh cành lá ngổn ngang. Ở hàng chục tuyến phố như: Lê Văn Lương, Cầu Giấy, Kim Mã, Hồ Tùng Mậu, Đinh Tiên Hoàng, Phan Đình Phùng, Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ, Hàng Bông, Lê Thái Tổ, Thanh Niên, Tố Hữu, Cửa Bắc... những cây xanh bị gãy, đổ đã được dọn dẹp, nhiều cây được cắt tỉa, dựng trồng lại và một số cây được rào thêm khung sắt để bảo đảm an toàn, tránh tình trạng gãy, đổ trong tương lai.
Tuy nhiên, ở một số góc đường, vẫn còn lại những “tàn tích” từ cơn bão: hàng cây xanh gãy, đổ chưa được xử lý, một đoạn cây sau cưa nằm chỏng chơ dưới lòng đường, hay một ngôi nhà bị cây đổ làm móp cả biển hiệu,... Những hình ảnh này như dấu hiệu nhắc nhở về sức mạnh của thiên nhiên và về những điều Hà Nội đã phải trải qua.
Sau bão, theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn có hơn 40.000 cây xanh gãy, đổ, trong đó có nhiều cổ thụ, cây quý hiếm. Hơn 11.000 cây xanh đô thị (cây trồng trên hè, phố, đảo giao thông, dải phân cách, nơi công cộng khác...) do thành phố quản lý bị bật gốc.
Với số lượng khoảng 4 vạn cây bị gãy, đổ, con số này thực sự không hề nhỏ. Từng là một Hà Nội rợp bóng cây xanh, nơi người dân có thể tránh cái nắng hè oi ả dưới những hàng cây cổ thụ đan xen như mái vòm tại các tuyến phố như Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Phùng, đường Láng. Hay là một Hà Nội vào thu thật đẹp với bầu trời xanh, không khí mát mẻ, thoáng đãng cùng với hàng cây chuyển màu từ xanh sang vàng dần, những chiếc lá vàng rơi cũng làm cho góc phố trở nên lãng mạn.
Thế nhưng giờ đây, Hà Nội trông đìu hiu một cách lạ lùng. Sự đìu hiu không phải do ít người qua lại hay phố xá vắng vẻ, mà bởi vì nhiều mảng xanh đã không còn nữa. Chỉ cần dạo quanh những tuyến phố, người dân Thủ đô có thể thấy ngay sự khác biệt so với ngày Hà Nội chưa bão, cảnh quan quen thuộc là thế nhưng dường như bị xáo trộn, để lại nỗi buồn và sự trống trải trong lòng mỗi người dân.
Anh Minh Trí (SN 1987, Hà Nội) cảm thấy hụt hẫng khi đi qua những con phố quen thuộc giờ không còn bóng dáng của những hàng cây. “Trên tuyến đường tôi đi làm hàng ngày, hình ảnh những “cụ” cây sưa, cây sấu rợp bóng không biết từ bao giờ đã in sâu vào trong tiềm thức của tôi. Giống như một hình ảnh ngày nào cũng phải nhìn qua, ngắm nghía, giờ đây, khi chỉ còn lại những gốc cây chơ vơ, tôi cảm thấy thật trống trải. Hà Nội và cả tôi cứ ngỡ như đã mất đi một phần hồn của mình”, anh Minh Trí chia sẻ.
Quả thật, đối với người dân Thủ đô, những cây xanh không chỉ đơn thuần là một phần của cảnh quan đô thị hay mang lại bóng mát, mà còn là những nhân chứng của thời gian, của lịch sử. Chúng gắn liền với những năm tháng hào hùng của “Thăng Long - Ngàn năm văn hiến” và chứa đựng biết bao kỷ niệm thân thiết của người Hà thành qua nhiều thế hệ. Khi nhìn những cây xanh bật gốc, nằm la liệt, nhiều người không khỏi cảm thấy tiếc nuối và xót xa, vì những cây đó chứa đựng biết bao ký ức, kỷ niệm khó phai.
Chưa kể, những hàng cây còn đóng vai trò như những bức tường tự nhiên, bảo vệ nhà cửa và cơ sở hạ tầng trước sức tàn phá của thiên nhiên. Theo bà Đỗ Thị Thanh Huyền - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia, hơn 40.000 cây xanh tại Hà Nội và hàng trăm nghìn cây xanh ở các tỉnh miền Bắc đã đóng vai trò quan trọng trong việc chắn gió và giảm thiệt hại khi siêu bão ập đến.
Sự thiếu hụt cây xanh này đồng nghĩa với việc Hà Nội đã đánh mất một phần lá chắn tự nhiên, giúp bảo vệ thành phố khỏi những cơn giông bão, nắng nóng, khói bụi và tiếng ồn. Hệ quả của sự mất mát này còn tác động nghiêm trọng đến môi trường sống của nhiều loài sinh vật, làm suy yếu chức năng sinh thái của các mảng xanh đô thị, từ đó giảm khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cơn bão số 3 gây thiệt hại lớn chưa từng có cho cây xanh tại Hà Nội, với số lượng khoảng 40.000 cây bị gãy, đổ. (Ảnh: PV) |
Trong bối cảnh đô thị hóa đang ngày càng phát triển, việc bảo vệ hệ thống cây xanh không chỉ giúp thành phố Hà Nội thêm phần mỹ quan mà còn có tác động trực tiếp đến sức khỏe và tinh thần của người dân. Hơn nữa, cây xanh còn là công cụ tự nhiên giúp lọc không khí, loại bỏ các chất ô nhiễm, bụi bẩn và cung cấp oxy. Tuy nhiên, theo bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Hà Nội cần ít nhất 10 năm, thậm chí rất lâu để phục hồi cây xanh như trước bão và có những cây quý đã mất thì không thể khôi phục.
Phủ lại màu xanh đặc trưng cho Hà Nội
Cây xanh luôn giữ vai trò quan trọng, được ví như những “lá phổi” của thành phố. Chính vì vậy, trước những thiệt hại nặng nề về cây xanh, lãnh đạo Hà Nội khi chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả của bão đều nhấn mạnh phải cứu cây, nhất là những cây cổ thụ, cây cần bảo tồn, cây quý hiếm.
Sau cơn bão số 3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài tại buổi đi thị sát, kiểm tra các địa phương bị ảnh hưởng sau bão đã lưu ý các đơn vị, địa phương đối với cây xanh gãy, đổ, cây nào cứu được phải hết sức cứu, phải dựng lại để chăm sóc, bất đắc dĩ mới phải cưa bỏ, vì trồng được một cây không dễ và mất rất nhiều thời gian.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh ngay sau đó cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan kiểm tra, đánh giá để chống dựng, trồng lại ngay các cây xanh cần bảo tồn, các cây quý hiếm có giá trị bị nghiêng đổ, bảo đảm cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển (nếu có thể) hoặc di chuyển về vườn ươm để chăm sóc rồi trồng lại vào vị trí phù hợp trên địa bàn.
Chia sẻ về nỗ lực phục hồi cây xanh tại TP Hà Nội, ông Nguyễn Thế Công - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, theo thống kê sơ bộ, bão đã làm khoảng 11.000 cây xanh đô thị thuộc quản lý của Sở Xây dựng bị đổ, bật gốc và hơn 3.000 cây khác bị gãy cành. Trong số đó, thành phố dự kiến có thể “cứu” được từ 3.500 đến 4.000 cây, bao gồm hơn 100 cây quý hiếm, di sản và cây cổ thụ.
Đặc biệt, có 9 cây sưa đỏ quý giá và 94 cây di sản như sanh, si, đa, đề nằm ở các khu vực như đền Bà Kiệu và hồ Gươm, cùng các khu di tích lịch sử, văn hóa khác. Đến nay, Hà Nội đã trồng lại khoảng 80% số cây này, tất cả đều được thực hiện theo quy trình an toàn theo các bước tái thiết cây xanh của nông nghiệp.
Về kế hoạch tái thiết cây xanh đô thị trên địa bàn TP Hà Nội, nói cách khác là chuyện trồng những loại cây nào thay thế cho những cây to đã bị đổ không thể trồng lại, ông Nguyễn Thế Công cho biết, sau bão số 3, Thành ủy và UBND TP đã chỉ đạo Sở Xây dựng tiến hành rà soát và đánh giá lại các loại cây, vị trí trồng, điều kiện thổ nhưỡng cũng như không gian phát triển cho cây xanh.
Trong thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tổ chức hội thảo, mời các nhà khoa học và chuyên gia nghiên cứu về cây xanh đô thị để xin ý kiến và lập báo cáo tổng quát về việc trồng cây xanh trên địa bàn. Việc này sẽ xem xét từ chủng loại cây cho đến các vị trí trồng, bởi theo thời gian, sự phát triển của thành phố và xã hội đã tác động đến các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, làm thay đổi kích thước của vỉa hè, không gian trồng cây.
Ví dụ nếu kích thước vỉa hè đủ điều kiện thì mới đề xuất trồng cây hoặc trong trường hợp cây trồng ở vỉa hè hay cây trồng ở dải phân cách cũng phải xác định rõ chứ không thể lẫn lộn. Hiện trạng cho thấy có những vỉa hè rất nhỏ nhưng cây lại rất lớn, như thế mục đích vỉa hè không còn nữa vì vỉa hè là dành cho người đi bộ, giao thông cho người đi bộ và trên đó để chúng ta bố trí các hạ tầng kỹ thuật khác.
Để có được một cây xanh tỏa bóng mát, mất rất nhiều thời gian, có khi chục năm, thậm chí cả trăm năm, do đó việc hàng loạt cây xanh bị đổ trong cơn bão số 3 vừa qua để lại nỗi tiếc nuối lớn cho người dân Hà Nội. Tuy nhiên, đây cũng là một lời nhắc nhở, thiên tai vẫn còn hiện hữu, để không còn cảnh hàng loạt cây xanh gãy, đổ, trong thời gian tới TP Hà Nội cần xây dựng một chiến lược trồng cây xanh bền vững, đảm bảo vừa mang lại bóng mát, vừa có khả năng chịu đựng gió bão.