Theo kế hoạch, trong năm 2023, Hà Nội sẽ trồng bổ sung, thay thế cây bóng mát vào những vị trí cây chết, hố trống, cây cong, sâu, nguy hiểm, già cỗi, kém phát triển, cây không thuộc danh mục cây đô thị trên một số tuyến phố và trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện; đầu tư cải tạo xây dựng các vườn hoa, sân chơi, công viên; trồng cây mảng, khóm tạo cảnh quan tại các tuyến phố trên địa bàn các quận; trồng cây tạo dải xanh, cải tạo môi trường tại các trục quốc lộ, tỉnh lộ, vùng ảnh hưởng bán kính 500m khu xử lý rác thải Xuân Sơn.
Hà Nội cũng sẽ trồng cây xanh thuộc phạm vi các dự án xây dựng do Thành phố đầu tư và 13 dự án đầu tư xây dựng; đường giao thông thuộc Đề án Đầu tư xây dựng huyện thành quận đến năm 2025 đối với 5 huyện: Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng; trồng cây xanh thuộc dự án đầu tư công viên: Công viên khu đô thị tây Nam Hà Nội; Công viên Chu Văn An (giai đoạn 2).
Việc trồng mới 500.000 cây xanh đô thị sẽ làm cơ sở để các sở, ban, ngành TP Hà Nội, chính quyền các cấp phối hợp với các đơn vị được giao nhiệm vụ duy tu, duy trì, trồng mới cây xanh trên địa bàn Thành phố.
Đồng thời, mục đích kế hoạch đề ra là nghiên cứu xây dựng các giải pháp phát triển hệ thống cây xanh đô thị đồng bộ với quy hoạch, phù hợp với đặc điểm của không gian khu vực, đáp ứng yêu cầu mỹ quan đô thị; phát triển hệ thống cây xanh đô thị đa dạng phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng khí hậu của Thủ đô, tạo điểm nhấn đặc trưng phù hợp với cảnh quan kiến trúc; cây trồng mới an toàn trong mùa mưa bão, tiết giảm chi phí duy tu, duy trì cây xanh làm cơ sở nhân rộng trên toàn địa bàn Thành phố.