Chuyện về những tán cây lâu đời tại Hà Nội

Cây đại thụ bị bật gốc tại khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ khiến nhiều người tiếc nuối. (Ảnh: Linh Chi)
Cây đại thụ bị bật gốc tại khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ khiến nhiều người tiếc nuối. (Ảnh: Linh Chi)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước những tổn thất nặng nề từ cơn bão, những gốc cây đẹp và cao tuổi nhất của Hà Nội đã bị quật ngã. Những hàng cây từng là biểu tượng của sự sống và vẻ đẹp của thành phố giờ đây chỉ còn sống lại trong ký ức của những người từng sinh ra, lớn lên và gắn bó với Thủ đô.

“Ngày tạm biệt” hàng vạn cây xanh

Tuần vừa rồi, sau khi cơn bão số 3 (bão Yagi) càn quét qua các tỉnh khu vực miền Bắc, những thông tin thiệt hại nặng nề về người và của không khỏi khiến người dân cảm thấy xót xa. Cơn bão đã gây ra mưa lớn và gió mạnh làm nhiều nhà cửa và cơ sở hạ tầng bị hư hại nghiêm trọng. Hàng trăm hộ gia đình bị mất mát lớn, cuộc sống của người dân bị đảo lộn.

TP Hà Nội, một trong những địa phương chịu ảnh hưởng của bão, tuy so với một số địa phương khác như Quảng Ninh, Hải Phòng, thiệt hại không nặng nề bằng, nhưng đứng trước khung cảnh tan hoang của đường phố, nhiều người dân đã không còn nhận ra Thủ đô xinh đẹp của mình. Đặc biệt, hình ảnh nhiều cây xanh, bao gồm cả những cây lớn đã tồn tại trăm năm, bị gãy đổ trên các tuyến phố đã khiến không ít trái tim tiếc nuối.

Là một trong những biểu tượng nổi tiếng khi nhắc đến Hà Nội, cùng với 36 phố phường, hồ Gươm, hồ Tây, không thể không kể đến những cây cổ thụ. Những năm qua, cây cổ thụ ở Hà Nội đang ít dần và càng trở nên quý hiếm, vì vậy một số cây đa, cây đề hàng chục, hàng trăm năm tuổi đều được chính quyền, người dân bảo vệ, tươi tốt. Thế nhưng, sau cơn bão, nhiều “cụ cây” đã không còn trụ vững, việc phải chứng kiến và nói lời tạm biệt với những bóng cổ thụ đã gắn liền với bao thế hệ, nhiều người dân không khỏi bùi ngùi, xót xa.

Phố Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm) có cây đa cổ thụ ước chừng hàng trăm năm tuổi tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, là một trong những biểu tượng bên hồ Gươm tuyệt đẹp. Thế nhưng, sau cơn bão số 3, cây cổ thụ từng hiên ngang vững chãi đã bị gió bão quật ngã, trên thân cây lộ rõ những vết rách dài. Chứng kiến một dấu ấn lịch sử đã không còn, nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối và tự hỏi không biết bao giờ Hà Nội lại có những cây xanh cổ thụ thế này.

Đi lên một đoạn, cây đa phía sau đền Bà Kiệu (mặt phố Lò Sũ, Hoàn Kiếm) cũng đã bị bật gốc trước sức gió khủng khiếp. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cảm thấy rất đáng tiếc, với ông đây là một trong những địa điểm đẹp và linh thiêng bậc nhất tại trung tâm Hà Nội, bởi nơi này còn có các di tích tượng đài quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, Tháp Bút và đền Ngọc Sơn. Cây đổ còn gây thiệt hại đến công trình phụ trợ, nhà xung quanh ngôi đền, may mắn cấu trúc chính của di tích đền Bà Kiệu không bị ảnh hưởng.

Cùng với đó, cây cối xung quanh hồ Gươm cũng đổ ngã hàng loạt. Trong khu phố cổ, bên cạnh một số ngôi nhà bị hư hại, nghiêng ngả, một cây đại thụ nằm ở góc phố Hàng Cá giao với phố Chả Cá đã bị quật ngã, đổ sập xuống một phần của ngôi nhà cổ. Trước khi bị thiên tai tàn phá, nơi đây là một địa điểm “check-in” nổi tiếng với giới trẻ Hà Nội với hàng bánh mì lâu đời nằm trên vỉa hè.

Tương tự, dù được mệnh danh là một trong những con đường đẹp nhất, lãng mạn nhất Hà Nội, thu hút hàng nghìn lượt khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh bốn mùa nhưng con phố Phan Đình Phùng (Ba Đình) cũng không thoát khỏi cảnh hàng loạt cây xanh đổ rạp, đặc biệt là đoạn trước di tích Cửa Bắc. Chung cảnh ngộ, hai trong ba cây sưa đầu phố Tôn Thất Đàm (Ba Đình) cũng bị gãy đổ sau bão. Với tên gọi mỹ miều “những cây hoa sưa đẹp nhất Việt Nam”, đây là góc ba cây sưa trước trụ sở Bộ Ngoại giao và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là điểm “check-in” đẹp mỗi mùa hoa nở.

Theo thống kê của TP Hà Nội, sau khi càn quét qua, bão số 3 đã khiến gần 25.000 cây xanh ở thành phố bị gãy đổ. Chỉ mới ngày nào, đường phố Hà Nội còn rợp bóng cây xanh, tạo nên vẻ đẹp nên thơ và trữ tình. Giờ đây, hình ảnh hoang tàn với hàng chục nghìn cây bị đổ gãy đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của Thủ đô, đồng thời gây nên sự xáo trộn trong lòng người dân, những người đã quen thuộc với vẻ đẹp xanh mướt của thành phố mình.

Nơi lưu giữ ký ức của bao thế hệ

Có thể nói, người Hà Nội lớn lên dưới bóng mát của những cây xanh lâu đời. Những hàng cây cũng vì thế được các nghệ sĩ khai thác từ lâu trong các tác phẩm nghệ thuật của họ. Những dãy xà cừ trên phố Láng, ba hàng sấu trên phố Phan Đình Phùng, cây gạo cổ thụ, cây lộc vừng lá đỏ bên hồ Gươm và dãy phượng trên đường Thanh Niên đều đã trở thành những hình ảnh quen thuộc, ghi dấu ấn trong thơ ca, nhạc họa, cũng như trong trái tim của nhiều thế hệ người Hà Nội.

Ấy thế mà, giờ đây người dân Hà Nội phải chấp nhận cảnh tượng đau lòng khi những tán cây lâu đời bị tàn phá nặng nề bởi cơn bão số 3. Trong 25.000 cây xanh gãy đổ, có những cây không đơn thuần để trang trí cho thành phố thêm đẹp hay mang lại bóng mát cho người dân, với người Hà Nội, mỗi cây còn gắn liền với nhiều kỷ niệm, cuộc đời của biết bao người và đôi khi là những dấu mốc quan trọng của thành phố.

Một tuần nay, cư dân gần Nhà thờ Lớn, quận Hoàn Kiếm và người dân Thủ đô nói chung vẫn chưa quen với sự trống trải lạ lẫm khi những cây cổ thụ, vốn đã là phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của họ, giờ đây nằm ngổn ngang, bầm giập và bật gốc. Người dân sinh sống tại phố Nhà Thờ cho biết họ có rất nhiều kỷ niệm với cây, ngày bé có người đã từng chơi đu, chơi trốn tìm ở cây. Do đó, sau trận bão số 3, nhiều người bàng hoàng khi sáng dậy thấy cây đổ.

Không chỉ là hàng cây xanh gắn bó với tuổi thơ của nhiều người, đây còn từng là hai gốc cây được người dân, du khách yêu thích tới chụp ảnh, “check-in”. Được đánh giá là một trong số những địa điểm chụp ảnh đẹp nhất khi Hà Nội vào thu, cùng với kiến trúc Pháp cổ kính của Nhà thờ Lớn, những tán lá, rễ cây cổ thụ sum suê giúp khung cảnh nơi đây trở nên thơ mộng, lãng mạn. Đặc biệt, vào những buổi sáng sớm hoặc chiều tà, ánh nắng chiếu qua những ô cửa kính màu sắc của nhà thờ tạo nên khung cảnh lung linh và huyền ảo.

Sau gần 100 năm tồn tại, giờ đây cây cổ thụ trước Nhà thờ Lớn đã bị cơn bão “quật ngã”. Hà Nội giờ đây đã mất đi một biểu tượng quen thuộc, một điểm hẹn gắn bó với nhiều thế hệ. Người trẻ, người già chỉ còn có thể nhớ về nó qua những câu chuyện. Từ nay, trong những bức hình về Thủ đô ngàn năm, sẽ không còn thấy hình bóng cây cổ thụ ấy, cũng như những hình ảnh của tán cây cổ thụ rủ xuống mặt đường chỉ còn trong những bức hình kỷ niệm.

Cây cổ thụ trước Nhà thờ Lớn chỉ còn trong những bức hình kỷ niệm. (Ảnh: Đào Huỳnh)

Cây cổ thụ trước Nhà thờ Lớn chỉ còn trong những bức hình kỷ niệm. (Ảnh: Đào Huỳnh)

Bên cạnh câu chuyện về cây cổ thụ ở Nhà thờ Lớn, những ngày qua, cư dân mạng cũng truyền tay nhau bức ảnh hai ông bà chụp trước một cây đa đổ chắn ngang đường, cùng với câu chuyện cảm động ẩn sau đó. Toạ lạc ở ngay đầu phố Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm), cây đa to, xù xì với những gốc rễ to lớn đã bị quật ngã sau những trận gió khốc liệt của cơn bão. Được biết, cây đa có cái tên đặc biệt là “cây đa ông Cường Vante” và cũng là cây đa gắn với kỷ niệm của gia đình chị Kiều Trang - chủ nhân bức ảnh.

Theo chị Kiều Trang, vào năm 1972, cây đa này được trồng bởi chính tay bố chị, ông Nguyễn Xuân Cường (sinh năm 1940), như một món quà sinh nhật tặng vợ. Tên gọi “cây đa ông Cường Vante” mà người dân phố Phùng Hưng dùng để gọi xuất phát từ biệt danh ông Cường trong thời trẻ. Đến nay, cây đa đã được 52 năm tuổi. Không chỉ mang ý nghĩa đặc biệt đối với gia đình chị Kiều Trang, cây đa còn gắn bó với nhiều cư dân quanh phố Phùng Hưng, chứng kiến biết bao câu chuyện vui buồn và các hoạt động sinh hoạt từ năm 1972 đến nay.

Khi hay tin cây đa đã bị đổ, chị Kiều Trang chia sẻ rằng cả gia đình chị đều rất buồn. Mẹ chị đã gọi điện thông báo cho từng nhà rằng cây đa của bố chị đã bị quật ngã. Ngay sau khi bão qua và mưa ngớt, chị đã đưa ông bà về thăm và tạm biệt cây đa lần cuối. Các anh chị và các cháu trong gia đình chị Kiều Trang còn thu lượm những cành đa ra quả và những chiếc lá xanh, mang về để ép và lưu giữ như một phần kỷ niệm quý giá. Qua bao nhiêu năm cây đa đứng vậy, chứng kiến sự lớn lên của các thế hệ trong gia đình, lần đầu tiên gia đình có dịp chiêm ngưỡng toàn bộ tán cây khi nó nằm ngang đường, thay vì chỉ nhìn từ dưới gốc lên như trước đây.

Sau cơn bão, người Hà Nội đều cảm thấy tiếc nuối cho những cây xanh đã mất. Dẫu biết đây là một mất mát khó lòng nguôi ngoai, nhưng đó không phải là kết thúc. Chúng ta sẽ bắt đầu trồng những cây mới để thay thế những cây đã mất và rồi những cây xanh mới này sẽ dần trưởng thành, tỏa bóng mát và trở thành biểu tượng mới cho các thế hệ mai sau.

Đọc thêm

Không khí lạnh tăng cường yếu, gây gió mạnh trên các vùng biển

Không khí lạnh tăng cường yếu, gây gió mạnh trên các vùng biển
(PLVN) - Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, đêm 18 và ngày 19/12, không khí lạnh tiếp tục tăng cường yếu xuống phía Nam, gây gió mạnh trên các vùng biển. Trên đất liền, khu vực miền Bắc duy trì hình thái thời tiết đêm không mưa, sáng sớm có nơi có sương mù nhẹ, ngày nắng.

Công an khuyến cáo biện pháp phòng cháy, nổ khi thắp hương tại nhà

Lực lượng PCCC nhắc nhở và hướng dẫn người dân các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC khi thắp hương thờ cúng.
(PLVN) - Trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua xảy ra nhiều vụ cháy mà nguyên nhân là do chập điện bóng đèn trên bàn thờ hoặc do khi thắp hương thờ cúng. Do đó,  Công an thành phố khuyến cáo một số biện pháp đảm bảo an toàn PCCC khi thắp hương thờ cúng tại gia đình.

Hà Nội thí điểm thực hiện vùng phát thải thấp: Giảm ô nhiễm không khí mang đến nhiều lợi ích

Quận Hoàn Kiếm dự kiến chọn khu vực không gian đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận, khu vực phố cổ để thí điểm vùng LEZ. (Ảnh minh họa: PV)
(PLVN) - Ngày 12/12, tại Kỳ họp thứ 20, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp (LEZ) trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, từ năm 2025 đến năm 2030 sẽ thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và Ba Đình.

Bãi biển đẹp nhất Quảng Ngãi bị sạt lở, uy hiếp đường giao thông

Bãi biển đẹp nhất Quảng Ngãi bị sạt lở, uy hiếp đường giao thông
(PLVN) - Bờ biển Mỹ Khê (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) được xem là bãi biển đẹp nhất tỉnh nhưng đang bị nước biển xâm thực, sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sản xuất của người dân. Sạt lở bờ biển cũng uy hiếp các công trình hạ tầng đường giao thông, dầu khí, đồn biên phòng…