Với hơn 1.200 lễ hội, tập trung chủ yếu vào những tháng đầu năm, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2020, các địa phương trên địa bàn Hà Nội chỉ tổ chức được 139 lễ hội.
Tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp nên mùa lễ hội năm 2021, yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu, các địa phương cũng xây dựng nhiều kịch bản để ứng phó.
Coi trọng yếu tố an toàn
Đến gần cuối tháng 1/2021, hầu hết các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị tổ chức lễ hội năm 2021, nhất là các địa phương có những lễ hội lớn.
Tại huyện Mỹ Đức, nơi có lễ hội chùa Hương, một trong những lễ hội lớn nhất cả nước, bên cạnh việc tuyên truyền bảo đảm văn minh lễ hội, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông... huyện đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh thông qua các biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân, sẵn sàng lực lượng giám sát công tác phòng, chống dịch.
Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng ban Quản lý di tích-danh thắng Hương Sơn (BQL) cho biết, lễ hội chùa Hương năm nay diễn ra với nhiều nét mới, trong đó công tác tuyên truyền vận động nêu cao ý thức phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được tổ chức trong suốt quá trình tổ chức lễ hội.
BQL đã cho lắp dựng hơn 40 bảng biển về nội dung ngăn ngừa dịch, thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế để khách thập phương ý thức hơn trong phòng, chống dịch.
Cùng với đó, BQL cũng tăng thời lượng tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh trong khu vực lễ hội, khu vực các trục giao thông chính, bến Đục, bến Trò, suối Yến... để nhắc nhở người dân về nhiệm vụ phòng dịch. Hoạt động thanh, kiểm tra cũng được tăng cường để kịp thời xử lý những vi phạm, trong đó, du khách không chấp hành các khuyến cáo của Ban Quản lý sẽ không được vào khu vực tổ chức lễ hội.
Các địa phương có các lễ hội lớn khác như huyện Sóc Sơn (lễ hội Gióng), huyện Mê Linh (lễ hội đền Hai Bà Trưng), huyện Đông Anh (lễ hội đền Cổ Loa), quận Đống Đa (lễ hội Gò Đống Đa)... đều chuẩn bị kỹ kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm và đặc biệt là các phương án phòng, chống dịch Covid-19 như phun khử khuẩn, bố trí nước sát khuẩn ở khu vực dễ thấy, yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi vào không gian lễ hội.
Với những trường hợp không đeo khẩu trang, Ban tổ chức không cho vào khu vực lễ hội. Việc phòng chống dịch trong lễ hội phải làm tốt ngay từ đầu để người dân nâng cao ý thức.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội cụ thể, bảo đảm hài hòa giữa nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân và các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.
Với những lễ hội lớn phải có kế hoạch, xin ý kiến Sở Văn hóa và Thể thao và các cơ quan liên quan; tất cả các xã, phường phải có kế hoạch tổ chức lễ hội trình UBND quận, huyện, thị xã xem xét và chỉ cho phép tổ chức lễ hội khi bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Nếu dịch bệnh xuất hiện trong cộng đồng, TP Hà Nội sẽ có chỉ đạo trực tiếp công tác tổ chức lễ hội phù hợp với tình hình.
Giảm quy mô lễ hội, xây dựng các kịch bản ứng phó
Trước bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, TP Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã xem xét giảm thời gian, quy mô tổ chức lễ hội.
Nhiều địa phương cũng ý thức cao vấn đề này, chủ trương tổ chức phần lễ bảo đảm các nghi thức truyền thống; phần hội sẽ giảm quy mô tùy theo tình hình, đồng thời xây dựng nhiều kịch bản tổ chức để ứng phó với dịch bệnh.
Lễ hội Chùa Hương năm nay hướng đến chủ đề “Điểm đến an toàn, văn minh và thân thiện”. Kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội đã được ban hành từ cuối năm 2020, hướng tới việc bảo đảm văn minh lễ hội, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông, an toàn phòng, chống dịch bệnh...
UBND huyện Mỹ Đức xây dựng hai kịch bản tổ chức lễ hội chùa Hương. Nếu không có dịch bệnh trong cộng đồng, huyện sẽ tổ chức lễ hội bình thường, nếu có dịch bệnh sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám, huyện thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Hà Nội công tác phòng, chống dịch trong tổ chức lễ hội.
Với 98 lễ hội lớn nhỏ trên địa bàn, huyện có văn bản chỉ đạo công tác tổ chức lễ hội, đặc biệt không khuyến khích tổ chức lễ hội quy mô lớn. Bên cạnh việc đảm bảo tổ chức phần lễ, huyện xây dựng hai phương án phần hội. Đó là sẵn sàng giảm tối đa phần hội nếu có dịch bệnh, nếu không có dịch thì tổ chức bình thường.
Trên địa bàn huyện Mê Linh cũng có 59 lễ hội, trong đó lễ hội đền Hai Bà Trưng là lễ hội lớn, thu hút hàng vạn khách thập phương tham dự.
Theo lãnh đạo huyện Mê Linh, ngoài việc tuyên truyền người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh khi đến lễ hội, chuẩn bị nước sát khuẩn, yêu cầu người dân đeo khẩu trang mới được vào lễ hội, huyện cũng tính đến việc nhiều biện pháp khác để đảm bảo phòng, chống dịch. Đó là tiết giảm quy mô lễ hội, chỉ tập trung vào phần lễ để bảo đảm đời sống tâm linh của nhân dân.
Với các lễ hội khác, đa phần đều có kịch bản cho các tình huống diễn ra và thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch trong thời gian trước, trong và sau lễ hội. Ngoại trừ lễ hội chùa Hương diễn ra trong thời gian dài, các lễ hội khác hầu hết kéo dài từ 3-5 ngày, song lại tập trung một số lượng lớn du khách.
Nếu công tác phòng, chống dịch không đảm bảo, trường hợp nếu có bất trắc xảy ra thì hậu quả sẽ rất nặng nề. Giảm quy mô, xây dựng kịch bản ứng phó cũng là cách tốt nhất để hạn chế quá đông người tham gia và chủ động trong công tác tổ chức lễ hội.
Dù vậy, phần lễ vẫn diễn ra trang trọng, đầy đủ nghi lễ; việc cắt giảm nếu có thực hiện chỉ diễn ra ở phần hội. Năm mới Tân Sửu 2021 sắp đến, các lễ hội sẽ chính thức diễn ra và mọi người vẫn hy vọng sẽ là một mùa lễ hội an toàn, lành mạnh.