“Cha tôi thọ 97 tuổi, tôi cho rằng cụ sống thọ vì có cuộc sống rất điều độ”, GS Nguyễn Lân Việt chia sẻ khi được hỏi về bí quyết chăm sóc sức khỏe của gia đình. Đây là một trong những cách để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp, căn bệnh ngày càng gia tăng tại Việt Nam, là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ não, suy tim.
“Cụ ăn thịt nạc, không ăn thịt mỡ, cứ buổi chiều - bữa tối là cụ ăn cháo để cho nhẹ bụng. Buổi sáng cụ dậy rất sớm, lúc 4h30 sáng và xoa bóp toàn thân, từ giữa ra, từ trên xuống dưới khoảng 1 tiếng đồng hồ, sau đó cụ chạy quanh sân tập thể Kim Liên. Đặc biệt là cụ còn tự rèn luyện đi vệ sinh nặng 2 lần/ngày. Cụ còn rèn luyện ngày nào cũng tắm nước lạnh, cả mùa đông lẫn mùa hè, cách tắm của cụ là từ dưới lên trên”, GS Việt nói.
Ngoài ra, về tinh thần thì Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho biết bố mình có cuộc sống tinh thần luôn lạc quan, luôn luôn bằng lòng với những gì mình có. Chẳng hạn cái bàn, cái giường ở nhà dùng bao nhiêu năm, khi mọi người còn muốn thay mới thì cụ bảo cái bàn tốt thế này sao phải thay. Điều này giúp cho tinh thần của cụ luôn thoải mái, không có stress, không có bức xúc. Ngay cả anh em ở trong nhà nói chuyện nhỏ nhỏ với nhau, cố GS Nguyễn Lân cũng nhắc nhở, tại sao lại nói thầm, nói thầm là không tốt, nói thầm tức là không thẳng thắn rồi.
“Có lẽ cụ sống thẳng thắn, thanh thản, bằng lòng với những gì mình cùng với việc tập thể dục đều đặn, hợp lý nên giúp cụ sống khỏe ở giai đoạn cuối đời”, GS.TS Nguyễn Lân Việt nhấn mạnh. Cũng theo ông, đây là những bí quyết quan trọng trong việc để phòng chống bệnh tăng huyết áp, dẫn đến biến chứng đột quỵ não, đột quỵ tim... Tại Việt Nam, năm 2000 có khoảng 16,3% người lớn bị tăng huyết áp, đến năm 2009, tỉ lệ tăng huyết áp ở người lớn là 25,4% và năm 2016 tỉ lệ người này đang ở mức báo động là trên 40%.
Đặc biệt, GS Việt khuyến cáo với người huyết thấp cũng có thể bị tăng huyết áp chứ không phải lúc nào cũng thấp mãi. Bởi vì, khi về già chức năng của các bộ phận đều giảm, trong đó có các mạch máu, khi mạch máu bị xơ cứng khiến sức cản bề mặt tăng thì huyết áp tăng. Do đó không nên chủ quan khi thấy mình huyết áp thấp vì có thể huyết áp sẽ tăng vọt bất cứ lúc nào. Các yếu tố để làm huyết áp tăng là thay đổi thời tiết đột ngột, đang nóng ra lạnh, đang lạnh vào chỗ nóng hoặc những lúc đang bị stress nặng, làm tăng cholesterol trong máu cũng làm huyết áp tăng; hoặc làm những hoạt động gắng sức.
Với trẻ em, nhất là chứng béo phì ở trẻ em, lúc đầu chưa làm tăng huyết áp nhưng sau này sẽ dẫn đến hội chứng chuyển hóa là tăng huyết áp, béo bụng, rối loạn dung nạp đường, rối loạn lipid máu... Hội chứng chuyển hóa còn gây ra xơ cứng mạch máu, và gây ra nhiều biến chứng liên quan đến tim mạch. Yếu tố làm tăng huyết áp còn liên quan đến bệnh lý như viêm cầu thận, viêm amidan, hẹp eo động mạch chủ...
Cũng theo Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, việc điều trị bệnh tăng huyết áp ở Việt Nam đang phải đối mặt với ba nghịch lý: bệnh dễ phát hiện (bằng cách đo huyết áp đơn giản) nhưng thường bị bỏ sót; Bệnh dễ điều trị nhưng thường người bệnh không được điều trị (trên 50% bệnh nhân phát hiện bệnh không được điều trị); có nhiều thuốc và tiến bộ hiệu quả trong điều trị nhưng đa số bệnh nhân không khống chế được huyết áp yêu cầu (không đạt đích điều trị).
Do đó, cần phải có “thái độ” tốt để phòng ngừa bệnh bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, giảm muối trong khẩu phần ăn, ăn nhiều rau quả, tăng cường tập thể lực, duy trì cân nặng phù hợp, giảm tiêu thụ rượu bia... Với người bị bệnh tăng huyết áp cũng chỉ nên đo 2 lần/ngày vào 2 giờ nhất định, không nên đo quá nhiều (có người đo 10 - 20 lần/ngày) dẫn đến việc căng thẳng, stress.