Áo dài, áo bà ba quay về đời sống
Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của bộ phim “Cô ba Sài Gòn” đến thẩm mỹ về áo dài của phụ nữ Việt thời gian qua. Từ hai, ba năm nay, áo dài đang bắt đầu quay trở lại với đời sống thường nhật của người Việt, với việc chiếc áo dài xuất hiện nhiều hơn trong các dịp lễ, Tết, thay thế cho các bộ váy sang trọng. Tuy nhiên, cho đến Tết Nguyên đán 2017, những tranh cãi quanh chiếc áo dài, mặc thế nào cho đẹp vẫn nổ ra. Áo dài cách tân đi kèm váy đụp đã gây ra một cuộc tranh luận nhiều chiều với các luồng ý kiến, và sau đó thì thiên về chỉ trích.
Với sự thành công của tác phẩm điện ảnh “Cô ba Sài Gòn” công chiếu vào tháng 11 vừa qua (doanh thu hơn 60 tỉ đồng), dường như vẻ đẹp thuần khiết của áo dài truyền thống càng được phát lộ. Những chiếc áo dài truyền thống xuất hiện trên phim rất đẹp, được lồng ghép những ý nghĩa, giá trị văn hoá truyền thống sâu sắc cùng lòng yêu áo dài say đắm, đồng thời tôn vinh vóc dáng người phụ nữ đã tạo ra một trào lưu “quay về truyền thống” với áo dài Việt dịp cuối năm nay. Và “cô ba Sài Gòn” trở thành câu ví cửa miệng của nhiều người khi hãnh diện khoác lên mình mẫu áo dài truyền thống. Có lẽ, Tết năm nay, kiểu áo dài “cô Ba Sài Gòn” cũng sẽ chính thức được lên ngôi, tạo nên nét đẹp trang phục của phụ nữ Việt.
“Cô Ba Sài Gòn” còn chưa hết sốt, điện ảnh Việt đã tiếp tục chào đón “Mẹ chồng” với trang phục xuyên suốt là chiếc áo bà ba thân thuộc gắn bó với người Việt Nam bộ xưa. Trang phục bà ba trong phim “Mẹ chồng” giữ lại hồn bà ba Việt, nhưng được cách tân một cách công phu bởi nhà thiết kế để trở nên bắt mắt, lộng lẫy và nhiều ẩn ý hơn (mỗi một kiểu áo biểu tượng cho tính cách, bản chất và ước vọng của mỗi nhân vật trong phim). Phim tuy không quá thành công về mặt doanh thu, nhưng đã giúp khán giả Việt gần như lần đầu ngỡ ngàng nhận ra áo bà ba Việt có thể khiến người phụ nữ trở nên xinh đẹp, duyên dáng đến thế. Hiện, áo bà ba cách tân cũng bắt đầu trở thành thời trang được yêu thích mùa Tết năm nay.
Phục dựng văn hoá truyền thống qua điện ảnh - bài toán khả thi
Không hẹn mà gặp, từ năm ngoái đến năm nay, liên tục các bộ phim về văn hoá truyền thống Việt ra mắt khán giả. Nếu “Sài Gòn - Anh yêu em” đem đến những góc nhìn dung dị về những con người Sài Gòn, về những con người luôn yêu mến và quyết tâm gìn giữ nghệ thuật cải lương, thì với “Dạ cổ hoài lang”, những nét văn hoá Việt xưa như hát đình hiện lên trong sự giao thoa với văn hoá hiện đại, và như thế, càng làm đậm nét vẻ đẹp truyền thống, đem đến cho người xem sự lưu luyến, tiếc nhớ và mong muốn gìn giữ vẻ đẹp thiêng liêng ấy.
Cùng thời gian với “Dạ cổ hoài lang” là phim “Lô tô”, lát cắt của một nét văn hoá bình dân đã đi sâu vào kí ức nhiều người Việt: những đoàn hội chợ, gánh hát với những “đào hát” trai giả gái, ăn mặc diêm dúa, xướng lên những câu hát từ tân đến cổ. Hình ảnh trang phục, nếp sống và văn hoá truyền thống Việt cũng xuất hiện trong rất nhiều phim điện ảnh gần đây như “Em là bà nội của anh”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cô gái đến từ hôm qua”... với cách ăn nói, đi đứng, hành xử, cách ăn mặc hay những mái đình làng, cây đa, nếp nhà và những phiên chợ quê…
Nhiều năm trước đây, không phải không có những bộ phim điện ảnh lồng ghép hoặc tái hiện văn hoá truyền thống, tuy nhiên, về mặt nghệ thuật có thể thành công nhưng đa phần lại thất bại về doanh thu. Nhiều người từng cho rằng, đưa các yếu tố văn hoá truyền thống lên phim là một bài toán nan giải, “bất khả thi”. Tuy nhiên, thực tế những bộ phim gần đây đã cho thấy, nếu làm phim một cách nghiêm túc, và biết khéo léo, uyển chuyển kết hợp giữa yếu tố truyền thống cùng thị hiếu người xem thì bài toán ấy sẽ trở nên khả thi, thậm chí rất hiệu quả.
Có thể nói, những bộ phim điện ảnh hoài cổ gần đây không chỉ đem đến cho người xem những góc nhìn điện ảnh mới mẻ, quan trọng là nó vừa tái hiện được một phần những giá trị văn hoá Việt, thông qua những thước phim đẹp, những thông điệp duyên dáng còn khiến người xem nói chung và giới trẻ nói riêng được khơi dậy niềm yêu thương, khát vọng gìn giữ, chấn hưng những giá trị văn hoá cổ truyền ấy.