Nói tới Trần Chánh Chiếu (1868 - 1919), với dân đất Nam Kỳ xưa, đó hẳn là niềm tự hào. Khi dẫu sau này được gọi là ông Tri phủ, hay Gilbert Chiếu, thì ông vẫn đứng chung chiến tuyến với họ, vì dòng giống máu đỏ da vàng. Tấm lòng của ông, xem qua “Việt Nam danh nhân từ điển” thì được biết: “Là người có nhiệt tâm, có chí hy sinh cao cả”.
Về phần bản quán, được biết ông có cha là Trần Thọ Cửu, hương chức làng, quê nơi đất Rạch Giá. Nhờ gia đình khá giả, nên lớn lên, Chiếu được đi học tại tỉnh rồi lên Sài Gòn theo trường Collège d’ Adran, sau làm thông ngôn cho quan tham biện chủ tỉnh. Ấy là ghi chép trong “Thiên Địa hội và cuộc Minh Tân” của nhà văn Sơn Nam.
Trước đó, khi đã học xong, có thời gian họ Trần đi dạy ở trường làng xã Vĩnh Thanh thuộc Rạch Giá, sau được thân hào nhân sĩ cử làm xã trưởng. Vốn dân Tây học, ông là một xã trưởng đặc biệt khi dùng dấu tròn chứ không dùng dấu hình quả trám như thông lệ.
Ông chủ báo làm cách mạng
Trong “Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945” cho biết vai trò của Gilbert Chiếu với một số tờ báo tên tuổi, có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế, văn hóa nước Việt buổi đầu thế kỷ XX. Tờ Nông cổ mín đàm tồn tại thời gian 1901 - 1924 với chủ nhân là Canavaggio, Chủ bút Lương Khắc Ninh, và sau Gilbert Chiếu. Dưới thời Gilbert Chiếu làm Chủ bút 1906 - 1907, nhà văn Sơn Nam cho rằng “trong hai năm nầy chắc chắn bài vở đầy sinh lực nhưng chúng tôi chưa sưu tầm được”. Trong “Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca”, Nguyễn Liên Phong đã ngợi ca ông khi làm báo là:
“Nối làm chủ bút nhựt trình,
Với ông huyện Trụ kinh dinh sắp bày.
Phò trì phong hóa rất hay,
Gọi là Nông Cổ tháng ngày công lao”.
Sau đó, ông Chiếu sang Lục tỉnh tân văn. Khi làm Chủ bút tờ Lục tỉnh tân văn, tờ này đã “hô hào dân chúng chống Pháp bằng những bài “Hợp quần giữa các đồng bang”, “Thượng bất chính hạ tắc loạn”, “Khuyến nông” … Trên báo Thời thế năm thứ nhất, số 5 năm 1940, khi nhìn lại hoạt động của ông, đã có dòng ghi: “cụ G. Trần Chánh cam giữ lấy tôn chỉ tờ L.T.T.V. mà làm cơ quan, mở mang Minh Tân Công Nghệ”.
Sách Tiền căn báo hậu được dịch với bút danh Kỳ Lân Các |
Gia nhập làng Tây, nhưng có vẻ như đó chỉ là bình phong để thuận tiện hơn trong hoạt động cách mạng. Theo “Việt Nam thời Pháp đô hộ” cho hay, ở đất Nam Kỳ, ông Phủ Chiếu chính là người điều khiển hoạt động tuyên truyền chống Pháp. Để có tài chính hỗ trợ hoạt động Duy Tân hội của cụ Phan Bội Châu và Kỳ Ngoại hầu Cường Để, ông lập nên Minh Tân Công nghệ xã và Nam Trung khách sạn tại Sài Gòn, Chợ Lớn, cùng với một khách sạn khác ở Mỹ Tho. Đây là cũng là địa điểm trú chân của các nhà cách mạng. Hoạt động của những cơ sở kinh tế này là phương tiện gây mối tài chính cho ông Chiếu giúp đỡ những đồng chí của mình, cũng như song song với đó, là việc đưa du học sinh người Việt ra nước ngoài du học. Ngay con ông Jules Tiết, sau cũng là một du học sinh, từng hoạt động với cụ Phan Bội Châu và Kỳ Ngoại hầu Cường Để.
Ông Đốc phủ vào nhà lao
Là người yêu nước, nên Trần Chánh Chiếu không chỉ ghét Tây, mà còn khinh bỉ ra mặt những tên tay sai bán nước, như Trần Bá Thọ. Bởi thế mà theo Nguyễn Bá Thế trong bài “Vị Đốc phủ sứ có quốc tịch Pháp nhưng không bán nước, bán dân” đăng trên báo Đuốc Nhà Nam ngày 20/8/1971, thì những kẻ theo chân Pháp rất căm thù ông, tìm mọi cách để trả thù.
Chúng dùng mọi thủ đoạn bỉ ổi để hòng làm cho Trần Chánh Chiếu phải vào tù mới hả. Bởi vậy không lạ khi Trần Bá Thọ tố cáo với Quyền Thống đốc Nam Kỳ Outrey rằng Gilbert Chiếu làm phản. Và để tăng thêm sức nặng, hắn nhờ tờ báo Cochinchine libérale của Jules Adrien Marx tố cáo rằng Minh Tân Công nghệ xã “là cơ sở kinh tài của nhóm Phủ Chiếu, là trụ sở mật của hội kín mưu đồ đánh đuổi Pháp”.
Tin lời tên tay sai kia, theo Nguyễn Thế Anh, chính quyền thực dân liền bắt giam ông vào tháng 4/1909 tại Sài Gòn, đưa về Mỹ Tho để khám xét. Tuy nhiên, đa phần các tài liệu cho rằng ông Chiếu bị bắt và giam hơn 7 tháng, từ cuối tháng 10/1908 đến khi thả ra là tháng 4/1909. Điều này phù hợp với các hồ sơ lưu trữ của người Pháp. Các cơ sở của ông bị chúng khám xét, hòng tìm những sổ sách có liên quan đến các cơ sở do ông sáng lập để có cớ buộc tội. GS. Nguyễn Thế Anh cho rằng “tổ chức của ông bị phá hủy khi ông bị bắt cùng 92 đồng chí”. Tuy nhiên đa phần được thả ra sau đó vì có quốc tịch Pháp cũng như nhà cầm quyền không có lý do thuyết phục để kết án. Mà bản thân ông lại là luật sư, nắm hết luật Tây trong tay. Cực chẳng đã, ngày 21/4/1909, chúng phải trả tự do cho ông.
Về vụ án năm 1909, hồ sơ của người Pháp cho ta biết ít nhiều. Về số người bị bắt, kể cả ông Chiếu, là 92 người. Theo hồ sơ vụ án với nhan đề tiếng Pháp là “Gilbert Chiếu et consorts, ordonnance de non lieu prise an cabinet d’instrution de Mỹ Tho (Conchinchine) le 21 du mois d’Avril 1909 par le juge d’instruction Delacroix, document joint aux inculopes”, thì rất nhiều chứng cứ cho thấy có sự liên đới của Trần Chánh Chiếu cả trước và sau vụ án với các phong trào yêu nước. Chẳng hạn hồ sơ này cho biết, thì ngày 7/10/1909, một bản dự thảo có liên quan đến Duy Tân hội được gửi đi và bắt được tại nhà Dương Minh Thanh, một cổ đông của ông Chiếu. Hoặc tư liệu hồ sơ cho thấy qua những khách sạn Minh Tân, Nam Trung, sách báo thì “Gilbert Chiếu vừa cho phổ biến những tư tưởng bài Pháp, vừa chuẩn bị khởi nghĩa bằng 5 phương thức khác nhau”.
Sách Thuật sự tích và lời huyền diệu của Bụt Gaudama do Trần Chánh Chiếu dịch |
Về sự liên quan của ông với Duy Tân hội, những điện tín, báo cáo cho thấy mối quan hệ chặt chẽ của ông với tổ chức này và gây lo ngại cho người Pháp. Tỉ như trong điện tín gửi từ Hà Nội ngày 21/4/1909 của Toàn quyền Đông Dương gửi Bộ Thuộc địa, có đoạn: “Ở Nam Kỳ, tôi không thấy có gì đặc biệt ???, ngoài việc kết thúc vụ án G. Chiếu làm nổi bật hơn những điểm chính của vụ án chống Pháp của G. Chiếu và các phụ tá của y ???”.
Ra khỏi nhà giam, để thực dân bớt nhòm ngó, ông Chiếu mở một hiệu buôn khác mang tên Quang Huy ở số 54 đương Viénot, Sài Gòn, lấy theo bút hiệu của ông và tỏ ra quan tâm đến việc xuất bản sách, báo. Nhờ đó, nào sách “Gia phổ”, rồi “Minh Tân tiểu thuyết”, “Văn ngôn tạp giải”, “Tiền căn báo hậu”… được xuất bản.
Nhưng nhập làng Tây đấy, mà ông không vong bản, chỉ lấy đó làm thuận lợi hơn mà hoạt động cứu nước. Và gần cuối đời, một lần nữa, ông Đốc phủ lại bị bắt. Ấy là vào năm 1917, nghi ngờ ông trợ lực cho Phan Xích Long chống Pháp, tòa án quân sự Sài Gòn bắt giam ông. Nhưng rồi sau đó, chúng lại phải trả tự do cho ông…