Mất dấu “tam giác vàng”
Tôi khát khao được đến với Cà Mau – vùng đất thiêng liêng nơi cực Nam của Tổ quốc, nơi nhà thơ Xuân Diệu “chưa thấy, chưa thăm mà đã nhớ”, bởi “lạ thay tình đất với quê hương”. Nhưng rồi cứ chần chừ mãi, cho đến khi những tin tức về sạt lở đất ở Cà Mau liên tiếp được phóng viên địa bàn gửi về…
Trong chuyến thị sát thực tế, chúng tôi đã được anh Đỗ Minh Điền - Trưởng phòng Quản lý công trình thủy lợi và Nước sạch nông thôn, Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau) đưa tới xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi. Nơi đây vốn một thời rất sầm uất, tấp nập từng được gọi là khu “tam giác vàng” (do khu đất có hình tam giác, bao quanh 3 bề là nước).
Khu dân cư đông đúc một thời giờ chỉ còn vài gia đình sinh sống bên cạnh những ngôi nhà hoang do sụt lở đất. |
Tuy nhiên, cảnh tượng mà chúng tôi được chứng kiến rất ảm đảm, đìu hiu. Dấu ấn “tam giác vàng” đã chỉ còn lại là những ngôi nhà đã sụp ngả nghiêng một phần chìm sâu trong nước, một vài ngôi nhà cửa đóng then cài, những ngôi nhà hoang, những ngôi nhà với những vết nứt há miệng chằng chịt trên tường, có ngôi nhà sụt sâu xuống nước; những khuôn mặt lo lắng khắc khổ của người dân còn bám trụ… Con đường giao thông “độc đạo” của xóm cũng bị sụt đất, phải nối tạm lại bằng những thân cây đước, cây tràm…
Đường giao thông của Tân Đức đã bị sụt xuống lòng sông, phải "chế" tạm bằng thân cây tràm. |
Ông Lê Quốc Đoàn - Chủ tịch xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, cho biết: Trên địa bàn xã có 3.190 hộ với 12.000 dân, nhưng có đến 20 điểm sạt lở. Nặng nhất là khu vực khu dân cư Hiệp Bình. Chính quyền địa phương cũng chỉ hỗ trợ người dân bằng những giải pháp tạm thời như sụp đường thì bắc cầu tạm, hỗ trợ một phần kinh phí để dân di chuyển khi nhà bị sụp…
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Lê Quốc Đoàn - Chủ tịch xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, cho biết: Trên địa bàn xã có 3.190 hộ với 12.000 dân, nhưng có đến 20 điểm sạt lở. |
Chị Ngô Thanh Bình (một cư dân của “tam giác vàng” Tâm Đức) bùi ngùi kể: Chị về đây từ hồi xây dựng gia đình, cũng ngót nghét gần 30 năm. Thời xưa, nhà chị kinh doanh vải và đồ tạp hóa, thu nhập rất khá. Mỗi ngày tổng doanh thu cả chục triệu đồng. Nhưng giờ không thể làm gì trong cảnh “Sống trong sợ hãi”, người dân bỏ đi gần hết. “Mấy hộ gần đây lên lộ Đông Tây rồi, nhưng nhà họ có, họ lên, chứ tôi lên thì lấy gì để cất nhà, mỗi căn cũng phải tầm 300 triệu đồng. Mà bà con ở đây lên đó, nhà thưa thớt, không bán chi được, cũng buồn, xứ lạ khó sống chỉ muốn quay về chốn cũ."
Chung cảnh ngộ ở Tân Đức, người dân ở nhiều địa bàn tại tỉnh Cà Mau cũng đang đe dọa mất nhà bất cứ lúc nào.
Tình trạng sạt lở xảy ra ở rất nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Cà Mau. |
Anh Mai Thành Trung, quê ở Thanh Hóa vào Cà Mau với hy vọng sinh cơ lập nghiệp. Nhưng từ khi vào Năm Căn đến nay, mỗi năm anh phải lùi nhà một lần. Chỉ dấu tích là một gốc dừa giữa dòng nước xiết trên sông Năm Căn cách bờ cả chục mét, anh cho biết trước kia nhà anh ở tận đó, nhưng giờ nước xói lở hết bờ, cũng chỉ còn một ít đất nữa là phía sau nhà anh hết đất, không biết lùi đi đâu.
Ông Phùng Trường Nguyên - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn chia sẻ: Tình trạng sạt lở ở đây bắt đầu từ khoảng năm 2017. Ước tính 800m bờ sông Năm Căn đã bị sạt lở, 66 hộ gia đình đã bị ảnh hưởng bởi lở đất. Nhiều đoạn đường bị sụt lún, người dân và chính quyền địa phương phải khắc phục bằng thân cây.
Đứng trên đoạn đường đã bị sụt nhiều lần, ông Phùng Trường Nguyên - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Năm Căn cho biết: Các vị trí sạt lở đa số đều ảnh hưởng hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân, chia cắt các trục lộ giao thông nông thôn, |
Theo Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau), những tháng đầu năm 2023, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là tình hình sạt lở bờ sông. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã xảy ra gần 200 vụ sạt lở với tổng chiều dài trên 4.900m (trong đó một nửa là lộ bê tông nông thôn), làm thiệt hại 78 căn nhà. Các vị trí sạt lở đa số đều ảnh hưởng hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân, chia cắt các trục lộ giao thông nông thôn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, đi lại, sản xuất của người dân. Ước thiệt hại về tài sản gần 14 tỷ đồng.
Tình trạng sạt lở nguy hiểm đến mức địa phương phải cắm biển cảnh báo, trên đó công khai số điện thoại của lãnh đạo địa phương, cán bộ ngành nông nghiệp, để ứng cứu dân kịp thời.
Biển cảnh báo sạt lở công khai số điện thoại của lãnh đạo địa phương tại thị trấn Năm Căn |
Theo nhận định của giới chuyên môn và người dân, tình hình sạt lở chưa có dấu hiệu dừng lại, các vụ sạt lở xảy ra liên tục, hàng ngày nên nguy cơ rủi ro về tính mạng con người và tài sản luôn hiện hữu nếu không khắc phục kịp thời.
Không chỉ sạt lở bờ sông, bờ biển Cà Mau cũng đang bị đe dọa trầm trọng. Thống kê từ năm 2011 - 2022, tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở khoảng 188km trong tổng số 254km bờ biển của tỉnh. Sạt lở đã làm mất rừng ven biển với diện tích khoảng 5.250ha (tương đương diện tích của một xã). Hiện nay bờ biển Cà Mau đang tiếp tục bị sạt lở khoảng 100km, sạt lở bờ sông khoảng 365km, với các mức độ khác nhau. Các chuyên gia cho rằng, với tốc độ sạt lở như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ thì trong thời gian tới sạt lở sẽ tiếp tục làm mất thêm nhiều diện tích đất rừng phòng hộ ven biển của Cà Mau.
Cố bám trụ dù biết “giỡn với tử thần"
Những ngôi nhà của người dân vùng sông nước Cà Mau nương tựa nhau, chòng chành bên mé sông. Người nơi xa đến, thấy thương, trong sự mến thương, có cả cảm giác của sự lo ngại, nhất là trong thực tế hiện hữu khi những vụ sạt lở liên tiếp diễn ra. Có nhiều gia đình đã sống chung với lở đất gần 10 năm nay. Nhưng đất lở tới đâu, họ lùi nhà tới đấy. Cuộc sống với những kế mưu sinh gắn liền với sông nước khiến cho người dân ở vùng sạt lở dù biết nguy hiểm đang đe dọa, nhưng vẫn muốn bám trụ ven sông.
Những ngôi nhà vẫn kiên cường bám trụ mé sông sạt lở |
Chị Nguyễn Ngọc Yến (ngụ ở ấp Thuận Hòa, xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), cho biết: "Gia đình tôi buôn bán ở đây đã lâu, vốn của gia đình đã đầu tư vào đây hết, nhìn thấy một số ngôi nhà lân cận bị sạt lở xuống sông, tôi lo sợ lắm nhưng bây giờ không biết dời đi đâu. Các đoạn lộ bị sụp xuống sông thì chính quyền địa phương cùng người dân ở đây đã cố gắng khắc phục bằng cách bắt cầu gỗ tạm để đi lại, còn nhiều nhà bị sụp hết xuống sông thì mới chuyển đi nơi khác sinh sống, còn những nhà của hộ dân chưa bị sạt lở thì vẫn cố gắng bám trụ lại để tiếp tục buôn bán. Tôi rất mong Nhà nước hỗ trợ xây kè chắn sạt lở để ổn định cuộc sống.
Ánh mắt hoang hoải lo lắng, anh Nguyễn Văn Minh (ngụ ở tuyến kênh Trưởng Đạo, ấp Hiệp Hòa Tây, xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) nói: “Chỉ sau một đêm, hàng trăm mét đất của nhà tôi bị trôi xuống sông, rất may là không thiệt hại về người. Nhưng số phận của tôi, của các con tôi cũng không biết sẽ ra sao nếu không có giải pháp hợp lý.”
Tình trạng sạt lở đất đã khiến cư dân sông nước Cà Mau "sống trong sợ hãi" nhưng vẫn phải bám trụ. |
Ông Tô Khắc Hải (ngụ ở khóm Sa Phô, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) tâm sự: “Gia đình tôi sinh sống ở đây chuyên mua bán cua, tôm giống, thời gian gần đây tình trạng sạt lở thường xuyên xảy ra. Có đoạn lộ bị sụp hết xuống sông, bà con ở khu vực phải dựng những chiếc cầu bằng cây gỗ tạm để di chuyển đi lại, có những căn nhà bị sụp hẳn xuống sông… Hơn 40 hộ dân ở khu vực này đã hùn nhau mua cây dừa để cắm làm rào chắn tạm, mỗi ngày chúng tôi rất lo lắng vì không biết nhà mình bị sụp lở lúc nào. Biết là đang giỡn với hà bá, giỡn với tử thần, nhưng cố gắng bám trụ lại vì không có chỗ để dời đi. Gia đình buôn bán cua, tôm giống lâu năm nên thu nhập cũng ổn định, nếu dời đi không có chỗ đi, nếu có chỗ đi không biết làm gì để nuôi sống gia đình. Tôi rất mong muốn được Nhà nước xem xét, hỗ trợ xây kè chắn sạt lở cho người dân yên tâm định cư ổn định trong cuộc sống”.
Chị Đoàn Tú Anh (ngụ ở ấp Thuận Thành, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), bày tỏ: “Cạnh nhà tôi, có nguyên căn nhà bị nhấn sâu xuống lòng sông rất khủng khiếp. Không có kinh phí để dời đi nên cố gắng bám trụ lại chứ lo sợ và hoang mang lắm.”.
Thị trấn Năm Căn đang bị dòng chảy ngầm của sông Cái đe dọa. |
Chung nỗi niềm, chị Nguyễn Thị Nhung (ngụ ở khóm Sa Phô, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) chỉ chỉ biết nhờ phóng viên chuyển mong muốn của mình và bà con vùng sạt lở đến các cấp chính quyền để được yên ổn sống. “Gia đình tôi làm trại tôm, bám trụ ở đây để tiếp tục buôn bán, chứ tôi biết đi đâu bây giờ. Tôi rất mong Nhà nước, Chính phủ hỗ trợ xây kè chắn sạt lở để ổn định cho người dân nơi đây làm ăn sinh sống”.- chị Nhung mong mỏi.
Kè ly tâm bảo vệ bờ biển ở Cà Mau đã phát huy tác dụng |
Khi dòng chảy và những cơn sóng ngầm dưới lòng sông, lòng biển là những ẩn số, khi cuộc sống với sinh kế không thể tách rời sông nước, người dân ở Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển và nhiều nơi khác ở Cà Mau chỉ khát khao được đầu tư xây kè để giữ lại đất.
Kết quả rà soát cho thấy hiện nay, tổng chiều dài bờ biển Cà Mau đang tiếp tục bị sạt lở khoảng 89km, sạt lở bờ sông khoảng 425 km, với các mức độ khác nhau, cần khẩn cấp có biện pháp để bảo vệ.
Trước sự biến đổi khắc nghiệt của khí hậu, những chùm rễ khổng lồ của đước, sự vững chãi của rừng dừa, sự nhẫn nại của mắm cũng đành bất lực. |
Dọc đường chúng tôi đi đến với bà con sạt lở đất ở Cà Mau, giữa những khoảng sông nước mênh mông chúng tôi gặp bạt ngàn rừng dừa, rừng mắm, đước… Đây là những loại cây giữ đất, những loại cây lấn biển của Cà Mau. Nhưng trước sự biến đổi khắc nghiệt của khí hậu, những chùm rễ khổng lồ của đước, sự vững chãi của rừng dừa, sự nhẫn nại của mắm cũng đành bất lực, chỉ có sự ra tay của con người, những quyết sách mạnh mẽ của chính phủ, mới có thể giúp chống sạt lở, giữ đất ở Cà Mau.
Vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã có chuyến công tác tới Cà Mau và các tỉnh miền Tây – chuyến công tác đặc biệt đến mức ông phải dùng chuyên cơ.
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ khiến tôi liên hệ tới các vị tiền nhân đã đi mở cõi. Sự liên tưởng tới tầm vóc lớn của những thế hệ người con đất Việt đã và đang dành hết trái tim, trí óc để mở mang, giữ gìn bờ cõi, gìn giữ từng tấc đất quý báu nơi cực Nam của Tổ quốc – nơi được ví như mũi tàu đưa đất nước ra biển lớn “Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền xé sóng - mũi Cà Mau.”
Bài 2: Cà Mau đã tìm ra giải pháp, nhưng vẫn... bất lực