Tính từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau) xảy ra 97 sạt lở, sụt lún đất ven sông, làm hư hỏng hoàn toàn 106 mét kè bê tông, sập hoàn toàn 15 căn nhà, hư hỏng 4 căn nhà… ước tính tổng thiệt hại trên 5 tỷ đồng.
Sạt lở tại ấp Xóm Tắc, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau). |
Qua khảo sát ban đầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau và UBND huyện Đầm Dơi xác định nguyên nhân sạt lở là mưa nhiều cùng thời gian triều kiệt trong năm (hơn 3m), một số nơi nước chảy xoáy… Bên cạnh đó, người dân Đầm Dơi chuyên nuôi trồng thủy sản nên đường giao thông nông thôn chủ yếu được xây dựng trên bờ bao, phía trước nhà dân, vì vậy xảy ra sạt lở thường ảnh hưởng đến đường giao thông nông thôn. Phần lớn các nơi sạt lở là sông lớn, ngay các ngã 3, vịnh của dòng chảy tạo dòng xoáy rất lớn của nước vào bờ sông…, không có hiện tượng lấy đất, khoan đất dưới lòng sông.
Một số nơi thường xảy ra sạt lở đất nghiêm trọng như: khu vực cửa biển Gành Hào, xã Tân Thuận; Hố Gùi, xã Nguyễn Huân; các tuyến sông lớn có lưu lượng nước, tốc độ dòng chảy lớn như: tuyến kênh Trưởng Đạo thuộc xã Thanh Tùng, xã Ngọc Chánh; tuyến Khai Hoang, xã Quách Phẩm; tuyến Bàu Sen, xã Tân Duyệt; tuyến sông Đầm Dơi; tuyến kênh Sáu Đông ngã tư Hiệp Bình, xã Tân Đức.
“Chỉ sau một đêm, hàng trăm mét đất của nhà tôi bị sạt lở xuống sông, rất may là không thiệt hại về người. Sạt lở đất trên diễn biến ngày càng phức tạp”, ông Nguyễn Văn Minh (ngụ ở tuyến kênh Trưởng Đạo, ấp Hiệp Hòa Tây, xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi) nói.
Nhiều nhà hộ dân bị sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau). |
Ông Nguyễn Phương Bình – Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau cho biết, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện phân công thành viên phụ trách địa bàn để nắm tình hình, chỉ đạo kịp thời khi có thiên tai xảy ra; đồng thời rà soát, cập nhật các phương án phòng, chống thiên tai phù hợp với tình hình thực tế của huyện. Lãnh đạo UBND huyện và các ngành chuyên môn huyện đã đi khảo sát thực tế các điểm sạt lở để chỉ đạo khắc phục kịp thời, phục vụ việc đi lại và ổn định sản xuất của người dân.
Lãnh đạo UBND huyện cũng chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, rà soát các điểm sạt lở đất và nguy cơ cao sạt lở đất trên địa bàn quản lý; tuyên truyền, vận động người dân sống cánh các tuyến đường ven sông nâng cao ý thức cảnh giác, gia cố bờ bao, kè gia cố phòng ngừa sạt lở đất nhằm bảo vệ tài sản và tính mạng. Nếu xảy ra sạt lở đất phải báo nhanh đến ngành chuyên môn để có biện pháp xử lý kịp thời, cắm biển cảnh báo, hướng dẫn cho người dân đi lại an toàn.
Nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau) bị sạt lở nghiêm trọng. |
“Thời gian tới, UBND huyện cũng đề xuất UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Sở, ngành, các viện nghiên cứu giúp UBND huyện khảo sát, tìm nguyên nhân chính và giải pháp căn cơ lâu dài chống sạt lở. Có như thế mới bảo vệ bền vững nhà cửa, sản xuất, đời sống của người dân và các công trình công cộng trên địa bàn. Đồng thời, UBND huyện cũng kiến nghị tỉnh Cà Mau sớm đầu tư xây dựng 2 cống đầu tuyến kênh Trưởng Đạo giáp sông Đầm Dơi và tuyến kênh Khai Hoang, xã Quách Phẩm…”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau) chia sẻ thêm.