Nền kinh tế đang tăng trưởng nóng giờ tăng trưởng chậm lại, tôi và bạn bè năm kia thôi còn dễ dàng tìm được việc làm thêm giá cao thì năm nay phải chấp nhận để chủ sử dụng hạ lương, sao cũng được, miễn là vẫn còn có công việc để làm. Kinh tế quả thật khó khăn, nếu như không muốn nói cả nước đang phải gồng mình để đi qua một giai đoạn nhọc nhằn, nhưng tôi cũng như bạn bè tôi, những người tuổi 20 lại nhìn thấy những niềm tin khác.
Chúng tôi không bi quan!
Nền kinh tế hội nhập nào cũng sẽ phải trải qua những thời đoạn mà kinh tế Việt Nam đang nếm trải và trả giá những năm vừa qua. Còn nhớ hồi 2006, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng- vị thủ tướng trẻ nhất của Việt Nam kể từ sau hòa bình 1975 tới nay- lên điều hành Chính phủ, kinh tế Việt Nam khởi sắc và trở thành điểm sáng ở Châu Á. Các công ty lớn, các tập đoàn đa quốc gia ùn ùn đổ vốn đầu tư vào Việt Nam. Trong 1 thập kỷ qua, kinh tế đã phát triển liên tục, chất lượng sống của người dân Việt Nam không ngừng được nâng lên.
Không cần đọc các biểu bảng, các chỉ số, số lượng các trung tâm mua sắm mọc lên như nấm ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, những Resort sang trọng vào hàng bậc nhất nhì thế giới mọc lên ven vịnh Đà Nẵng, Nha Trang, trên đảo Phú Quốc, Cát Bà, Hạ Long…chính là những chỉ số sống động nhất. Còn nữa, số lượng xe hơi, xe sang chạy nhan nhản trên đường phố, những cao ốc chọc trời, những biệt thự lung linh khắp các vùng trước là lúa, là cỏ, thành phố rộng dài miên man…cách đây hơn chục năm tưởng chỉ nhìn thấy trên phim ảnh giờ hiển hiện trước mắt.
Chị họ tôi, đi học ở Hà Lan từ năm 2005, khi ấy cả Hà Nội mới chỉ có một cửa hàng bán sản phẩm của LV loại hàng xách tay giờ về nước làm việc trong một tập đoàn đa quốc gia mỗi cuối tuần cứ cà phê với chị là chị lại suýt xoa về sự thay đổi của thành phố. Chị bảo không thể tưởng tượng nổi một ngày, như quán cà phê nhỏ chị em chúng tôi hay ngồi- dưới chân cột cờ Hà Nội- chị có thể thấy bất cứ ai ngồi trong quán cũng đang sử dụng iphone hoặc ipad đời mới nhất. Các cô thanh nữ dập dìu hàng hiệu từ đầu tới chân, khi thanh toán tiền, phần lớn sử dụng thẻ visa một cách sành điệu. “Thời của chị, có được cái quần levis là cả một sự chấn động đấy, vì để sở hữu một cái quần hàng hiệu hạng trung đó, bạn chị phải bay sang Singapore trong mùa sale”, chị kể.
Hội nhập WTO đã cho giới trẻ chúng tôi cơ hội để trở thành công dân toàn cầu, công dân của thế giới phẳng bằng sự phát triển mãnh liệt của Internet và các công nghệ mới. Nhưng hội nhập cũng đặt đất nước trước những tình thế mới, đó là sự tổn thương không tránh khỏi của toàn cầu hóa. Đầu tiên là những giá trị mới được hình thành, xã hội thực dụng hơn, lớp trẻ bị ảnh hưởng xấu một bộ phận trở thành hư hỏng, tội phạm gia tăng.
Sinh viên Việt Nam tràn đầy niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước... |
Sau đó là những tổn thương về kinh tế khi chúng ta nằm trong một chuỗi giá trị toàn cầu, nước Mỹ khủng hoảng, chúng ta bị ảnh hưởng gần như ngay lập tức vì các đơn hàng từ Mỹ không còn. Khủng hoảng Eurozone và bạo loạn ở Trung Đông khiến cho giá cả nhiên liệu tăng vọt, các doanh nghiệp sản xuất gặp khó, các kênh đầu tư trở nên bấp bênh vì tâm lý đầu cơ vàng, bất động sản để phòng tiền tệ mất giá.
Trong suốt năm 2012 và năm nay, 3 điểm tựa của nền kinh tế : xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối đều khó khăn song trong khó khăn, Chính phủ đã có những giải pháp quyết liệt, “điểm huyệt” chính xác để vực dậy nền kinh tế. Từ việc xử lý các doanh nghiệp nhà nước yếu kém đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất có vốn đầu tư, phục hồi và mở rộng, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động đến những chính sách kiềm chế lạm phát đến các giải pháp giảm thuế, kích cầu và mới đây nhất là các ngân hàng đang được cải cách, tái cấu trúc để củng cố lòng tin của các nhà đầu tư. Báo cáo triển vọng vĩ mô của HSBC đầu năm 2013 nhận xét, Việt Nam có lợi thế tăng trưởng ổn định, nền tảng vững và là một trong những nền kinh tế tốt nhất châu Á.
Nền kinh tế đã khởi đầu với một nền tảng tốt đẹp hơn. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2013 – 2020 thể hiện một quyết tâm cải tổ. Việt Nam tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài và là nền kinh tế nhiều tiềm năng với lực lượng dân số luôn tăng với nền văn hoá cần cù và ham học hỏi, vị trí địa lý gần với các nền kinh tế lớn và nguồn lực tài nguyên dồi dào.
Những bất ổn trên Biển Đông đặt đất nước trước những thử thách lớn nhưng đó cũng là thời điểm để tinh thần đoàn kết dân tộc và sức mạnh nội sinh của đất nước sáng tỏ hơn bao giờ hết. Nhớ hôm Thủ tướng trả lời chất vấn về chủ quyền biển Đông, sinh viên chúng tôi dán mắt vào màn hình và vỡ òa niềm vui khi người đứng đầu Chính phủ không nhìn vào văn bản, trả lời thẳng nội dung câu hỏi, khẳng định mạnh mẽ: chúng ta phải giải quyết và khẳng định chủ quyền đối với bốn nhóm vấn đề về biển Đông.
Bản lĩnh Việt Nam một lần nữa lại tỏa sáng trong khó khăn và thắp lên những niềm tin mãnh liệt vào sự ổn định của cả hệ thống chính trị, ý đảng, lòng dân cùng hướng về một tương lai tốt đẹp hơn.
Bên cạnh sự ổn định về chính trị, an sinh xã hội được quan tâm và đầu tư thỏa đáng, xã hội học tập ở Việt Nam đã phát triển rất cao với số lượng du học sinh du học ở nước ngoài và trở về làm việc trong nước ngày một đông đảo. Một tầng lớp các doanh nhân trẻ và những nhà lãnh đạo trẻ tuổi thế hệ 7X với tư duy mới, năng động, sáng tạo đang là niềm tin rất lớn cho lớp trẻ chúng tôi về một tương lai tốt đẹp phía trước cho đất nước và cơ hội việc làm tốt cho những người trẻ.
Chúng tôi hài lòng bởi chính sách phát triển con người của đất nước mình, chúng tôi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự cởi mở trong tư duy của những người lãnh đạo đất nước. Tất cả họ đều quan tâm tới thế hệ trẻ và chúng tôi đều tràn trề niềm tin lạc quan vào một tương lai giàu có.
Phạm Gia Huy- Chủ tịch Hội sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu