Xét tuyển đại học bằng học bạ có công bằng?

Nhiều trường xét tuyển học bạ nhập học sớm. Ảnh minh họa.
Nhiều trường xét tuyển học bạ nhập học sớm. Ảnh minh họa.
(PLVN) - Hiện nay, trong khi các trường đại học (ĐH) chưa công bố điểm chuẩn tuyển sinh thì hàng nghìn thí sinh đã chắc suất vào đại học theo con đường xét tuyển học bạ. Phương thức tuyển sinh này có từ lâu nhưng những năm gần đây nó đã không còn là "sân chơi" riêng ở những trường tốp dưới...

Nỗi lo “làm đẹp” học bạ

Hiện nay, trong khi các trường đại học (ĐH) chưa công bố điểm chuẩn tuyển sinh thì hàng nghìn thí sinh đã chắc suất vào đại học theo con đường xét tuyển học bạ. Phương thức tuyển sinh này có từ lâu nhưng những năm gần đây nó đã không còn là “sân chơi” riêng ở các trường tốp dưới…

Vừa qua, tuy chưa có kết quả xét tốt nghiệp dựa trên kết quả thi THPT quốc gia, nhưng nhiều trường ĐH đã công bố danh sách thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển học bạ. Ví dụ như Trường ĐH Công nghệ Thông tin, ĐH Quốc gia TP HCM. Từ 28/6, ngay khi vừa kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2019, trường này đã công bố danh sách thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển học bạ. 

Năm nay, cả nước có khoảng 100 trường tuyển sinh theo phương thức xét điểm quá trình học THPT, chiếm từ 10% đến 70% tổng chỉ tiêu của trường. Năm 2017, Bộ GD&ĐT quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức này là “điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6 đối với trình độ đại học”.

Tuy nhiên, hai năm qua, Bộ bỏ quy định điểm sàn. Các trường tự chủ hơn trong tuyển sinh, bao gồm việc xác định điểm chuẩn học bạ. Nhiều trường lấy điểm chuẩn thấp hơn mức 18 (điểm sàn năm 2017).

Nếu như những năm trước, xét tuyển học bạ chỉ dành cho các trường tốp dưới thì nay, ngay cả những ĐH lớn, tốp đầu cũng xét tuyển theo hình thức này. Thực tế, có nhiều e ngại cho rằng, ngay ở tuyển sinh đầu các cấp phổ thông, hễ có hình thức xét học bạ thì những tiêu cực đã rất dễ xảy, khi phụ huynh có thể bỏ tiền “làm đẹp” học bạ cho con.

Chưa kể, sau khi Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình với cơn địa chấn gian lận “vô tiền khoáng hậu” năm 2018, thì những ám ảnh về tiêu cực thi cử ở nhiều công đoạn và mục đích xét tuyển là hoàn toàn có cơ sở.

Chính bởi việc xét tuyển không ngoại lệ tốp đầu hay tốp cuối, nên điểm trúng tuyển học bạ của các trường dao động trong biên  độ khá rộng. ĐH Phú Xuân (Huế) lấy 16,5 điểm cho tất cả ngành học. ĐH Lạc Hồng (TP HCM) lấy điểm chuẩn từ 18 đến 24.

Với ĐH Tài chính - Marketing (TP HCM), thí sinh có điểm trung bình từ 6,37 được tuyển thẳng hệ đại học chương trình chất lượng cao. Các chương trình quốc tế, đào tạo đặc thù và đào tạo đại trà của hệ đại học có điểm trúng tuyển cao hơn, từ 6,7 đến 7,28. Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội) duyệt điểm trúng tuyển theo trung bình cộng kết quả học tập cả năm lớp 10, 11 và lớp 12 bậc THPT từ 8 đến 9,07.

Ngoài ra, nhiều trường khác như ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Văn Lang, ĐH Văn Hiến lấy điểm chuẩn khoảng 6-6,5 điểm/môn. Như vậy, với hình thức xét tuyển học bạ (hoặc xét tuyển thẳng kết quả học tập), hàng nghìn thí sinh đã trúng tuyển. Trong đó, hơn 2.000 thí sinh đỗ vào ĐH Kinh tế TP.HCM. Ở Học viện Tài chính, con số này lên đến 3.700 em và trường vẫn còn đợt xét tuyển khác.

Trường ĐH Công nghệ Thông tin, ĐH Quốc gia Hà Nội yêu cầu những thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển học bạ và tuyển thẳng phải xác nhận nhập học trước 17h ngày 23/7. Trường ĐH Công nghệ TPHCM còn thông báo những thí sinh trúng tuyển đợt 1 (ngày 30/6) vào trường bằng học bạ thì nhập học từ ngày 17/7 đến ngày 30/7…

“Thả lỏng” điểm có đáng tin?

Trước những hoài nghi và lo lắng về chất lượng đầu vào không đảm bảo chất lượng, ông Nguyễn Thiện Duy - Chánh Văn phòng ĐH Kinh tế TP HCM, khẳng định nhà trường làm đúng với đề án tuyển sinh công bố. Con số 2.000 thí sinh chiếm 30% chỉ tiêu năm nay với nhiều tiêu chí phụ đi kèm như phải là học sinh giỏi 3 năm liên tiếp, điểm trung bình môn Tiếng Anh từ 8 trở lên…

Ngoài ra, mỗi ngành còn có tiêu chí phụ riêng được Bộ GD&ĐT phê duyệt và công khai với thí sinh, xã hội. Về việc số lượng thí sinh được tuyển thẳng tăng mạnh so với các năm trước, ông Duy cho hay sau một thời gian đào tạo, nhà trường nhận thấy những sinh viên được chọn từ phương thức này có kết quả học tập tốt nên ĐH Kinh tế TP HCM muốn mở rộng tuyển sinh.

Tuy nhiên, TS Đàm Quang Minh - Tổ chức giáo dục Mỹ (IAE), cho rằng, nhiều người quen với cụm từ “thi đại học” nên cảm thấy xét tuyển bằng học bạ không đúng. Việc chỉ quan tâm đầu vào mới thực sự hạn chế, chứng tỏ năng lực đào tạo của đại học kém.

Theo ông Minh, đầu vào nên để các trường có câu trả lời về có việc làm hay không, đáp ứng được nhu cầu không? Về câu chuyện người phải thi, kẻ chỉ xét học bạ có công bằng? TS Đàm Quang Minh cho rằng, việc thiếu đồng đều trong đánh giá giữa các trường, thậm chí tình trạng “thả lỏng điểm” không phải vấn đề đáng lo ngại.

Ông Minh  cho biết ở Mỹ, các trường không thống nhất, nhưng không ảnh hưởng tới việc đại học tuyển sinh dựa trên kết quả học tập. Đại học cộng đồng còn rất “mở”, ai đăng ký đều được học. Họ không hạn chế cơ hội học lên của học sinh, cũng không lo lắng về việc đánh giá quá trình học phổ thông không đúng thực chất.

Không chỉ Mỹ, nhiều nước khác cũng không tổ chức thi, chú trọng xét quá trình học. Do đó, tuyển sinh bằng phương thức xét học bạ phù hợp xu thế và cần thiết. Theo quan điểm của ông Minh, vấn đề của nước ta hiện nay là tỷ lệ học sinh vào đại học còn thấp so với khu vực và thế giới.

Người học ít vào đại học mà chọn xuất khẩu lao động là xu thế ngược, rất nguy hiểm, dù trước mắt, nó có thể tốt. Nếu cứ định kiến như vậy, bao giờ tỷ lệ mới tăng được? Mỗi năm, hàng nghìn học sinh Việt Nam du học bằng học bạ. Tại sao ra quốc tế dễ mà trong nước lại khó?

Ngược lại, PGS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, việc xét tuyển theo nhóm như hiện nay (nhóm miền Nam, nhóm miền Bắc) thể hiện quyền tự chủ của các trường. Việc này tạo được mạng lưới hợp tác liên kết, tạo nên sức mạnh chung. Tuy nhiên, thực tế đang có những biểu hiện cạnh tranh thiếu lành mạnh trong xét tuyển, mà liên quan tới việc xét tuyển bằng học bạ.

PGS Hoàng Minh Sơn thẳng thắn, có khá nhiều trường đại học xét tuyển dựa trên học bạ nhưng lại yêu cầu thí sinh xác nhận trúng tuyển trước khi các trường đại học xét tuyển sinh chung một ngày (vào 9/8/2019).

Như vậy là có sự cạnh tranh bất bình đẳng. Nhiều học sinh đứng trước sự lựa chọn: xác nhận trúng tuyển thẳng theo học bạ hay là lấy kết quả thi THPT quốc gia để đăng ký xét tuyển vào trường theo nguyện vọng của các em đó. Nếu chúng ta yêu cầu học sinh phải xác nhận nhập học sớm, là tước đi quyền của họ trong đợt xét tuyển chung, ảnh hưởng đến tuyển sinh của các trường khác. 

Đồng quan điểm, GS Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định: Chính sách xét tuyển học bạ tưởng như là xu hướng tiến bộ vì thuận theo thông lệ thế giới. Tuy nhiên, thực tế ở ta, các trường tốp trên ít dùng phương thức này, bởi kết quả học tập của học sinh ghi trong học bạ chưa đáng tin cậy.

Do đó, theo GS. Nguyễn Đình Đức, cần có thống kê giữa kết quả xếp loại học bạ và kết quả thi THPT năm nay xem có tương  thích. Ví dụ nếu theo học bạ thì 90% học sinh có học lực khá giỏi, nhưng kết quả thi THPT quốc gia có phải 90% học sinh dự thi đạt khá giỏi. Đó sẽ là chỉ số rất tốt để Bộ GD&ĐT cũng như các cơ sở đào tạo xem xét lại chính sách xét tuyển học bạ, làm cho việc xét học bạ ngày càng trở nên đáng tin cậy hơn.

Chưa kể, ở các nước tiên tiến, có thể họ “thả lỏng” đầu vào, nhưng lại siết chặt đầu ra. Còn ở ta, từ nhiều năm qua, phần lớn vẫn là vào bao nhiêu, ra bấy nhiêu. Thậm chí vào rất khó, nhưng kiểu gì rồi cũng ra trường… 

Có 223.964 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến

Ngày 29/7, thời hạn chót để các thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đại học bằng phương thức trực tuyến, đã có 223.964 thí sinh đăng ký điều chỉnh nguyện vọng qua hệ thống http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn.

TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, hệ thống để thí sinh đăng ký điều chỉnh nguyện vọng đại học đã hoạt động ổn định, quá trình điều chỉnh của thí sinh diễn ra bình thường.

Theo kế hoạch tuyển sinh năm 2019 của Bộ GD&ĐT, trước 17h ngày 22/7, các đại học, cao đẳng và trung cấp sư phạm phải công bố điểm sàn xét tuyển để thí sinh so sánh điểm thi, cân nhắc điều chỉnh nguyện vọng. Các thí sinh sau đó có 10 ngày, từ 22 đến 31/7, để quyết định điều chỉnh.

17h ngày 29/7 là hạn cuối để các thí sinh thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học bằng phương thực trực tuyến. Với phương thức này, thí sinh không được bổ sung số lượng nguyện vọng và không điều chỉnh ưu tiên khu vực hoặc ưu tiên đối tượng. 

Các thí sinh vẫn còn thời gian để suy nghĩ và cân nhắc thật kỹ lưỡng nếu muốn đổi nguyện vọng đại học, với phương thức điều chỉnh trực tiếp bằng phiếu trước 17h ngày 31/7. Với phương thức này, thí sinh vẫn được phép bổ sung thêm số lượng nguyện vọng hoặc thay đổi khu vực ưu tiên.

Thí sinh phải đến điểm nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia 2019 để điều chỉnh trên phiếu và đóng lệ phí xét tuyển để bổ sung các nguyện vọng. Hiện đã có 55.153 thí sinh đăng ký điều chỉnh nguyện vọng thông qua phương thức điều chỉnh trực tiếp bằng phiếu.

Trong đó, 49 thí sinh đăng ký điều chỉnh khu vực ưu tiên; 69 thí sinh đăng ký điều chỉnh đối tượng ưu tiên. Theo thống kê mới nhất, tổng số thí sinh điều chỉnh nguyện vọng là 279.117 thí sinh. Theo quy chế, thí sinh chỉ có một cơ hội duy nhất điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến hoặc trực tiếp.

N. Thương

Đọc thêm

Từ tác phẩm có câu từ phản cảm phát cho học sinh ở TP HCM: Cẩn trọng khi lựa chọn ngữ liệu học tập

Ngữ liệu học tập cần được lựa chọn phù hợp với lứa tuổi của học sinh. (Ảnh minh họa. Nguồn: PV)
(PLVN) - Một trường quốc tế ở TP HCM trước kỳ lễ dài ngày vừa qua đã phát cho học sinh lớp 11 một tác phẩm văn học nước ngoài (được dịch sang tiếng Việt) tương đối nổi tiếng. Tuy nhiên, trong ngữ liệu học tập này có chứa những câu từ được nhiều người cho là phản cảm, khiến nhiều phụ huynh lo lắng, bất bình. Nhà trường đã phải nhanh chóng thu hồi các ấn bản trên và xem xét lại quy trình tác phẩm được giới thiệu cho học sinh.

Câu hỏi bỏ ngỏ trước ngưỡng cửa đại học

Ảnh minh họa
(PLVN) - Theo số liệu thống kê sơ bộ năm 2024 đối với 137 trường đại học và học viện tại các tỉnh phía Bắc tính từ Thanh Hóa trở ra (không bao gồm các trường quốc tế) có 35 trường đại học đang đào tạo đa ngành, tương đương với 25,5% trong tổng số. Trong đó gồm 15 trường có trụ sở tại Hà Nội (chiếm 43%) và 20 trường phân bố tại 16 tỉnh, thành phố khác (tỉnh Bắc Ninh có nhiều nhất với 3 trường).

377 thí sinh đạt thành tích xuất sắc tại Olympic Tiếng Anh dành cho cấp tiểu học và THCS

Olympics Tiếng Anh toàn thành phố năm nay chào đón 1288 thí sinh THCS đến từ 401 trường, và 1295 thí sinh tiểu học đến từ 490 trường tại Hà Nội (ảnh P.V)
(PLVN) -  Lễ tổng kết và trao giải Olympic Tiếng Anh dành cho cấp tiểu học và THCS đã diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội). Trải qua hai vòng thi ở mỗi cấp, Ban tổ chức cuộc thi Olympics Tiếng Anh thành phố Hà Nội đã lựa chọn ra 377 thí sinh đạt thành tích xuất sắc để trao các giải đặc biệt, nhất, nhì, ba và khuyến khích.

Bắt đầu đăng ký thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần lưu ý điều này

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Sau khi đăng ký thành công, từ ngày 11/5 đến 17/5, tất cả thí sinh phải sử dụng tài khoản và mật khẩu được cấp đăng nhập vào Hệ thống quản lý thi qua địa chỉ http://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn để kiểm tra thông tin đăng ký dự thi, phản hồi các sai sót và đề xuất duyệt minh chứng đối tượng ưu tiên (nếu có) với đơn vị đăng ký dự thi...

Làm gì để 'gỡ' áp lực các kỳ thi đầu cấp?

Các kỳ thi vào lớp 1, lớp 6 đang ngày càng trở nên áp lực với học sinh. (Ảnh minh họa)
(PLVN) - Ôn thi từ khi bập bẹ biết nói là câu chuyện phổ biến ở các trường tiểu học, THCS. Thay vì được học đúng độ tuổi, khả năng, hiện nay, nhiều gia đình đã hướng con cái đến các tiêu chuẩn học tập “ngoại cỡ”.

'Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh' trong thế giới đa cực

Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp tại Hà Nội. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Theo báo cáo nghiên cứu vào năm 2019 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh (FALMI), khoảng 75% học sinh THPT thiếu hiểu biết cần thiết về các ngành nghề mà mình lựa chọn, theo đuổi sau khi tốt nghiệp. Vấn đề này dẫn đến có khoảng 60% học sinh nhận thấy bản thân mình đã có lựa chọn sai lầm trong định hướng nghề nghiệp.

Sỹ tử lớp 12 quyết tâm đạt kết quả thi tốt nhất

Trước kỳ thi THPT quốc gia, các thí sinh “quay cuồng” tham gia hàng loạt kỳ thi để mong có một suất vào đại học sớm. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2024. Đây là năm cuối cùng thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2006, dự kiến năm sau có nhiều thay đổi. Điều này khiến các “sĩ tử” quyết tâm đạt được kết quả tốt nhất cho kỳ thi sắp tới.

Căng thẳng chuẩn bị kỳ thi vào lớp 10

Niên học 2024 - 2025 là năm cuối cùng thi vào lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông cũ. (Ảnh: Anh Nhi)
(PLVN) - Niên học 2024 - 2025 là năm cuối cùng thi vào lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông cũ, nhiều sự thay đổi về phương thức, chỉ tiêu xét tuyển khiến học sinh (HS), phụ huynh lo lắng. Đặc biệt, chỉ còn hơn tháng nữa kỳ thi sẽ diễn ra, nên đây là thời điểm HS cấp tốc ôn tập...

Sau bài viết nam sinh lớp 6 gần như không biết đọc, biết viết tại Quảng Bình: Rà soát chất lượng học sinh toàn huyện Minh Hóa

Trường THCS Hồng Hóa. (Ảnh: Nguyên Phong)
(PLVN) - UBND huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình), Phòng GD&ĐT huyện cho biết sẽ rà soát lại kiến thức cơ bản của học sinh ở tất cả các trường học trên địa bàn để phân loại và có phương án nâng cao chất lượng giáo dục. Riêng trường hợp học sinh lớp 6 gần như không biết đọc, biết viết, sẽ đưa về cấp tiểu học để phụ đạo thêm.