Có nên đưa triết lý giáo dục vào Luật Giáo dục?

Từ những “sự cố giáo dục”  gần đây, dư luận quan tâm hơn đến vấn đề "triết lý giáo dục". (Ảnh: Công bố quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với bị can do có gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Hà Giang)
Từ những “sự cố giáo dục” gần đây, dư luận quan tâm hơn đến vấn đề "triết lý giáo dục". (Ảnh: Công bố quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với bị can do có gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Hà Giang)
(PLO) - Vừa qua, Văn phòng Chương trình Khoa học Giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phối hợp với Trường Đại học (ĐH) Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP HCM) tổ chức tọa đàm khoa học “Triết lý giáo dục và triết lý giáo dục trong Luật Giáo dục sửa đổi”. 

Các “sự cố” có phải do thiếu triết lý giáo dục?

Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Chủ nhiệm Đề tài cấp Nhà nước “Triết lý giáo dục Việt Nam: Từ truyền thống đến hiện tại”, Việt Nam là một trong những quốc gia dành sự quan tâm rất lớn cho việc tìm hiểu triết lý giáo dục (TLGD). Số lượng lượt truy cập qua google để tìm hiểu cụm từ “Triết lý giáo dục” bằng tiếng Việt chỉ đứng sau tiếng Anh và cao hơn nhiều so với tiếng Trung và tiếng Nga.

Lý do chính dẫn đến sự quan tâm về triết lý giáo dục là do có những “sự cố giáo dục” (khởi đầu từ những vụ bê bối trong các kỳ thi tốt nghiệp vào các năm 2006-2013). Ngoài ra, một loạt hội thảo, tọa đàm bàn về TLGD trong các năm 2007-2011, các cuộc thảo luận liên quan đến giáo dục nói chung và TLGD nói riêng trên diễn đàn Quốc hội trong những năm gần đây cũng đã tạo nên những cú “hích”.

Ở Việt Nam đã hình thành hai luồng ý kiến. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng nguyên nhân gốc của tình trạng gia tăng “sự cố giáo dục” nằm ở TLGD với quan niệm là do Việt Nam thiếu (chưa có, không có) triết lý giáo dục hoặc là do ta có TLGD nhưng nó sai lầm.

Luồng ý kiến thứ hai cho rằng nguyên nhân gốc của tình trạng gia tăng “sự cố giáo dục” không nằm ở TLGD. Việt Nam có TLGD và nó không sai; tình trạng “sự cố” là do khâu triển khai, thực hiện triết lý giáo dục chưa tốt.

Từ kết quả nghiên cứu bước đầu, nhóm thực hiện đề tài đề xuất, Việt Nam cần phải có tuyên bố rõ ràng về những tư tưởng triết lý trong Luật Giáo dục qua những điều khoản cụ thể chứ không nên tách thành một chương riêng trong Luật. Nhóm nghiên cứu gợi ý có thể đặt tên là “mục đích, mục tiêu, nguyên lý giáo dục” chứ không gọi thẳng là TLGD, vì không phải ngẫu nhiên mà không nước nào làm thế.

Về các thành tố trong cấu trúc của TLGD, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho biết: cấu trúc phổ biến của khái niệm TLGD gồm năm thành tố. Trong đó sứ mệnh giáo dục là thành tố gốc; còn mục tiêu giáo dục là thành tố trung tâm, cốt lõi, trực tiếp chi phối ba thành tố còn lại (nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, nguyên lý giáo dục).

Có nên áp đặt?

Trong khi đó, TS Phạm Đỗ Nhật Tiến khẳng định, giáo dục Việt Nam từ trước đến nay vẫn vận động dưới sự dẫn dắt của một TLGD. Cũng như một số nước trên thế giới, triết lý này được biểu hiện thông qua những quan điểm về sứ mệnh, mục tiêu, nguyên lý giáo dục.

Theo ông Tiến, trong 32 năm đổi mới giáo dục vừa qua, TLGD Việt Nam có sự vận động cùng với bước tiến về kinh tế - xã hội của đất nước, được quy định trong các quan điểm chỉ đạo của Đảng về phát triển giáo dục, và được thể chế hóa trong các văn bản luật, từ Luật Giáo dục 1998, đến Luật Giáo dục 2005, Luật Giáo dục đại học 2012, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014.

Trong giai đoạn phát triển hiện nay, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, TLGD Việt Nam được quy định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) và đã được thể chế hóa trong các quy định về mục tiêu, nguyên lý, định hướng phát triển giáo dục trong Luật Giáo dục 2005 cũng như trong các quy định tương ứng của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Trước câu hỏi, nên hay không có quy định riêng về TLGD trong Luật Giáo dục, TS Phạm Đỗ Nhật Tiến cho biết, theo thông lệ quốc tế, không có quy định riêng nào về TLGD trong văn bản luật, vì vậy không nên đặt vấn đề có một quy định về TLGD trong tiến trình xây dưng Luật Giáo dục sửa đổi.

Vấn đề chỉ là ở chỗ xem xét chỉnh sửa, bổ sung các quy định về mục tiêu, nguyên lý và định hướng phát triển giáo dục trong Luật Giáo dục để thể chế hóa một cách phù hợp các chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam trong bối cảnh mới.

Cùng quan điểm với TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, GS Trần Kiều cũng nêu quan điểm không nên đưa vào Luật Giáo dục sửa đổi một chương với tên cụ thể là “Triết lý giáo dục”. Theo ông,  nếu có một tên chương như vậy, tranh luận sẽ xảy ra ngay, vì hiện nay chưa có đồng thuận cao về TLGD. Tuy nhiên, TLGD cần phải được thể hiện thông qua các nội dung khác trong Luật.

Đồng thời, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng cho rằng không nên có điều luật về TLGD. “Khi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng tôi đã tham khảo các nước, thực tế không có chương trình nào có mục về TLGD mà triết lý thể hiện ở mục tiêu, quan điểm thực hiện chương trình. Tôi nghĩ trong luật cũng vậy”.

Nhóm nghiên cứu gồm TS Nguyễn Duy Mộng Hà, Ths Nguyễn Thị Thanh Huyền, TS Lê Văn Tùng khi nghiên cứu về TLGD trong luật giáo dục của một số nước cũng chỉ ra rằng, TLGD nhìn chung không được tuyên bố hiển ngôn bằng khái niệm “triết lý giáo dục” trong các luật giáo dục mà thông qua các mục tiêu, nguyên tắc giáo dục, trong đó xu hướng chung là giáo dục mang tính toàn diện, tính hội nhập và học tập suốt đời, trách nhiệm công dân.

Chia sẻ về TLGD qua các thời kỳ lịch sử, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng, TLGD ngày nay là hợp tác. Đó là quan hệ hợp tác giữa nhà trường - xã hội; nhà trường - gia đình; hợp tác thầy - trò, giữa thầy với thầy; giữa trò với trò. Và khi đã hợp tác thì phải theo nguyên tắc thỏa thuận, không ai áp đặt ai.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Sau bài viết nam sinh lớp 6 gần như không biết đọc, biết viết tại Quảng Bình: Rà soát chất lượng học sinh toàn huyện Minh Hóa

Trường THCS Hồng Hóa. (Ảnh: Nguyên Phong)
(PLVN) - UBND huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình), Phòng GD&ĐT huyện cho biết sẽ rà soát lại kiến thức cơ bản của học sinh ở tất cả các trường học trên địa bàn để phân loại và có phương án nâng cao chất lượng giáo dục. Riêng trường hợp học sinh lớp 6 gần như không biết đọc, biết viết, sẽ đưa về cấp tiểu học để phụ đạo thêm.

'Thổi hồn' vào thư viện trường học

Nhiều trường học ở Việt Nam đã áp dụng các mô hình thư viện mới để thu hút học sinh. (Ảnh minh họa, nguồn: lamdong.gov.vn)
(PLVN) - Công nghệ thông tin phát triển, những thú vui trên mạng xã hội khiến học sinh không còn mặn mà với những thư viện truyền thống nữa. Hiện nay, nhà trường và ngành Giáo dục đang có những nỗ lực đổi mới sáng tạo các mô hình, hoạt động ở thư viện, nâng cao văn hóa đọc cho học sinh.

Nuôi dưỡng tình yêu sách thời mạng xã hội

Người trẻ vẫn chọn đọc sách, yêu sách giữa thời buổi mạng xã hội lên ngôi. (Nguồn: Tạp chí công dân & khuyến học)
(PLVN) - Giờ đây, mạng xã hội lên ngôi với biết bao điều hay ho, hấp dẫn. Thế nhưng, tình yêu sách vẫn luôn là dòng chảy âm thầm mà bền bỉ, được nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ. Để rồi, thế giới số bao la không thể làm lu mờ sức hút của sách, mà còn là công cụ để vun đắp thêm lòng say mê với sách, với việc đọc.

Nhiều điểm mới trong chương trình 'Tiếp sức mùa thi' năm 2024

Buổi gặp mặt báo chí, triển khai Chương trình “Tiếp sức mùa thi” 2024 được tổ chức sáng (16/4), tại Hà Nội.
(PLVN) - Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm nay triển khai nhiều nội dung và hình thức mới: mở sớm tổng đài tư vấn tâm lý, tổ chức hành trình tiếp sức tinh thần tại các điểm trường trên cả nước, tập trung hướng đến hỗ trợ các thí sinh thi vào lớp 10, thí sinh tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực và học sinh có nguyện vọng du học ở nước ngoài...

Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 của học sinh, sinh viên

Ảnh minh họa
(PLVN) - Đa số sinh viên cả nước đều được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trong 5 ngày, một số trường đại học cho sinh viên nghỉ dài hơn, có nơi kéo dài 8 ngày. Lịch nghỉ và học bù của học sinh sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.