Triết lý giáo dục hướng tới sự tự do?

Triết lý giáo dục hướng tới sự tự do?
(PLO) - Những ngày cuối năm 2018, từ nghị trường, trên báo chí đến các diễn đàn trên mạng xã hội, nhiều chuyên gia giáo dục nhắc đến khái niệm “triết lý giáo dục”, đề cao vai trò của sự tự do trong quá trình học tập; tự do trong việc lựa chọn môi trường học tập yêu thích, ngành nghề yêu thích, định hướng và làm công việc yêu thích sau khi ra trường mà không phải chịu bất cứ áp lực nào từ những kỳ vọng không phù hợp của gia đình, xã hội…

Mới chỉ là… khẩu hiệu

Ở góc độ nghiên cứu, giảng viên Nguyễn Quốc Vương (Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), hiện là nghiên cứu sinh về giáo dục lịch sử tại Đại học Kanazawa - Nhật Bản cho biết: Nếu hình dung giáo dục như một con đường thì triết lý giáo dục cho người ta thấy đích đến của con đường đó. Ở Nhật Bản, triết lý giáo dục xuất hiện ngay trong luật giáo dục của nước họ (Luật giáo dục cơ bản). Triết lý này cho thấy hình ảnh một xã hội họ mong muốn và hình ảnh con người họ mong muốn. Tất cả việc thiết kế chương trình, hệ thống môn học, các vấn đề như phương pháp giáo dục, đánh giá... đều được quy chiếu qua triết lý đó.

"Nhưng ở Việt Nam  trước đây tôi cũng không thấy rõ triết lý giáo dục. Lần đổi mới này cũng thế, tôi không nhìn thấy triết lý giáo dục, có lẽ cũng vì thế nên vẫn có nhiều ý kiến. Ở Việt Nam, dường như chúng ta bị ảnh hưởng nhiều bởi tư tưởng coi trọng tri thức nên nội dung chương trình hầu như dành cho các môn giáo khoa. Ở dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, tôi vẫn thấy tư tưởng thiên lệch các môn giáo khoa". Theo ông Nguyễn Quốc Vương, triết lý giáo dục mà ông hướng tới là những con người nhân văn.

Đó cũng là quan điểm của đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) khi đưa ra yêu cầu về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi: Luật Giáo dục phải rõ triết lý giáo dục của Việt Nam. Ông cho rằng, không quá khó để tìm một câu khẩu hiệu trong các trường học hiện nay, nhưng trong hàng chục khẩu hiệu được quy định bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo không có khẩu hiệu nào đủ cô đọng, khái quát ở tầm tư tưởng để định hướng triết lý giáo dục ở Việt Nam.

So sánh mục tiêu, nội dung và phương pháp của dự án luật lần này với Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua cách đây 20 năm, đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng dường như không thay đổi gì nhiều. Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, rõ ràng tính cơ bản, toàn diện, thiết thực thời đại của nội dung giáo dục và tính tích cực, tự giác của người học trong phương pháp giáo dục chưa đạt được, dù đã được đặt ra trong suốt 20 năm qua nhằm xây dựng các giá trị phẩm hạnh cần có của người học nói riêng và hướng tới hình mẫu của công dân quốc gia nói chung.

Và theo ông, việc cắp sách đến trường mới chỉ dừng lại ở nghĩa vụ mà chưa phải là niềm vui, niềm khao khát được hướng dẫn để tiếp cận kho tàng tri thức của nhân loại. Sứ mệnh của giáo dục với mục tiêu hội nhập quốc tế sẽ được thực hiện như thế nào khi điểm trung bình môn tiếng Anh 3 năm vừa qua của Kỳ thi THPT quốc gia không vượt qua nổi con số 5?

Từ những phân tích trên, đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng, triết lý giáo dục phải được nêu rõ ràng trong Luật Giáo dục. Mong muốn của xã hội là trong giai đoạn mới, với sự thay đổi chóng mặt của khoa học kỹ thuật công nghệ thì một trong những phương pháp giáo dục phải là khai phóng, hướng tới từng người học, giúp các em chủ động trong nhận thức độc lập, trong tư duy sáng tạo để có thể tự kết nối, tự kiểm soát và thích ứng với sự thay đổi khó đoán định của thế giới hiện nay. Muốn thế, cần mạnh dạn tháo bỏ tư duy cũ kỹ đã ăn sâu vào tiềm thức trong dạy và học. .

Vẫn theo ông Nhân, các trụ cột của triết lý giáo dục dù được diễn giải như thế nào đi chăng nữa thì cũng không vượt qua phạm trù cơ bản là đạo đức và tri thức, đó cũng là sứ mệnh, là hồn cốt triết lý của giáo dục. “Chất liệu chính của một triết lý giáo dục có thể là sự hướng thiện con người đi cùng với suy tư, trăn trở về trách nhiệm của bản thân trước vận mệnh thịnh suy của đất nước. Một nền giáo dục thiếu triết lý như thiếu một ngọn hải đăng dẫn đường. Thiếu triết lý giáo dục cũng góp phần làm đất nước thiếu đi một triết lý phát triển, vì tất cả khởi thủy từ giáo dục”, đại biểu Phạm Trọng Nhân bày tỏ.

Đi tìm câu trả lời: “Tôi là ai”?

Đi tìm câu trả lời về triết lý giáo dục trong thời đại 4.0, TS Giáp Văn Dương, Hiệu trưởng Vietschool đã thực hiện xây dựng ngôi trường mơ ước của mình, chia sẻ: “Tôi đã dành 22 năm của cuộc đời mình để đi học, trong khoảng thời gian đó, tôi trực tiếp trải nghiệm ba nền giáo dục khác nhau.Tôi cũng là một phụ huynh có ba con nhỏ. Con đi học, tôi vì trách nhiệm và vì tò mò mà dành thời gian tìm hiểu chương trình, rồi học cùng con ở hai quốc gia khác nhau nữa”. 

TS Giáp Văn Dương nhấn mạnh: “Tôi thấy rằng, dù khác nhau về văn hóa, thể chế và tôn giáo, nhưng giáo dục có hai loại mục tiêu:  đào tạo con người công cụ và đào tạo con người tự do. Sau nhiều năm trải nghiệm, tôi bắt đầu gây dựng và theo đuổi một triết lý giáo dục mới, giản dị rằng: Con người tự do là đích đến của giáo dục. Con người tự do, như tên gọi của nó, thể hiện trước hết ở việc tự do đi tìm câu trả lời cho câu hỏi cốt yếu “Tôi là ai?”. Đó chính là tự do tư tưởng. Tư tưởng về chính bản thân mình.

Chính việc tự do đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này là cội nguồn của văn minh nhân loại, hình thành nên nhân tính và xã hội con người. Mà muốn vậy, điều kiện tiên quyết là họ phải có được tự do để tư duy trước khi trả lời cho câu hỏi tôi là ai. Mà để tư duy hiệu quả và chính xác, họ cần thông tin như những nguyên liệu đầu vào. Vì vậy, sự tự do tiếp cận thông tin là điều tối quan trọng. Trong giáo dục, điều này có nghĩa, học sinh và giáo viên phải được quyền tiếp cận với các nguồn tư liệu và tài liệu tham khảo khác nhau, thể hiện trước hết ở nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau được lưu hành.

Việc thi cử khi đó cũng không đi theo hướng có học thuộc, biết đúng điều đã được dạy để thi hay không, mà trở thành thước đo cho sự trưởng thành của người học, mà quan trọng nhất là sự trưởng thành trong tư duy của họ, biểu hiện qua năng lực cốt yếu: Năng lực tư duy độc lập. Vì sao như vậy, vì nếu không có năng lực tư duy độc lập, một người dù đã bạc đầu, vẫn cần phải cậy nhờ đến tư duy của kẻ khác, do đó trên thực tế vẫn là trẻ vị thành niên”.

Khác với sự bi quan của nhiều người, rằng chúng ta đang ở đâu trong kỉ nguyên 4.0? TS Giáp Văn Dương cho rằng, đây là thời điểm phù hợp, không nhất thiết phải đi lại từ đầu thời 1.0. Bởi theo ông, giáo dục trong thời công nghiệp 4.0, vấn đề không phải là đi nhanh hay đi chậm, đi thẳng hay đi tắt, mà là đi đúng hướng hay không. Nếu đi theo hướng đào tạo con người công cụ, thì càng đi tắt đi nhanh, lại càng nguy hiểm. Còn đi theo hướng đào tạo con người tự do, dù có đi chậm, thì trước sau gì cũng sẽ đến đích.

Theo TS Giáp Văn Dương, công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng đầu tiên mà Việt Nam chúng ta được tham dự vào. Các cuộc cách mạng trước diễn ra trong thời nước ta còn trong tình trạng thuộc địa, mù chữ và chiến tranh, nên đứng ngoài cuộc và hầu như không có chút ý niệm gì về nó. Nhưng lần này thì khác, ta có khái niệm và đặc biệt là có thể trực tiếp trở thành một phần của nó, nên tâm thế và hành động phải rất khác.

Công nghiệp 1.0 ra đời khi động cơ hơi nước ra đời. Người dẫn dắt thời 1.0 là các kỹ sư cơ khí. Công nghiệp 2.0 ra đời khi động cơ điện ra đời. Người dẫn dắt thời 2.0 là các kỹ sư điện. Công nghiệp 3.0 ra đời khi máy tính ra đời. Người dẫn dắt thời 3.0 là các kỹ sư máy tính. Nhưng nay với sự ra đời của công nghiệp 4.0, với những đặc trưng rất dễ nhận ra, như hợp nhất thực tế thật và ảo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo… thì người dẫn dắt không còn là chuyên gia trong một lĩnh vực chuyên môn cụ thể nữa.

“Người dẫn dắt thời 4.0 sẽ là những người có khả năng tích hợp và sáng tạo ra các giá trị mới. Sắp tới, sẽ không có chỗ cho những con người công cụ nữa. Trí tuệ nhân tạo và robot sẽ lấy đi phần lớn công việc có tính cách lặp đi lặp lại. Chỉ có những con người tự do và sáng tạo, có khả năng kết nối, tích hợp để tạo ra các giá trị và hệ thống mới, thì mới có cơ hội để tồn tại”, TS Giáp Văn Dương nhấn mạnh. 

Có thể nói, năm 2018 là một năm mà chúng ta đạt thành tích cao tại các kì thi Olympic trên đấu trường quốc tế. Thế nhưng, càng cuối năm, những câu chuyện xấu xí về giáo dục càng trở nên trầm trọng, từ gian lận thi cử tới 231 cái tát, tới thầy giáo dâm ô học sinh tại trường nội trú suốt hàng chục năm trời mà không thầy cô, học sinh nào lên tiếng. Sự im lặng đáng sợ bao trùm lên môi trường học đường, lên những trái tim học trò non nớt.

Chính bởi vậy, hơn lúc nào hết. hướng tới người học với tất cả sự tự do về tri thức, tự do lựa chọn con người mình mong muốn. Chỉ khi tự do thể hiện trong việc nhận thức đúng và đủ về bản chất của con người thì giáo dục mới thoát khỏi vòng luẩn quẩn “học sinh sợ giáo viên, giáo viên sợ hiệu trưởng”, để các em dám lên tiếng trước những tiêu cực trong môi trường học đường. Đặc biệt, việc tự học là một biểu hiện rõ ràng của việc hướng tới sự tự do trong giáo dục. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo nghiên cứu đề tài ở cấp quốc gia để tạo sự thống nhất cao về triết lý giáo dục trong mục tiêu và nguyên lí giáo dục để có định hướng trong chỉ đạo các hoạt động của giáo dục tới đây.

Đọc thêm

Các trường 'điểm' tuyển sinh ra sao khi bỏ thi tuyển vào lớp 6?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Theo Bộ GD&ĐT, từ 2025, tuyển sinh THCS sẽ được thực hiện theo phương thức xét tuyển. Đối với các trường chất lượng cao, trường tư có tỷ lệ chọi lớn, địa phương có trách nhiệm hướng dẫn các trường thực hiện dựa vào tình hình thực tế trên cơ sở phù hợp nhất.

Giáo dục thích ứng trong kỷ nguyên số

Phụ huynh, học sinh, người lao động cần tìm hướng đi đúng đắn. (Ảnh minh họa - Nguồn: Hocmai)
(PLVN) - Sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là AI đang định hình lại môi trường làm việc một cách nhanh chóng và nhu cầu về những kỹ năng mới cũng ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030: Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực

Ảnh minh họa
Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030 đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có hệ thống giáo dục tiên tiến trong khu vực châu Á. Với trọng tâm phát triển toàn diện con người, nâng cao chất lượng giáo dục ở mọi cấp và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chiến lược này đặt nền móng vững chắc cho một xã hội hiện đại, công bằng và văn minh.

Nhìn lại những quyết sách phát triển giáo dục năm 2024

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi về dự thảo Luật Nhà giáo tại Quốc hội. (Ảnh: MOET )
(PLVN) - Xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, thúc đẩy chuyển đổi số đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành chu trình đầu của chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018, kết thúc kỳ thi cuối cùng của CT GDPT 2006... là những dấu ấn nổi bật của ngành Giáo dục năm 2024 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố.

Đi học… hạnh phúc

Cô giáo xuất hiện trong bức ảnh đẹp nhất mùa khai giảng. (Ảnh: NVCC)
(PLVN) - “Người thấy được hạnh phúc của việc học sẽ làm được nhiều việc lớn lao” - là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Hội thảo “Hạnh phúc trong giáo dục 2024” do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức.

Những vật dụng cấm mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2025

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó có quy định rõ về trách nhiệm của thí sinh và những vật dụng không được phép mang vào phòng thi.

Đối tượng nào được miễn thi tốt nghiệp THPT 2025?

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định rõ những đối tượng được miễn thi tất cả các môn, miễn thi Ngoại ngữ, miễn thi Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT...