Xứng đáng được tôn vinh
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho giới công thương và Đại hội Thi đua yêu nước Khối doanh nghiệp, doanh nhân (DN, DN) toàn quốc lần thứ Nhất sáng qua (8/10), Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã khẳng định sự hồi sinh và phát triển của đội ngũ doanh nhân trong lòng dân tộc là một trong những thành quả quan trọng nhất của công cuộc đổi mới ở nước ta những năm qua.
Báo cáo của VCCI cho biết, 5 năm qua, hơn 50 đơn vị, cá nhân lãnh đạo doanh nghiệp trong cả nước được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; hàng trăm người là Chiến sỹ thi đua, là Doanh nhân tiêu biểu toàn quốc; hàng chục ngàn người được tặng Bằng khen của Thủ tướng và nhiều danh hiệu khác của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương…
Chủ tịch VCCI đề nghị cần có quy định nếu một doanh nhân có thể giải quyết công ăn việc làm cho 10 lao động, chính quyền cấp xã cần tri ân họ; nếu tạo ra việc làm cho 100 lao động thì huyện cần khen thưởng; nếu tạo ra 1 nghìn việc làm thì tỉnh tri ân, khen thưởng và tạo ra 1 vạn việc làm thì Nhà nước khen thưởng và tặng danh hiệu Anh hùng, Chiến sỹ thi đua….
Theo Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng, liên quan đến việc tổ chức các giải thưởng tôn vinh DN, DN, hiện VCCI đang tổ chức 5 giải thưởng; VCCI còn tổ chức để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các giải thưởng quốc tế như Giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN (ABA), Giải thưởng Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp (E&Y).
“Các giải thưởng đã góp phần động viên kịp thời để khuyến khích các DN, DN tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, tìm ra cơ hội trong bối cảnh khó khăn, tiếp tục phát triển và thành công. Do vậy, các giải thưởng của VCCI đều khẳng định được uy tín và được cộng đồng doanh nhân đón nhận”, ông Phòng khẳng định.
“Thổi lửa” cho phong trào
Theo Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn, việc triển khai và thực hiện thường xuyên, kịp thời công tác thi đua, khen thưởng đã động viên, cổ vũ các tập thể, cá nhân hăng hái lao động sản xuất với năng suất, chất lượng cao… “Tuy nhiên, cũng cần phải thẳng thắn rằng, thời gian qua phong trào thi đua còn vừa thiếu “lửa” để thành phong trào mạnh, vừa thiếu “nội dung” để gắn bó với cuộc sống của DN, DN và những đòi hỏi của đất nước…”, lãnh đạoTập đoàn Phú Thái cho biết.
Chỉ tính riêng giải thưởng đối với DN, DN và sản phẩm, ông Đoàn tính “sơ sơ” đã có tới trên 30 loại. “Sự phong phú để bao quát và khuyến khích tất cả các mặt hoạt động là cần thiết, tuy nhiên cũng cần quy hoạch, hướng dẫn để tránh chồng chéo, trùng lặp và lựa chọn ra các danh hiệu, giải thưởng thực sự uy tín”- ông Đoàn đề nghị.
Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cũng cho rằng, từng phong trào thi đua phải xác định được chủ đề, mục đích, ý nghĩa, hình thức, nội dung, tiêu chí và quy chế, quy trình, phương pháp đánh giá cụ thể, công tâm, minh bạch, chống bệnh hình thức hay “thương mại hóa” các giải thưởng.
Phong trào thi đua phải được đổi mới phương thức vận động, truyền thông để đông đảo các DN, DN tự nguyện tham gia, các khâu từ đặt tên giải thưởng phải làm nổi bật, ý nghĩa… Giải thưởng phải tạo được thương hiệu, tiếng vang khi được trao tặng, bản thân DN, DN được nhận giải thưởng phải cảm thấy vinh dự, thiêng liêng thậm chí họ phải sống chết để giữ và bảo vệ danh hiệu đó.
Mặt khác, các cơ quan nhà nước cũng cần thay đổi tư duy, từ xét duyệt, phán xét, mang tính “xin-cho”, càng không phải là “ban phát” mà phải chuyển sang trách nhiệm tìm kiếm, phát hiện, giúp đỡ, hỗ trợ, tôn vinh các cá nhân, tổ chức điển hình tiên tiến.
“Thi đua - khen thưởng không phải cứ ngồi chờ mọi người thực hiện rồi phán xét, kết luận công nhận, mà cần phải có kế hoạch hướng dẫn bồi dưỡng ngay từ lúc phát động. Nhận thức này cần được quán triệt sâu sắc, rõ ràng trong tất cả các cấp quản lý trong các cơ quan công quyền, trong các Hội đồng Thi đua toàn quốc cho tới các tổ chức doanh nghiệp”, ông Đoàn bày tỏ quan điểm.