Giai thoại quan trạng đấu trí cả triều đình phương Bắc

Đền thờ Mạc Đĩnh Chi ở quê hương Nam Sách, Hải Dương.
Đền thờ Mạc Đĩnh Chi ở quê hương Nam Sách, Hải Dương.
(PLO) - Mạc Đĩnh Chi là một thần đồng thời Trần, dù ông không "chín sớm" như Nguyễn Hiền, 12 tuổi đã đỗ Trạng nguyên, nhưng nếu Nguyễn Hiền là một thiên tài mệnh yểu, 21 tuổi đã qua đời thì Đĩnh Chi lại được trời cho chữ "thọ". Sống đến 74 tuổi, làm quan trải 3 đời vua, 2 lần đi sứ phương Bắc, một mình ông đấu trí với tất cả vua quan phương Bắc, khiến họ từ tức tối chuyển sang thán phục.
Tướng mạo xấu xí, tài trí hơn người
Mạc Đĩnh Chi (1272- 1346), tự là Tiết Phu, người làng Lũng Động, Chí Linh, nay là Nam Sách (Hải Dương). Bẩm sinh ông tướng mạo xấu xí: người lùn, da đen, mồm rộng, mũi tẹt, trán dô... người làng thường bảo đó là con khỉ tinh nghiệm vào. Nhưng bù lại, ông rất thông minh, ngay từ nhỏ đã nổi tiếng lanh lợi, thần đồng. Vì nhà nghèo, giống như Nguyễn Hiền thuở nhỏ, Đĩnh Chi không thể đến lớp cùng bè bạn mà chỉ đứng ngoài lớp học nghe thầy giảng bài. Đêm đến, không có đèn thắp sáng, cậu bé phải bắt đom đóm rồi cho vào vỏ quả trứng để có ánh sáng học bài. 
Bấy giờ Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc mở học đường ở phủ đệ mình thu hút rất nhiều con nhà quyền quý. Mạc Đĩnh Chi dù nhà nghèo nhưng do có thiên tư nên cũng đã được thu nhận vào học đường. Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" chép: Ích Tắc "từng mở học đường ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sĩ bốn phương cho học tập, cấp cho ăn mặc, đào tạo thành tài như bọn Mạc Đĩnh Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở Hồng Châu... gồm 20 người, đều được dùng cho đời". 
Đến năm 1304, đời  Vua Anh Tông, triều đình mở khoa thi, lấy 44 người đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ). Mạc Đĩnh Chi đỗ đầu, chiếm học vị Trạng nguyên, lúc này ông mới hơn 20 tuổi. Sử chép: "Tháng 3 (1304), thi kẻ sĩ trong nước. Ban cho Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi chức Thái học sinh hỏa dũng thủ, sung làm nội thư gia".
Tương truyền, khi ông ra mắt Nhà Vua, Anh Tông thấy mặt mũi, thân hình ông xấu xí, không muốn cho đỗ Trạng. Ông liền làm bài phú “Ngọc tỉnh liên” (Hoa sen trong giếng ngọc) để nói lên phẩm giá thanh cao của mình, dâng lên Vua. Anh Tông xem bài phú thấy rõ tài hoa, tư cách của ông nên cảm phục và cho đỗ Trạng nguyên. Sau thời gian coi sóc thư khố của Nhà Vua, ông được thăng chức Tả bộc xạ (Thượng thư)... 
Vua quan phương Bắc chịu tài
Mạc Đĩnh Chi  đã được Vua tin tưởng, giao cho đi sứ nước Nguyên hai lần (1308 và 1324). Sách "Đại Việt sử kí toàn thư" chép: “Mậu Thân (1308) sứ Nguyên là Thượng thư An Lỗ Khôi sang báo tin Vũ Tông lên ngôi. Vua sai Mạc Đĩnh Chi sang Nguyên".
Cũng vẫn sách trên chép hai lần Trạng nguyên họ Mạc thể hiện tài ứng đối trước vua quan "thiên triều". Chuyện rằng: "Đĩnh Chi thấp bé, người Nguyên khinh ông. Một hôm, viên Tể tướng mời ông vào phủ, cho cùng ngồi. Lúc ấy, đang hồi tháng 5, tháng 6. Trong phủ có bức trướng mỏng thêu hình con chim sẻ vàng đậu cành trúc. Đĩnh Chi vờ ngỡ con chim sẻ thực, vội chạy đến bắt. Người Nguyên cười ồ, cho là người phương xa bỉ lậu. Đĩnh Chi kéo bức trướng xuống, xé đi. Mọi người đều lấy làm lạ, hỏi tại sao. 
Đĩnh Chi trả lời: "Tôi nghe người xưa vẽ cành mai và chim sẻ, chứ chưa hề thấy vẽ chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Nay trong bức trướng của Tể tướng lại thêu cành trúc với chim sẻ. Trúc là bậc quân tử, chim sẻ là kẻ tiểu nhân. Tể tướng thêu như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy. Tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân". Mọi người đều phục tài của ông.
Đến khi vào chầu, gặp lúc nước ngoài dâng quạt, Vua Nguyên sai làm bài minh. Đĩnh Chi cầm bút viết xong ngay, lời bài minh như sau: "Lưu kim trước thạch, thiên địa vi lô, nhĩ ư tư thì hề, Y Chu cự nho/ Bắc phong kỳ lương, vũ tuyết tái đồ, nhĩ ư tư thì hề, Di Tề ngạ phu/ Y! dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng, duy ngã dữ nhĩ, hữu như thị phù. (Nghĩa là: Chảy vàng, tan đá, trời đất như lò, ngươi bấy giờ là Y Chu đại nho/ Gió bấc căm căm, mưa tuyết mịt mù, ngươi bấy giờ là Di Tề đói xo/ Ôi, được dùng thì làm, bỏ thì nằm co, chỉ ta cùng ngươi là thế ru!). Người Nguyên lại càng thán phục".
Giai thoại về tài ứng đối của "Lưỡng quốc Trạng nguyên"
Giai thoại về tài ứng đối của Mạc Đĩnh Chi thì nhiều vô kể. Tương truyền, có lần Mạc Đĩnh Chi dẫn đầu đoàn sứ bộ nước Đại Việt sang nhà Nguyên. Bất ngờ hôm ấy trời lại mưa, đoàn sứ bộ đến cửa ải chậm một ngày so với ngày hẹn trước. Viên quan giữ cửa ải không cho mở cửa để sứ bộ qua, cho dù Mạc Đĩnh Chi đã nói mãi. Liền đó, từ trên cửa ải một vế đối được thả xuống thách đối lại, nếu không đối được sẽ "đứng ngoài mà khóc". Vế đối viết: "Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan" (Nghĩa là: Qua cửa ải trễ, cửa quan đóng, mời khách qua đường qua cửa quan). 
Tượng Mạc Đĩnh Chi
 Tượng Mạc Đĩnh Chi
Vế đối quá hiểm hóc, rất khó đối lại, bởi chỉ 11 chữ mà có tới bốn lần nhắc lại chữ "quan", còn chữ "quá" được nhắc tới ba lần. Tuy nhiên, không thể im lặng, vì đây là chuyện thể diện quốc gia. Suy nghĩ một lát, ông ứng khẩu: "Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối" (Nghĩa là: Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, mời tiên sinh đối trước). Vế đối lại cũng gồm mười một chữ, cũng dùng tới bốn chữ "đối" trong vế, còn chữ "tiên" được nhắc 2 lần. Ý đối khá chỉnh và ứng đối lại rất nhanh, khiến quan quân phải chịu mở cửa ải để Đĩnh Chi và đoàn sứ bộ đi qua.
Tới kinh đô nhà Nguyên, để "nắn gân" quan trạng Đại Việt, Vua Nguyên đọc một vế đối: "Nhật: hỏa; vân: yên; bạch đàn thiêu tàn ngọc thỏ". (Nghĩa là: Mặt trời (là) lửa, mây (là) khói; ban ngày đốt cháy vầng trăng). Hiểu rõ dụng ý kẻ cả nước lớn và cả bóng gió đe dọa của Vua Nguyên, Mạc Đĩnh Chi ứng khẩu ngay: "Nguyệt: cung; tinh: đạn; hoàng hôn xạ lạc kim ô". (Nghĩa là: Trăng (là) cung, sao (là) đạn; chiều tối bắn rơi mặt trời). Vế đối chẳng những rất chỉnh về niêm luật mà còn tỏ rõ được khí phách của người dân nước Việt, không run sợ và sẵn sàng giáng trả lại kẻ thù. Vua tôi nhà Nguyên nhìn nhau, rồi Vua Nguyên đích thân hạ bút phong "Lưỡng quốc Trạng Nguyên". 
Trước khi về nước, Mạc Đĩnh Chi và sứ bộ vào triều yết kiến Vua Nguyên lần cuối. Vẫn muỗn thử tài quan trạng nước Việt, lần này Vua Nguyên không ra vế đối nữa mà hỏi những câu hỏi "mẹo", đòi hỏi người trả lời phải ứng biến nhanh. Vua Nguyên hỏi: "Từ khi đến Yên Kinh, ngày nào nhà ngươi cũng cưỡi ngựa đi trên đường thăm phong cảnh, thế ngươi có biết mỗi ngày có bao nhiêu người qua lại trên đường cái không?".
Câu hỏi thật là bất ngờ, Vua không thử tài văn học mà muốn thử tài quan sát. Hàng ngày đi lại trên đường ở Kinh đô thì có biết bao nhiêu người, ai có công để ý mà đếm. Sau một lát suy nghĩ, Mạc Đĩnh Chi đã điềm tĩnh trả lời: "Muôn tâu Bệ hạ, hàng ngày trên đường kinh đô chỉ có hai người đi lại". 
"Nhà ngươi nói không đúng, sao lại chỉ có hai người?"- Vua Nguyên lấy làm lạ bèn hỏi lại. Mạc Đĩnh Chi bèn thưa: "Muôn tâu Bệ hạ, thần nói chỉ có hai người là rất đúng ạ. Vì hàng ngày, phàm những người qua lại trên đường thì chẳng vì "danh" cũng vì "lợi" mà thôi, như vậy rõ ràng chỉ có hai người là cầu danh và cầu lợi".
Tuy rất phục tài biện bác của Trạng song Vua Nguyên vẫn hỏi thêm một câu nữa: "Một cái thuyền, trên có chở ba người gồm Vua, thầy dạy và cha, khi ra đến giữa sông thì bị sóng to gió lớn  nên đã lật đắm. Khi ấy nhà ngươi ở trên bờ bơi ra cứu, nhưng chỉ có thể cứu được một người thôi, như vậy thì nhà ngươi cứu ai?". Câu hỏi này thật là oái oăm, xoay quanh sự ứng xử của con người với chữ "trung", chữ "hiếu", chữ "nghĩa" và chữ "nhân"... 
Nếu nói chỉ cứu Vua thì được chữ trung nhưng mắc tội bất hiếu với cha mẹ và mắc tội bất nghĩa với thầy. Nếu nói chỉ cứu thầy thì mắc tội bất trung với Vua và tội bất hiếu với cha. Nếu chỉ cứu cha thì mắc tội bất trung và bất nghĩa. Nếu nói không cứu ai cả thì tội bất nhân, bất trung, bất nghĩa, bất hiếu lại càng nặng. 
Đắn đo suy nghĩ một lúc, Mạc Đĩnh Chi trả lời: "Thần bơi ra giữa sông, chỉ cứu được một người nên gặp ai trước thì cứu ngay người đó, bất kể là Vua, thầy hay cha". Vua quan nhà Nguyên đều phục trí thông minh và tài ứng đối của Trạng nguyên nước Đại Việt./.

Tin cùng chuyên mục

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

(PLVN) - Những năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến, tăng trưởng hàng năm và có những tác phẩm “ăn khách”.Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, ngành điện ảnh vẫn đang đối mặt với những khó khăn, rào cản về chi phí, đặc biệt vấn đề dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng - GTGT (sửa đổi) sắp tới.

Đọc thêm

'Ông vua chân dung' của nhiếp ảnh Việt Nam

Bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi bên nhạc sĩ Văn Cao vào ngày mùng 6 Tết Nhâm Thân 1992. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
(PLVN) - Sở hữu tư liệu đồ sộ với hàng vạn bức ảnh quý giá chụp chân dung các văn nghệ sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán được người trong nghề gọi với cái tên thân thương là “ông vua chân dung”. Đây không chỉ là một nghệ danh, mà còn là sự ghi nhận cho những đóng góp không ngừng nghỉ của ông trong việc lưu giữ và tôn vinh vẻ đẹp nghệ thuật qua từng khuôn mặt, từng nhân vật mà ông đã có cơ hội ghi lại trong suốt mấy chục năm qua.

'Multiverse - Đa vũ trụ' - Khám phá một vũ trụ bên trong mỗi con người

"Multiverse - Đa vũ trụ” ẩn chứa những câu hỏi về bản chất con người (Ảnh: BTC)
(PLVN) - Album “Multiverse - Đa vũ trụ” của Tùng Dương có các ca khúc ẩn chứa những câu hỏi về bản chất con người, về sinh tồn và ý nghĩa cuộc sống, về khả năng vượt thoát khỏi không gian sống chật hẹp để vươn tới những vũ trụ xa xăm hoặc để trở về khám phá một vũ trụ bên trong mỗi con người…

Khát khao làm phim điện ảnh “bom tấn”

Bộ phim "Khóc hay cười" thu hút nhiều khán giả.
(PLVN) - “Chúng tôi cố gắng một năm sẽ làm 3 - 4 phim chiếu rạp. Chúng tôi mong muốn làm phim điện ảnh bom tấn, kiểu Hollywood ”. Đó là lời chia sẻ của Đạo diễn Phạm Đức Dũng tại họp báo ra mắt Hãng phim Bạch Mã ngày 13/11/2024 tại Hà Nội.

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt
(PLVN) -  Xuất sắc vượt qua nhiều đại diện đến từ các quốc gia trên thế giới, Huỳnh Thị Thanh Thủy đã đăng quang ngôi vị cao nhất, mang về chiếc vương miện danh giá Hoa hậu Quốc tế đầu tiên cho Việt Nam, đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu tên tuổi Việt Nam trên bản đồ nhan sắc thế giới.

'Giọng hát hay Hà Nội năm 2024' - khơi dậy tình yêu Hà Nội

Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” chính thức trở lại, tiếp tục hành trình tìm kiếm và vinh danh những giọng ca trẻ đầy tài năng của Thủ đô. (ảnh Thùy Dương)
(PLVN) - Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” không chỉ là sân chơi nghệ thuật, mà còn là dịp để các thí sinh cũng như người dân Hà Nội ôn lại những trang sử hào hùng và khơi dậy tình yêu, niềm tự hào về quê hương trong trái tim mỗi người.

Văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước

Các đại biểu thảo luận tọa đàm: "Doanh nghiệp thời 4.0: Chuyển đổi văn hóa số tạo nên sự khác biệt."(Ảnh: BTC).
(PLVN) -  “Trong giai đoạn hiện nay, trước các cơ hội và thách thức đặt ra, chúng ta đã xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng. Bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước”.

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ (ảnh P.V)
(PLVN) - Triển lãm gốm "Hiện Linh" mang tới công chúng, những người yêu nghệ thuật gần 200 tác phẩm lần đầu được ra mắt của Giáo sư, họa sĩ Ngô Xuân Bính. Trong không gian đương đại tại Bảo tàng Hà Nội, các tác phẩm gốm ‘Hiện Linh’ sẽ dẫn dắt người xem bước vào thế giới vừa quen thuộc, vừa mới lạ của đất Mẹ.