Huyền tích về pho tượng “biết đẻ” và 5 cây đa thần ở xứ Mường

Năm cây đa cổ thụ
Năm cây đa cổ thụ
(PLO) - Chùa Kè ở xã Phú Vinh (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) không chỉ là một trong những ngôi chùa cổ nhất của xứ Mường Hòa Bình mà còn gắn liền với lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Đều đặc biệt ngôi chùa này còn mang trong mình nhiều điều bí ẩn về mặt tâm linh cần được giải đáp.
Lịch sử chùa Kè
Theo lời kể của các bố, các mế (ông già, bà lão) đều đã ở cái tuổi “cổ lai hy” thì lịch sử của chùa Kè gắn liền với lịch sử phát triển của người Mường. Ban đầu ngôi chùa được xây dựng với 3 gian và làm hoàn toàn bằng gỗ. Kiến trúc bố cục của chùa được thiết kế theo dạng “tiền bụt, hậu thánh”. Có nghĩa là gian đầu tiên là thờ “bụt”, hai gian sau thờ “Bà chúa Mường Kè” và Phật Bà Quan Âm. 
Ngày nay người dân nơi đây vẫn thường truyền cho con cháu đời sau về những câu chuyện thần thoại về bà Chúa đất Mường đã giúp dân Mường Kè cải tạo thiên nhiên để có được những mùa bội thu. 
Theo truyền thuyết kể lại rằng, lúc đó người Mường vẫn còn sống bằng phương thức săn bắt, hái lượm. Cuộc sống vẫn còn bấp bênh, không ổn định. Thấy con dân người Mường luôn phải sống trong cảnh nghèo đói nên bà Đinh Thị Lập, vợ một quan lang vừa nổi tiếng thương dân lại có tài phép hơn người đã quyết định tìm cách giúp nhân dân ổn định cuộc sống. 
Bà đã sử dụng phép thuật của mình để dời, kè những tảng đá ngăn suối dẫn nước suối vào ruộng, bãi của người dân. Khi đồng ruộng có nguồn nước, cây cối quanh năm xanh tốt thì người dân cũng dần kéo về tụ cư ở Mường Kè để làm ăn sinh sống. Cuộc sống của bản Mường từ đó ngày một giàu có, sung túc, 
Để ghi nhớ công lao to lớn của bà Đinh Thị Lập, người dân Mường Kè đã phong cho bà là: “Bà chúa đất Mường Kè”. Khi bà mất mọi người đã dựng tượng và thờ tại chùa Kè với mong muốn con cháu đời sau phải luôn khắc ghi công lao của đời trước.
Khi ngôi chùa đã được xây dựng xong, mùa xuân năm Ất Dậu 1921, các quan lang giao nhiệm vụ cho ông Đinh Công Ảo và ông Đinh Công Út là người địa phương xuống chùa Bái Đính (thuộc huyện Gia Viễn, Ninh Bình) để xin được rước tượng Phật về thờ tại chùa. 
Ông Ảo và ông Út đã được nhà sư Thiền Không là trụ trì chùa Bái Đính bấy giờ ban cho một pho tượng Phật Bà Quan Âm và rước về thờ tại xứ Mường Kè. Từ bấy giờ ông Ảo làm tạo (trông nom) và ông Út làm sãi tại chùa. Hai dòng họ này có nhiệm vụ trông coi, chăm lo việc hương khói của chùa Kè. Trong những ngày lễ hội thì hai họ cũng phụ trách việc tổ chức các nghi lễ, các trò chơi dân gian cho mọi người dân tham gia.
Sự tích “Bụt đẻ”
Năm 1957, chùa Kè bị dỡ bỏ. Mãi đến năm 2005, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 người dân xứ Mường Kè mới cùng nhau dựng lại ngôi chùa cổ. Đặc biệt, chùa Kè vẫn mang trong mình những câu chuyện, sự tích bí ẩn chưa có lời đáp. 
Ông Đinh Viết Lâm (65 tuổi, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc) người có nhiều năm làm cán bộ văn hóa xã, cũng như nhều năm nghiên cứu về văn hóa tâm linh của người Mường cho biết: “Tích xưa kể rằng, năm 1938, vì biết Mường Kè có chùa thiêng là nhờ một bức tượng bụt bằng đá nên quan lang Chiềng Khến bấy giờ đã bí mật sai quân của mình đang đêm tổ chức trộm Bụt chùa Kè”.
Theo mệnh lệnh của quan lang, tám người đã bí mật đột nhập Chùa Kè trộm tượng bụt. Tuy nhiên điều lạ là, đó chỉ là một pho tượng nhỏ như đứa trẻ con mới đẻ nhưng 8 người đàn ông lực lượng lại không làm sao khiêng nổi. Không có cách nào lay chuyển được bức tượng, nhóm người này đã dùng đòn tre để khiêng, nhưng đòn tre cũng gãy. Họ tức giận dùng búa ghè gãy đầu của tượng Bụt vứt ra bờ tre gần đó rồi bỏ đi. 
Sau đó, một người dân là bà Đinh Thị Huyến, trong một lần đi xúc cá ở “khoang thạch” suối đá nhưng cả buổi chỉ xúc được một hòn đá to bằng nắm tay. Dù đã rất nhiều lần bà vứt hòn đá đó lên bờ, nhưng lần sau lại vẫn xúc được. Thấy sự lạ, bà Huyến đã mang hòn đá đó về treo lên cột nhà để thờ.
Sau đó, khi nghe chồng kể lại chuyện có người muốn trộm tượng trong chùa nhưng không được đã làm mất đầu bụt, bà Huyến mới vỡ lẽ ra rằng hòn đá mà mình xúc được rất có thể chính là đầu tượng bụt. 
Càng lạ hơn, sau khi mang phần đầu ra gắn vào tượng thì thấy vừa khít, mọi người đã dùng vôi để gắn lại đầu bụt giống như cũ. Đó cũng là lời giải thích cho tục lễ “bôi vôi đầu Bụt” vào ngày mùng 1 tết Âm lịch hàng năm của người dân Mường Kè. 
Còn về pho tượng bụt, mặc dù chỉ dùng vôi để gắn lại nhưng trải qua gần 100 năm nay vẫn không hề có hiện tượng nứt gãy. Thậm chí người ta còn cảm thấy phần đầu đã được gắn liền lại như cũ như chưa từng bị gãy rời. 
Một điều đặc biệt hơn nữa khiến cho pho tượng chùa Kè càng nổi tiếng đó là sự tích “Bụt đẻ”. Theo lời kể của ông Đinh Công To, người hơn 30 năm làm sãi ở chùa thì: “Đã hai lần ông chứng kiến pho tượng đá mọc ra thêm những hình thù giống như một đứa trẻ con. Vì thấy sự lạ nên ông đã lấy vôi để đánh dấu những hình thù đó lại, vậy mà đến năm sau khi kiểm tra lại thấy mọc thêm 2 hình thù nữa. Chính vì thế mà người ta vẫn gọi là hiện tượng “Bụt đẻ”. 
Theo như những người già trong bản thì đây là một hiện tượng vô cùng hiếm xuất hiện. Nhiều người giải thích nó chính là dấu hiệu cho sự phát triển thịnh vượng của con cháu sau này. Vì cha ông đời trước đã làm nhiều việc tốt, “tu nhân tích đức” nên đời sau được hưởng thành quả. 
Chùa Kè dưới những tán đa cổ thụ
Chùa Kè dưới những tán đa cổ thụ
Tuy nhiên trao đổi về hiện tượng “Bụt đẻ”, một cán bộ Bảo tàng tỉnh Hòa Bình cho rằng: “Việc thờ đá ở chùa Kè thực chất bắt nguồn từ tín ngưỡng vạn vật hữu linh đã được Phật hóa. Do người dân sùng bái nên tưởng tượng thêm ra những câu chuyện có màu sắc ly kỳ”.
Truyền thuyết về 5 cây đa thần 
Không chỉ có sự tích về tượng “Bụt đẻ”, ở chùa Kè còn lưu truyền lời đồn đại về những cây đa linh thiêng. Tương truyền sau khi chùa Kè được xây dựng, năm 1896 ông Đinh Công Út là sãi chùa lúc đó đã cất công lên tận ngôi chùa cổ ở Mường Luống, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình để xin 8 cây đa về trồng tại chùa. Trải qua nhiều biến cố lịch sử lẫn sự tàn phá của bom mìn đến ngày nay tại chùa Kè chỉ còn lại 5 cây đa cổ thụ. 
Theo dân Mường Kè thì cả huyện Tân Lạc chỉ có nơi đây là còn giữ được những cây đa hàng hàng trăm tuổi. Theo quan niệm của người dân thì, vì đây là những cây đa to nhất, cổ nhất nên tất cả thần linh khắp mọi nơi đều tụ họp về đây.  
Người dân nơi đây còn thường xuyên truyền tai nhau về những câu chuyện huyền bí xung quanh ngôi chùa. Họ kể răng cứ vào những ngày cuối tháng khi ánh trăng mờ ảo lại nhìn thấy những bóng người áo trắng đi lại, nhảy múa, thậm chí là ca hát trên những cành đa cổ thụ. 
Ông Lâm kể lại câu chuyện: “Năm 1983, có một người phụ nữ vì nhà có công việc nên nửa đêm đã đi qua chùa Kè. Lúc gần tới nơi bà này có thấy một người phụ nữ mặc áo trắng ngồi tựa vào gốc đa. Tưởng người này bị ốm ngồi đó nên bà ấy chạy ra xem, nhưng khi tới nơi thì bóng trắng đó biến mất. “Hồn siêu phách lạc” người phụ nữ vội vàng chạy về nhà, nhưng sau đó bà ta tự nhiên ngã bệnh và luôn như người mất hồn. Khi gia đình mang lễ vật lên chùa Kè làm lễ thì lại trở lại như bình thường”. 
Chuyện xảy ra gần đây hơn là vào năm 2011, chính quyền địa phương có dự định mở tuyến đường bê tông đi qua trước cổng chùa. Buổi sáng, các ban ngành chức năng đã tiến hành đo đạc, vạch chỉ giới xong xuôi chỉ còn chờ hôm sau là tiến hành khởi công. 
Ông Đinh Viết Lâm trao đổi với phóng viên
Ông Đinh Viết Lâm trao đổi với phóng viên 
Thế mà đêm hôm đó trời không mưa bão nhưng lại có một cành đa to gãy chắn ngang con đường. Có lẽ vì sợ phạm vào khu đất thiêng nên chính quyền đã quyết định di dời con đường theo lộ trình khác cách xa vị trí cũ mấy chục mét. 
Không chỉ riêng những người dân nơi đây bị hù dọa bởi những lời đồn ma quái, mà những người nơi khác đến cũng bị nhiều phen hoảng sợ. Một người dân kể rằng nhiều thợ buôn mía vì đến quá muộn người dân đã nghỉ làm nên họ phải nghỉ lại đợi đến sáng hôm sau. Thấy cảnh chùa mát mẻ, thanh tịnh nên đã tự ý tá túc ở đó, đến đêm rất nhiều người đã phải tá hỏa bỏ chạy vì nghe thấy những âm thanh lạ, hay những bóng trắng lơ lửng trên cành đa.
Để tìm hiểu thực hư của những câu chuyện ma ở chùa Kè chúng tôi tìm về nhà ông Đinh Công Hoàng (43 tuổi, xã Phú Vinh, huyện Tân Lạc). Đến đời ông Hoàng thì đã là đời thứ 4 liên tiếp làm sãi chùa Kè. Nói về chuyện những “bóng ma” kỳ ảo, ông Hoàng giải thích: 
“Nhà tôi ở gần chùa, lại thường xuyên phải tranh thủ sớm tối ra quét dọn, hương khói nhưng chưa bao giờ gặp ma. Tôi nghĩ có thể là do người dân thêu dệt lên để tránh cho kẻ gian, hay trẻ trâu không dám lại gần phá phách làm mất đi sự thanh tịnh của ngôi chùa mà thôi”. 
Điều đau đáu nhất và mong mỏi nhất của ông Hoàng là phục dựng lại ngôi chùa Kè như nguyên trạng ngày xưa. “Hiện tại tôi cũng đang tìm mọi cách để khôi phục lại bảng văn bia của chùa Kè, với mong muốn đây thực sự là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh lành mạnh của người Mường Kè. Cũng rất mong các cơ quan chức năng giúp đỡ để chúng tôi có điều kiện, tu tạo, khôi phục ngôi chùa trong thời gian sớm nhất”, ông Hoàng chia sẻ. 
Câu chuyện về chùa Kẻ cùng những đồn đoán huyền bí được phản ánh trên Câu chuyện Pháp luật số 201 hiện đang phát hành rộng rãi trên phạm vi cả nước. Mời độc giả tìm đọc.

Tin cùng chuyên mục

“Thần tượng Bolero” Tô Ngọc Hà chìm đắm sắc màu Hà Nội (ảnh V.H)

“Thần tượng Bolero” Tô Ngọc Hà chìm đắm sắc màu Hà Nội

(PLVN) -  Từng tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, là học trò của nữ ca sĩ Anh Thơ, Tô Ngọc Hà lại chọn theo dòng nhạc Bolero, trữ tình, lãng mạn…Với chất giọng trầm ấm, ngọt ngào nữ ca sĩ thể hiện tình yêu Hà Nội qua những sắc màu thời gian.

Đọc thêm

Chuyện bí ẩn về bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh

Những câu chuyện xung quanh việc sáng tác chung của Đoàn Chuẩn và Từ Linh cho đến nay, vẫn còn là bí mật. (Ảnh: Vàng Son một thuở)
(PLVN) - Trong hầu hết các sáng tác của mình, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thường ký bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Về cái tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh có rất nhiều giai thoại. Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn không thể giải thích hay làm sáng tỏ được việc viết nhạc và lời của hai ông trong các sáng tác.

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ
(PLVN) - Đỗ Lễ được nhiều người biết đến nhờ những bản tình ca buồn như: “Sang ngang”, “Mắt buồn”, “Ngày tạm biệt”... Những lời ca day dứt, đau thương đã vận vào cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa, bạc mệnh này.

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Ảnh: Thùy Dương).
(PLVN) - Trong số tài liệu bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ), khối tài liệu về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 là một trong những khối tài liệu phản ánh một phần lát cắt của lịch sử dân tộc vẻ vang, hào hùng giữa thế kỷ XX.

Cảm nhận nhạc Đỗ Bảo ở “Khung trời khác”

Cảm nhận nhạc của Đỗ Bảo giản đơn, mộc mạc, nhưng rất sâu lắng và tinh tế (ảnh NVCC).
(PLVN) - Khung trời khác, là cảm nhận của một chàng ca sỹ Hà Nội về những bài hát do chính một nhạc sỹ Hà Nội sáng tác. Vẫn là những ca khúc quen thuộc của nhạc sỹ Đỗ Bảo, nhưng lại rất mới, rất khác so với những bản thu âm mà khán giả từng nghe trước đó.

Còn mãi tiếng 'oanh ca' Ngọc Lan

Cuộc đời của bà cũng mong manh, bạc mệnh như đóa ngọc lan nhỏ bé. (Nguồn: Nhạc vàng online)
(PLVN) - Tháng 3 là mùa trăm hoa đua nở, nhưng cũng là ngày mất đi một danh ca nổi tiếng người Việt Nam mang tên Ngọc Lan. Bà thành danh ở tuổi 30, nhưng “tài hoa bạc mệnh”, người đẹp đã qua đời ở tuổi 45. Hai mươi năm sau ngày mất, nữ danh ca vẫn để lại tiếc nuối không nguôi trong lòng người hâm mộ.

Có gì ở bom tấn “Godzilla x Kong: Đế chế mới”?

Có gì ở bom tấn “Godzilla x Kong: Đế chế mới”?
(PLVN) - Sau thành công của phần phim “Godzilla Đại chiến Kong”, đạo diễn Adam Wingard và ê-kíp sẽ trở lại trong màn hợp sức của hai siêu quái trong “Godzilla x Kong: Đế chế mới” với một quy mô đồ sộ hơn.