Trẻ em lên mạng để làm gì?
Trả lời câu hỏi này, theo Cục An toàn thông tin, Bộ TT-TT, trẻ em có rất nhiều nhu cầu để lên mạng như: Tìm hiểu các chủ đề hay ho, kết nối bạn bè, nói chuyện, chia sẻ các bức ảnh ghi lại trải nghiệm cá nhân, xem video yêu thích, học hỏi thêm kỹ năng, chơi games. Song song với các nhu cầu đó, trẻ em đối mặt với nguy cơ, rủi ro đến từ môi trường mạng như bị cho xem các hình ảnh/video bạo lực, khiêu dâm, bị tiếp nhận/lôi kéo các thông tin nguy hiểm như khủng bố, bị sử dụng thông tin, hình ảnh cá nhân để phục vụ các mục đích xấu.
Năm 2014, Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP) và Bộ LĐ-TB&XH thực hiện khảo sát về những trải nghiệm không mong muốn của trẻ em khi sử dụng Internet. Kết quả cho thấy, có khoảng 36,4% trẻ em có những trải nghiệm không mong muốn liên quan đến bạo lực; 13,2% trẻ em buộc phải tiếp xúc không mong muốn với tài liệu khiêu dâm; 15,7% trẻ gặp hành vi dụ dỗ tình dục qua mạng; 2% trẻ nhận được yêu cầu tiết lộ thông tin cá nhân/hình ảnh không mong muốn.
Năm 2017, Tổng đài tư vấn của Trung tâm phát triển cộng đồng và công tác xã hội (Codes) cho biết nhận được nhiều phản ánh của trẻ về việc bị một số người mạo danh là nhân viên của các công ty lớn muốn lấy thông tin và sẽ tặng quà nếu đồng ý cung cấp thông tin.
Đơn cử như cuộc điện thoại của một nữ sinh lớp 9 ở Hà Nội. Nữ sinh này cho biết quen một người chị qua mạng xã hội. Người này giới thiệu làm việc ở công ty giày thể thao nổi tiếng, đang thu thập mẫu sinh trắc học của trẻ. Người này hứa sẽ gửi tặng nữ sinh đôi giày mới sau khi cung cấp thông tin. Và học sinh đã livestream khỏa thân cho người quen qua mạng xã hội xem. Sau khi đã có video trong tay, đối tượng kia ép nữ sinh phải làm những động tác khiêu dâm khác theo yêu cầu, nếu không sẽ bị tung hình ảnh lên mạng internet.
Ông Lê Thế Nhân, Giám đốc Codes trao đổi với báo chí: “Các em khi bị xâm hại đa phần sợ hãi, mặc cảm, tự ti và không dám chia sẻ, tố giác kẻ phạm tội. Trẻ bị lạm dụng, bóc lột qua internet để lại hậu quả nghiêm trọng về tâm lý, sức khỏe”.
Những “cánh tay” bảo vệ trẻ trên không gian mạng
Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng internet nói riêng. Bên cạnh việc tham gia Công ước quyền trẻ em và ký kết các nghị định thư liên quan, hệ thống luật trong nước như: Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí và mới đây nhất là Luật An ninh mạng 2018 đều có những điều khoản để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Việt Nam cùng với hơn 50 quốc gia, 20 tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới tham dự và ký tuyên bố hành động tại hội nghị thượng định về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng trực tuyến tháng 12/2014 tại Anh và tháng 11/2015 tại Các tiểu vương quốc A rập thống nhất nhằm cùng cố nỗ lực toàn cầu trong việc phòng chống xâm hại và bóc lột trẻ em trong môi trường trực tuyến.
Nếu coi những nỗ lực xây dựng pháp luật, hợp tác là những cánh tay để bảo vệ trẻ em thì để phát huy sức mạnh đoàn kết của những cánh tay này, cần phải xây dựng một mạng lưới bảo vệ. Đây chính là vòng tròn bảo vệ trẻ em được kết nối từ những cánh tay.
Ý tưởng về một mạng lưới quốc gia bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được Cục Trẻ em, Tổ chức ChildFun Việt Nam, Viện Nghiên cứu và phát triển bền vững MSD, Trung tâm Công nghệ thông tin – truyền thông Vietnet đưa ra tại hội thảo Xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng ngày 12/7/2018.
Theo ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em, mạng lưới quốc gia bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chính là cơ sở để trách nhiệm và mối quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và giới truyền thông được thực hiện cụ thể hơn.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em, ông Michael Gray – Giám đốc chương trình Quỹ Sec Dev Canada cho biết, trong thời đại công nghệ số phát triển rộng rãi và len lỏi tới mọi ngóc ngách của cuộc sống, chỉ có cách tiếp cận phối hợp đa bên, đa ngành là phương thức tối ưu giải quyết nhiều vấn đề một lúc liên quan đến bảo vệ trẻ em từ phòng ngừa, can thiệp, tới hỗ trợ.
Trong khuôn khổ hội thảo, Microsofl Việt Nam, ChildFun Việt Nam và Cục Trẻ em đã ký kết Thỏa thuận hợp tác về bảo vệ trẻ em trong đó có bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Theo thỏa thuận này, Microsofl sẽ hỗ trợ ChildFun, hợp tác với Cục Trẻ em trong hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, xây dựng hệ thống thông tin và phát triển ứng dụng, giải pháp kỹ thuật bảo vệ trẻ em và báo cáo các trường hợp trẻ em bị xâm hại.