Giải mã những 'vùng tối' Tam quốc diễn nghĩa (Kỳ 35): Giang Đô đối sách

Tôn Sách từ chối cho Viên Thuật mượn quân. Bản in Tam quốc diễn nghĩa năm 1605
Tôn Sách từ chối cho Viên Thuật mượn quân. Bản in Tam quốc diễn nghĩa năm 1605
(PLO) -Một trong những sự kiện tiêu biểu nhất của câu chuyện Tam quốc là cuộc đối thoại giữa Lưu Bị và Gia Cát Lượng trong lều tranh ở Long Trung. Tại đây, Gia Cát Lượng đã vạch ra chiến lược tranh giành thiên hạ cho Lưu Bị. Đó chính là cái gọi là Lượng chưa ra khỏi lều tranh, đã biết thiên hạ chia ba. Chiến lược của Gia Cát Lượng được gọi là “Long Trung đối sách”. 

Dịch Trung Thiên cho biết rằng ngoài “Long Trung đối” của Lưu Bị ra còn có ba chiến lược tranh thiên hạ khác xuất hiện sớm hơn, tạm gọi là những phiên bản của Long Trung đối: phiên bản của Viên Thiệu do Thư Thụ đề xuất (thực ra Thiệu đã có sẵn một chiến lược tương tự, đã nói ở phần đầu), phiên bản của Tào Tháo do Mao Giới đề xuất, phiên bản của Tôn Quyền do Lỗ Túc đề xuất. Tuy nhiên phiên bản của Tôn Quyền lại được xây nền trên một chiến lược tranh thiên hạ khác xuất hiện sớm hơn. Đó là “Giang Đô đối sách” do Tôn Sách thảo luận với Trương Hoành.

Chiến lược tổng thể

Trong năm phiên bản Long Trung đối cuối thời Đông Hán (Viên Thiệu, Tào Tháo, Tôn Sách, Tôn Quyền, Lưu Bị) thì phiên bản của Viên Thiệu và Tôn Sách đặc biệt hơn ba bản còn lại, vì nó là từ chính miệng của bá chủ mà đề xuất ra, chứ không phải do mưu sĩ mách nước rồi mới biết. Viên Thiệu đã công bố chiến lược của mình với Tào Tháo từ trước khi gặp Thư Thụ. Còn Tôn Sách thì chủ động đem chiến lược của mình đến hỏi Trương Hoành về tính khả thi của nó. Trương Hoành chỉ xác nhận xem có thể làm được hay không.

Cuộc đối thoại này được chép lại trong sách Ngô lịch. Tôn Sách tới Giang Đô, nói với Trương Hoành: “Sách tuy tối dạ trẻ dại, trộm có chí mọn, muốn theo Viên Dương châu (Viên Thuật) xin đám quân tàn của tiên quân, đi sang chỗ cậu ở Đan Dương, thu gom những kẻ lưu tán, đi về đông trú ở Ngô Cối, báo thù rửa nhục, làm kẻ bên ngoài của triều đình, ngài thấy thế nào?”. Chiến lược mà Tôn Sách đề xuất nói rõ ra là: dựa vào lực lượng cũ của Tôn Kiên, lấy Đan Dương làm bàn đạp, phát triển lực lượng, tiến lên chiếm quận Ngô và quận Cối Kê, rồi đánh Lưu Biểu để báo thù, làm ngoại phiên của nhà Hán.

Trương Hoành đã xác nhận tính khả thi của chiến lược này, đồng thời nâng cao nó lên. Hoành nói: “Ngày xưa đạo nhà Chu đổ nát, gặp lúc Tề Tấn cùng hưng, vương thất dựng lại, chư hầu tiến cống. Nay ngài đi theo vết xe của tiên hầu, lại có cái danh kiêu vũ. Nếu như đầu về Đan Dương, lấy quân Ngô Cối, thì ắt Kinh, Dương thống nhất, thù xưa trả được; chiếm cứ Trường Giang, ban bố uy đức, diệt trừ bọn xấu, phò giúp Hán thất; công nghiệp ngang với Hoàn, Văn, há chỉ là bọn bè đảng ở bên ngoài thôi đâu”.Tôn Sách chỉ mới dám nói đến báo thù. Trương Hoành đã nâng cao mục tiêu lên thành thống nhất hai châu Kinh, Dương, chiếm cứ Trường Giang, thu phục lòng dân, mượn danh thiên tử để đánh kẻ chống lại, làm thành cơ nghiệp bá chủ của Tề Hoàn công, Tấn Văn công thời Xuân Thu. Đó là chiến lược tranh thiên hạ mà Tôn Sách sẽ thực hiện.

Hán Hiến đế, Tào Tháo và Tôn Sách, do Tsukioka Yoshitoshi vẽ năm 1883
Hán Hiến đế, Tào Tháo và Tôn Sách, do Tsukioka Yoshitoshi vẽ năm 1883

Bình định ba quận

Phần đầu của chiến lược này thì ta đã biết: Tôn Sách từ Lịch Dương vượt sông Trường Giang đánh các cứ điểm dọc sông của Lưu Dao ở Đan Dương, rồi tiến lên đánh Cối Kê, và Chu Trị tự mình bình định quận Ngô. Quận Đan Dương bị Viên Thuật sai em họ đến cai trị. Nhưng vào lúc trở mặt với Viên Thuật, Tôn Sách đã cho Từ Côn đi đánh chiếm lại. Tôn Sách làm thế rõ ràng là đã tuyên chiến với Viên Thuật.

Tôn Sách cũng đã chuẩn bị trước cho cuộc chiến ấy. Vào lúc Viên Thuật xưng đế, Tôn Sách cũng đã cắt đứt với Viên Thuật và chạy sang xưng thần với triều Hán của Tào Tháo. Tào Tháo lại rất là coi thường Tôn Sách.Tam quốc diễn nghĩa có kể rằng, Tháo nói Tôn Sách là “sư nhi” (sư tử non), không thể cùng tranh hơn với hắn. Thực ra câu nói gốc trong Tam quốc chí còn nặng nề hơn. Tào Tháo gọi Sách là “chế nhi”, tức là chó điên, có dị bản chép là khế nhi – thằng khùng. Bất kể là chó điên hay thằng khùng thì đều “chẳng thể cùng nó tranh phong”.Chỉ có thể xua chó điên đi cắn người khác. Tào Tháo vừa phong cho Sách làm Kỵ đô úy, Thái thú Cối Kê, Ô Trình hầu thì liền ra lệnh cho Tôn Sách tới Quảng Lăng hội họp với Từ Châu mục Lữ Bố, An Đông tướng quân, hành Thái thú Ngô quận Trần Vũ để đánh dẹp Viên Thuật. 

Tôn Sách thể hiện ngay bản chất chó điên. Sách cho rằng chức Kỵ đô úy coi quận là quá nhỏ, đòi sứ giả của Tháo quyền nghi phong mình làm tướng quân. Sứ giả đành nghe theo, phong Sách làm Minh Hán tướng quân. Tôn Sách bèn kéo quân tới Hải Tây là trị sở của Trần Vũ để cùng Vũ và Lữ Bố bàn kế đánh Viên Thuật.

Tôn Sách không ngờ trong cái bánh mà Tào Tháo đưa cho đã có bỏ thuốc. Trần Vũ ở Quảng Lăng, nhưng Tào Tháo lại cho làm hành Thái thú Ngô quận thuộc địa bàn của Tôn Sách. Chu Trị đang cai quản quận này, nhưng chưa được lệnh của triều đình. Thế là một mặt Trần Vũ sửa soạn để đánh úp Tôn Sách ở Tiền Đường thuộc quận Ngô, đồng thời phát hơn ba mươi cái ấn cho đám quân của Tổ Lang, Tiêu Dĩ ở các huyện Đan Dương, Tuyên Thành, Kính, Lăng Dương, Thủy An, Y, Hấp và đám tàn quân của Nghiêm Bạch Hổ ở Ô Trình. Tóm lại là khuấy động một dải Đan Dương – Ngô quận của Tôn Sách, đợi Tôn Sách phát binh đi đánh Viên Thuật thì sẽ khởi binh đánh chiếm địa bàn của Sách từ phía sau.

May mắn là Tôn Sách phát hiện kịp. Sách tự mình đi đánh Nghiêm Bạch Hổ ở Ô Trình, phái Lữ Phạm, Từ Dật lên Quảng Lăng đánh Trần Vũ, đại phá quân Vũ ở Hải Tây, bêu đầu đại tướng Trần Mục, bắt được bốn ngàn người.Trần Vũ chạy đi đầu hàng Viên Thiệu. Tôn Sách lại dẫn Lữ Phạm, Tôn Hà, Tôn Phụ đi đánh bại Tổ Lang, bắt sống Lang, cũng bắt luôn Thái Sử Từ ở huyện Kính. Tôn Sách không giết họ, mà còn thu dùng Tổ Lang, Thái Sử Từ làm tướng. Lúc quay về còn cho họ đi đầu hàng quân.

Địa bàn của Tôn Sách trước trận Quan Độ
Địa bàn của Tôn Sách trước trận Quan Độ

Chiến dịch phía tây

Tôn Sách về cơ bản đã đánh dẹp được những đám giặc lớn ở ba quận (tuy nhiên Nghiêm Bạch Hổ vẫn còn).Lúc này đế chế Trọng Gia đã sụp đổ, Viên Thuật đã chết. Tàn quân của Viên Thuật theo về với đại tướng của Thuật là Lưu Huân ở Lư Giang. Một bộ phận khác của Trương Huân lại muốn theo Tôn Sách, nhưng bị Lưu Huân đánh chặn. Đám người của Lưu Huân quá đông, không đủ lương thực.Huân bèn sai người qua sông tới hỏi xin lương thực của Thái thú Dự Chương là Hoa Hâm.Hâm là hạng có đức mà chẳng có tài, địa bàn rộng, lương thực cũng phong phú mà không khống chế được, nên chẳng cấp được gì.Người của Huân trở về báo lại.Lưu Huân liền nảy lên ý đồ đi đánh Dự Chương.

Tôn Sách chừng như cũng biết được ý đồ đó. Lúc nghe tin Lưu Dao đã chết ở Dự Chương, Sách sai Thái Sử Từ tới đó thăm dò tình hình rồi về báo, và lên kế hoạch lấy Dự Chương. Đây là một chiến dịch đã được tính toán kỹ lưỡng. Có lẽ vì nghĩ đời người ngắn ngủi, Tôn Sách muốn gom tất cả phiền não cùng giải quyết một lúc.

Đầu tiên Tôn Sách kết giao với Lưu Huân, rồi viết thư xui Huân đi đánh đám tông dân cát cứ ở hai huyện Thượng Liễu, Hải Hôn thuộc quận Dự Chương. Lưu Huân cũng vốn muốn đánh chỗ đó để cướp lương thực, bèn cất quân đi. Tôn Sách đánh tiếng là đi về tây đánh Hoàng Tổ, kéo quân tới Thạch Thành. Nghe tin Lưu Huân đã đem quân đi, Sách lập tức điều binh khiển tướng: sai Tôn Bôn, Tôn Phụ đem tám ngàn quân mai phục đánh Huân ở Bành Trạch, tự mình cùng Chu Du đem hai vạn quân đánh sào huyệt của Huân ở Hoàn Thành. Huân trúng mai phục, lại nghe tin sào huyệt đã mất, bèn chạy về hướng tây bắc tới huyện Nghi, cầu cứu Thái thú Giang Hạ là Hoàng Tổ - thuộc hạ của Lưu Biểu.

Tổ sai con là Hoàng Xạ đem năm ngàn quân thủy đi cứu. Tôn Sách kéo tới, đánh tan họ. Huân chạy sang hàng Tào Tháo. Tôn Sách thừa thắng tiến đánh Hạ Khẩu ở huyện Sa Tiễn quận Giang Hạ, phá quân Hoàng Tổ, chém Lưu Hổ, Hàn Hi. Sau đó Tôn Sách quay quân trở về Dự Chương. Thái thú Hoa Hâm liền mở cửa thành đầu hàng. Tôn Sách đánh luôn Thái thú Lư Lăng tự xưng là Đồng Chi. Đến lúc này về cơ bản Tôn Sách đã có các quận: Ngô, Cối Kê, Đan Dương, Dự Chương, Lư Lăng; ba quận Cửu Giang, Lư Giang, Giang Hạ đều chiếm được một nửa. Tôn Sách sẽ làm gì tiếp theo?.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.