Điều chắc chắn là Tôn Kiên đã để lại cho nhà họ Tôn một di sản hết sức đáng ngờ mà con trai ông ta là Tôn Sách phải cố gắng thoát ra.
Khai quốc công thần
Tôn Kiên chết trong khi chiến dịch tập kích Lưu Biểu đang hồi thắng lợi. Chỗ mà Kiên chết là Hiện Sơn, một ngọn núi phía đông nam thành Tương Dương. Xác của Tôn Kiên có lẽ đã rơi vào tay Lưu Biểu. Người quận Trường Sa là Hoàn Giai trước đây chịu ơn Tôn Kiên tiến cử làm Hiếu liêm, nên chịu gian nan tới xin Lưu Biểu cho mình chôn Kiên. Lưu Biểu khẳng khái đồng ý.
Cháu họ của Tôn Kiên là Tôn Bôn nắm giữ đám tàn quân của Tôn Kiên. Tôn Bôn là con trai của Tôn Khương, mà Khương là anh sinh đôi của Tôn Kiên. Sau khi Kiên chết, Bôn thống suất bộ khúc của Kiên, rồi đưa linh cữu Kiên về ở huyện Khúc A chôn cất. Lúc này Viên Thuật, Viên Thiệu phát động cuộc chiến tranh Viên-Viên. Viên Thuật tiến vào địa bàn của Tào Tháo – đồng minh của Viên Thiệu – và bị Tháo đánh bại. Thuật chạy về quận Cửu Giang và giết Thứ sử Dương Châu là Trần Ôn. Tôn Bôn lại đem bộ khúc của Tôn Kiên tới giúp đỡ “minh chủ” Viên Thuật. Trên thực tế, nhà họ Tôn một lần nữa có công giúp Viên Thuật bành trướng địa bàn ở Hoài Nam, đặt nền móng cho đế chế Trọng Gia.
Lúc này Viên Thiệu thừa thắng sai Chu Ngang tới làm Thái thú Cửu Giang. Thế là Viên Thuật sai Tôn Bôn đi đánh, phá quân Ngang ở Âm Lăng, giữ vững địa bàn Cửu Giang. Tôn Bôn liền được thưởng chức Thứ sử Dự Châu (chức cũ mà Thuật đã phong cho Tôn Kiên).
Một quận khác nữa rơi vào tay Viên Thuật là quận Đan Dương, cũng lại là công lao của bên nhà ngoại họ Ngô. Em trai của mẹ Tôn Sách là Ngô Cảnh thường theo Tôn Kiên đi chinh phạt, được phong Kỵ đô úy. Tôn Kiên chết, cũng giống như Tôn Bôn, Ngô Cảnh ở lại phục vụ cho “chúa công” Viên Thuật. Thuật sai Cảnh đi đánh Thái thú Đan Dương là Chu Hân, chiếm quận Đan Dương. Viên Thuật bèn rút “Thứ sử” Dự Châu là Tôn Bôn đi làm Đô úy Đan Dương, để đánh người Sơn Việt. Người Sơn Việt ấy, khéo thay, lại có họ Lưu, tên Dao, tự là Chính Lễ, dòng dõi Tề Hiếu vương nhà Hán, được vua Hán phong làm Thứ sử Dương Châu!
Tôn Sách, tranh minh họa thời Thanh |
Một quận thứ ba rơi vào tay Viên Thuật cũng là nhờ người nhà họ Tôn. Người đó là Tôn Sách. Tôn Sách đã nhận lệnh của Viên Thuật đi đánh Thái thú Lư Giang là Lục Khang, mà Lục Khang lúc này chống Viên Thuật là vì cho Thuật là kẻ tiếm nghịch. Viên Thuật đến xin ba vạn hộc gạo để đánh Từ Châu. Lục Khang không cho. Thế là Thuật nổi giận sai Tôn Sách tới đánh, bao vây mấy vòng. Lục Khang là người có đức, rất nhiều quan lại sĩ tốt lén vào thành giúp Khang. Theo Hậu Hán thư, Khang chống chọi được hai năm thì thành mới bị phá (!), nhưng Lục Khang không bị giết mà là bệnh chết sau đó.
Địa bàn mà Viên Thuật quản trị hoàn toàn do nhà họ Tôn thu về. Có thể nói, từ đời Tôn Kiên, họ Tôn là “khai quốc công thần” của đế chế Trọng Gia. Tôn Kiên đã cướp quận Nam Dương giàu có cho Viên Thuật làm vốn phát động chiến tranh Viên-Viên và đang vì Thuật mà đi thu phục Tương Dương. Tôn Bôn, Ngô Cảnh, Tôn Sách mở ra ba quận cho Viên Thuật có vốn xưng đế. Thế nhưng, theo Tam quốc chí, Viên Thuật lại làm phật lòng Tôn Sách, rốt cuộc là vì sao?
Minh chủ “vắt chanh”
Tam quốc chí vừa nhấn mạnh công lao của Tôn Sách đối với Viên Thuật, vừa lên án Thuật là kẻ thất hứa. Viên Thuật từng hứa cho Sách làm Thái thú Cửu Giang, nhưng rồi lại dùng Trần Kỷ chứ không dùng Sách. Khi đánh Lư Giang, Thuật lại hứa cho Sách làm Thái thú Lư Giang, nhưng rồi lại dùng thuộc hạ của mình là Lưu Huân đi nắm giữ chức ấy. Tôn Sách bất bình.
Viên Thuật làm vậy tất nhiên cũng có lý do riêng. Ta đã biết cơ nghiệp Trọng Gia hoàn toàn là do nhà họ Tôn dựng lên, mà Viên Thuật đối với Tôn Kiên đã có sẵn sự dè chừng. Viên Thuật không thể để nhà họ Tôn nắm hết quyền lực ở địa phương trong địa bàn của mình, mà phải dùng phương pháp dỗ ngọt để họ đi mở mang bờ cõi, rồi đưa người thân tín của mình tới cai trị. Đó mới là thượng sách. Huống hồ Tôn Sách đến với Viên Thuật e rằng cũng không phải là thực lòng mà còn có ý khác.
Ngay từ thời còn ở Giang Đô, Tôn Sách đã “ba lần đến lều tranh” tìm danh sĩ Trương Hoành để hỏi chiến lược bình định thiên hạ. Cuộc nói chuyện giữa Tôn Sách và Trương Hoành chính là “Long Trung đối” đầu tiên của tập đoàn họ Tôn. Tôn Sách đã bày tỏ trước rằng: “Sách tuy tối dạ trẻ dại, trộm có chí mọn, muốn theo Viên Dương châu (Viên Thuật) xin đám quân tàn của tiên quân, đi sang chỗ cậu ở Đan Dương, thu gom những kẻ lưu tán, đi về đông trú ở Ngô Cối, báo thù rửa nhục, làm kẻ bên ngoài của triều đình, ngài thấy thế nào?”.
Trương Hoành nói rằng: “Ngày xưa đạo nhà Chu đổ nát, gặp lúc Tề Tấn cùng hưng, vương thất dựng lại, chư hầu tiến cống. Nay ngài đi theo vết xe của tiên hầu, có cái danh kiêu vũ. Nếu như đầu về Đan Dương, lấy quân Ngô Cối, thì ắt Kinh, Dương thống nhất, thù xưa trả được; chiếm cứ Trường Giang, ban bố uy đức, diệt trừ bọn xấu, phò giúp Hán thất; công nghiệp ngang với Hoàn, Văn, há chỉ là bọn bè đảng ở bên ngoài thôi đâu. Ngày nay đời loạn lắm nạn, nếu như công đã thành, việc đã nên, đáng cùng bè bạn đi về nam mà qua sông vậy”. Tôn Sách nghe nói như vậy, bèn gửi mẹ và em ở chỗ Trương Hoành, rồi tới gặp Viên Thuật.
Trương Hoành (trái) can gián Tôn Sách. Cuộc nói chuyện giữa hai người ở Giang Đô là chiến lược tranh thiên hạ đầu tiên của họ Tôn ở Giang Đông |
Quá trình Tôn Sách đến gặp Viên Thuật đã bị cắt bớt khá nhiều. Sử thần nước Ngô hẳn là muốn tinh giản đến hết mức sự dính dáng giữa Viên Thuật và Tôn Sách. Kỳ thực việc Sách đến Giang Đô là hết sức khó hiểu. Trương Hoành có nói Sách “nếu công đã thành, việc đã nên”, tức là bảo Sách đến Giang Đô là có sự vụ gì đó. Tam quốc chí nói “Từ châu mục Đào Khiêm rất úy kỵ Sách”. Vậy rõ ràng Tôn Sách tới Quảng Lăng không phải để chơi, mà rất có thể là để xâm phạm bờ cõi – vì Quảng Lăng thuộc Từ Châu. Sau này Lưu Bị đánh Viên Thuật, giữa chừng bị mất Từ Châu cũng sẽ rẽ qua đánh úp Quảng Lăng, “cùng Viên Thuật giao chiến”.
Tôn Sách sau khi “công đã thành, việc đã nên” ở Quảng Lăng thì quay về gặp Viên Thuật, ngỏ ý xin lại bộ khúc cũ của Tôn Kiên. Viên Thuật không cho, mà bảo Tôn Sách tới chỗ cậu và anh họ Sách là Ngô Cảnh, Tôn Bôn ở Đan Dương để mộ quân. Tôn Sách mộ được mấy trăm người, nhưng bị đại soái huyện Kính là Tổ Lang đánh úp, suýt chết. Thế là Tôn Sách trở lại gặp Viên Thuật. Có lẽ nhờ công lao “vào sinh ra tử” đó, Viên Thuật mới mềm lòng trả lại bộ khúc cũ của Tôn Kiên, sai đi đánh Lục Khang ở Lư Giang.
Tôn Sách lúc này cực chẳng đã lại phải đi theo con đường của Tôn Kiên ngày trước, chăm chăm tiến đánh trung thần, tông thất nhà Hán. Nếu như cứ mãi sa lầy trên con đường đó thì Tôn gia làm sao đủ can đảm vỗ ngực xưng là trung thần Hán triều. Rốt cuộc mối dây chủ tớ giữa nhà họ Tôn và Viên Thuật đến khi nào mới đứt?.