Vì vậy, ông ta vừa không muốn trả quân, vừa muốn dồn hai nhà nội ngoại họ Tôn vào một chỗ, đấy là quận Đan Dương. Viên Thuật cũng học theo cách mà Tào Tháo lợi dụng Lữ Bố, đã lợi dụng được Tôn Sách để mở mang địa bàn của mình. Tôn Sách lại phải tìm cách thoát ra khỏi vòng kềm tỏa ấy mà thực hiện “Giang Đô đối sách”.
Tôn Sách qua sông
Cuộc xung đột giữa tân Thứ sử Dương Châu là Lưu Dao với Ngô Cảnh, Tôn Bôn đã cho Tôn Sách một cơ hội lớn. Lưu Dao sau khi vào Đan Dương thì đuổi Ngô Cảnh, Tôn Bôn. Hai người chạy qua sông Trường Giang về trú ở Lịch Dương. Lưu Dao liền sai Phàn Năng, Vu Mi bày quân ở bến Hoành Giang, Trương Anh đóng giữ Đương Lợi khẩu, chẹn sông Trường Giang để chống cự Viên Thuật. Viên Thuật liền sai thuộc hạ cũ của mình là Huệ Cù làm Thứ sử Dương Châu, sai Ngô Cảnh làm Đốc quân Trung lang tướng, cùng Đô úy Đan Dương là Tôn Bôn đi đánh Lưu Dao. Nhân tiện, Viên Thuật cũng đổi luôn chức Thái thú Đan Dương, giao cho Chu Thượng (chú của Chu Du) làm chức ấy.Nhà họ Tôn từ đó chính thức không còn nắm giữ bất cứ địa bàn nào trong lãnh địa của Viên Thuật.
Chiến sự diễn ra suốt một năm mà không thắng nổi. Tôn Sách bèn nhân dịp này xin Viên Thuật cho mình đi giúp cậu.Giang Biểu truyện cho biết Sách nói với Thuật: nếu phá được Hoành Giang thì có thể dựa vào đất cũ, chiêu mộ được ba vạn quân, giúp đỡ cho Viên Thuật. Viên Thuật biết tỏng lòng dạ của Tôn Sách, nhưng cho rằng Lưu Dao đóng ở Khúc A, Vương Lãng chiếm cứ Cối Kê.Tôn Sách sẽ chẳng làm gì nổi hai người đó, thế là cho đi.
Viên Thuật đề cử Tôn Sách làm Chiết Xung hiệu úy, hành Điễn Khấu tướng quân, cấp cho hơn ngàn người, mấy chục con ngựa cùng với quân trang tương ứng. Tôn Sách tỏ ra là có tài lãnh đạo. Có mấy trăm tân khách tình nguyện đi theo sách. Lúc gần đến Lịch Dương, dưới quyền của Sách đã tăng lên năm, sáu ngàn người, chiến tướng thì có Trình Phổ, Hoàng Cái, Hàn Đương, Chu Trị, Tống Khiêm. Bạn cũ của Tôn Sách là Chu Du tới thăm cậu ở Lịch Dương. Sách đưa thư cho Du. Du cũng đem quân đi theo Sách.
Trước tiên Tôn Sách qua sông, đánh úp kho lương của Lưu Dao ở ghềnh Ngưu Chử, rồi đi sang phía đông đánh Tiết Lễ, Trích Dung ở Mạt Lăng. Tiết Lễ đóng ở trong thành, Trích Dung thì ở phía nam huyện. Sách đánh Dung trước. Dung thua, chạy vào trại cố thủ.Tôn Sách liền cho quân vượt sông Trường Giang đánh phía bắc thành Mạt Lăng. Tiết Lễ bỏ thành chạy.
Tôn Sách đánh nhau với Nghiêm Bạch Hổ |
Phàn Năng, Vu Mi ở phía sau tập kích đoạt lại trại Ngưu Chử. Tôn Sách quay quân về, đánh tan bọn họ, bắt được mấy vạn nam nữ, rồi lại quay lại đánh Trích Dung. Đang lúc chiến đấu, Sách bị trúng tên ở đùi, đành phải quay về Ngưu Chử. Trích Dung nghe tin đồn là Sách đã chết, bèn sai Vu Tư dẫn quân tới đánh. Sách đặt phục binh, phá Tư, rồi lại thừa thắng kéo tới chỗ Dung. Trích Dung lại cố thủ không ra. Tôn Sách thấy Dung giữ chỗ hiểm thì chuyển sang bình định các huyện Hải Lăng, Hồ Thục, Giang Thừa ở quận Đan Dương. Lưu Dao bỏ địa bàn, chạy tới Đan Đồ, rồi ngược lên định chiếm quận Dự Chương. Trích Dung cũng tới Dự Chương, giết Thái thú Chu Hạo. Dung, Dao lại đánh nhau. Dung thua trận chạy vào trong núi, bị dân núi giết chết.Lưu Dao giữ Dự Chương, ít lâu sau thì chết.
Tôn Sách liền sang phía đông đánh Vương Lãng, Nghiêm Bạch Hổ ở Cối Kê, sai người gọi chú là Tôn Tĩnh ở quận Ngô đem lực lượng hương binh tới hội họp ở Tiền Đường. Chu Trị từ Tiền Đường thì tiến đến quận Ngô. Thái thú quận Ngô là Hứa Cống chặn đánh ở Do Quyền, bị Trị đánh tan. Cống chạy tới Cối Kê theo Nghiêm Bạch Hổ.
Vương Lãng định thuyết phục quận Dự Chương cùng giáp công Tôn Sách.Nhưng sứ giả chưa đến nơi thì Sách đã kéo đến. Vương Lãng ra chặn Sách ở Cố Lăng. Sách đánh mãi không thắng. Tôn Tĩnh liền hiến kế lẻn đi đánh chiếm Tra Độc, tiến vào hậu phương của Lãng. Sách nghe theo, bèn nhân đêm tiến đến Tra Độc, đánh đồn Cao Thiên. Vương Lãng chia quân cho Chu Hân đến đánh Sách, bị Sách phá tan.Lãng kinh hoàng vứt bỏ Cối Kê chạy về phía đông, bị Sách truy kích phải đầu hàng.
Nghiêm Bạch Hổ đóng thành giữ chắc, sai em là Dư tới cầu hòa với Tôn Sách. Sách giết Dư ngay giữa bữa tiệc, rồi kéo quân tới đánh Hổ. Hổ thua trận chạy đến Dư Hàng.
Chia tay minh chủ
Tôn Sách đoạt lại Đan Dương, bình định Ngô, Cối. Trong quá trình đó, bóng ma của minh chủ Viên Thuật vẫn còn lởn vởn. Hậu Hán thư viết:“Dương châu Thứ sử Lưu Dao cùng tướng của Viên Thuật là Tôn Sách đánh nhau ở Khúc A”. Hay như Hậu Hán kỷ chép: “Viên Thuật sai Tôn Sách xâm lược đất Giang Đông”. Nói cách khác, Tôn Sách xuống Giang Đông là mở mang bờ cõi cho Viên Thuật chứ chưa phải khai sáng cơ nghiệp cho bản thân. Chức Thái thú Đan Dương của Ngô Cảnh đã sớm bị Thuật đưa sang cho Chu Thượng. Chiến thuật sai Tôn Sách tiến đánh rồi đưa người thân tín tới cai trị của Viên Thuật vẫn còn hiệu quả. Tôn Sách phải chống lại chiến lược đó bằng biện pháp thanh lọc nội bộ.
Người bị Tôn Sách đuổi đi đầu tiên là người bạn tốt Chu Du. Sau khi tiến vào Khúc A, bấy giờ Sách đã có khoảng hai vạn quân, hơn nghìn con ngựa. Sách nói với Chu Du rằng: “Ta dùng số quân này lấy Ngô, Cối, bình Sơn Việt là đủ. Khanh hãy quay về trấn thủ Đan Dương”. Thế là Chu Du trở lại chỗ cậu của mình là Chu Thượng. Lúc tiến vào Cối Kê, Tôn Sách lại bảo Ngô Cảnh, Tôn Bôn quay về Thọ Xuân báo tin với Viên Thuật. Tôn Sách mất quyền kiểm soát Đan Dương, nhưng ít ra còn giữ được Cối Kê và Chu Trị vẫn đóng ở quận Ngô, là người đã khuyên Tôn Sách bỏ Viên Thuật để xuống bình định Giang Đông. Viên Thuật sẽ sớm rút Chu Thượng về và cho em họ của mình là Viên Dận tới thay làm Thái thú Đan Dương.
Tôn Sách tiếp tục vai trò là một bề tôi của Viên Thuật và thực thi nghĩa vụ cống nạp. Cho đến năm Kiến An thứ hai (197), Viên Thuật chính thức xưng đế, Tôn Sách liền gửi thư can ngăn. Bức thư này do mưu sĩ Trương Hoành soạn thảo, vạch ra chín điều không nên xưng đế. Thế nhưng Viên Thuật vẫn cứ xưng đế. Tôn Sách liền gửi thư trách mắng, rồi cự tuyệt với Viên Thuật, lại sai Lưu Do, Cao Thừa tới Hứa Xương cống phương vật. Tào Tháo bèn phong Sách làm Kỵ đô úy, tước Ô Trình hầu, lĩnh Thái thú Cối Kê.Tôn Sách liền sai em họ là Từ Côn đem quân vào Đan Dương đánh đuổi Viên Dận về Thọ Xuân (mẹ của Từ Côn là em gái Tôn Kiên). Từ Côn được Sách cử làm Thái thú Đan Dương, Tôn Phụ (em Tôn Bôn) thì qua sông đóng ở Lịch Dương để chống cự Viên Thuật.
Bản đồ Tôn Sách bình định Giang Đông |
Tôn Sách lại gửi thư cho Ngô Cảnh, Tôn Bôn và người anh họ là Tôn Hương đều đang ở chỗ Viên Thuật. Viên Thuật ít đề phòng Ngô Cảnh hơn, lúc tranh Từ Châu với Lưu Bị (chắc là sau chiến dịch Hu Di, Hoài Âm) đã để Cảnh làm Thái thú Quảng Lăng. Ngô Cảnh liền bỏ Quảng Lăng trốn về Giang Nam. Tôn Sách đã sẵn nghi ngờ Từ Côn binh quyền quá lớn, nên rút Côn về Cối Kê, cho Ngô Cảnh làm Thái thú Đan Dương.
Tôn Bôn thì vẫn làm tướng cầm quân ở Thọ Xuân. Tam quốc chí nói lúc sắp xưng đế, Viên Thuật muốn cho Bôn làm Thái thú Cửu Giang.Bôn không đồng ý, bỏ hết vợ con trốn về Giang Nam. Tuy nhiên, Giang Biểu truyện lại nói rằng Viên Thuật đã dồn ép rồi bãi chức của Bôn. Tôn Hương là Thái thú Nhữ Nam cho Viên Thuật vì đường xa, không theo Tôn Sách mà ra sức cho Viên Thuật, chết ở Thọ Xuân.
Tôn Hương là trung thần cuối cùng của nhà họ Tôn phò tá đế chế Trọng Gia của Viên Thuật, làm tới chức Chinh Nam tướng quân (chức phong để đánh Tôn Sách?). Chu Du được Viên Thuật phong làm trưởng huyện Cư Sào ở Quảng Lăng cũng bỏ chức trốn theo Tôn Sách, dắt theo cả Lỗ Túc về Giang Nam. Hà Trác có nhận xét: “Sách lúc đầu là bộ khúc của Thuật, từ khi tuyệt giao với Thuật mới chính danh là phiên thần nhà Hán, có thể tự lập rồi”. Vậy Tôn Sách sẽ tự lập như thế nào?