Xóm Hoài Khao, cách Thị trấn Nguyên Bình 20 km, cách Quốc lộ 34 (Ngã ba Sơn Đông) khoảng 10km. Đây là một xóm nhỏ với 35 hộ dân, nằm biệt lập trong một thung lũng, với 100% là người dân tộc Dao Tiền.
Bà con dân tộc nơi đây luôn gìn giữ và bảo tồn nguyên vẹn những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc, từ kiến trúc nhà cửa, đời sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng, trang phục, tiếng nói… đến đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Nơi đây nổi tiếng với kỹ thuật in hoa văn sáp ong độc đáo và mang nhiều dấu ấn đặc trưng riêng. Kỹ thuật này không chỉ là một phần của văn hóa dân tộc mà còn gắn liền với việc bảo vệ thiên nhiên.
Kỹ thuật in hoa văn sáp ong mang hồn cốt dân tộc Dao Tiền (Ảnh: Lê Hanh) |
Đã là phụ nữ Dao Tiền ai cũng phải biết đến vải in sáp ong
Phụ nữ Dao Tiền đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển các giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc. Từ khi còn nhỏ, các bé gái đã được gia đình và cộng đồng dạy dỗ về các kỹ năng và nghệ thuật truyền thống, trong đó có in hoa văn bằng sáp ong. Quá trình này không chỉ là học nghề mà còn là một phần của sự giáo dục về văn hóa, tâm linh và truyền thống.
Ngay từ nhỏ, các bé gái Dao Tiền đã được các bà, các mẹ dạy cách vẽ hoa văn bằng sáp ong, nhuộm chàm, và làm ra các sản phẩm thủ công. Đây là một phần không thể thiếu trong quá trình trưởng thành của họ. Mỗi người phụ nữ đều học cách vẽ những hoa văn đặc trưng, cách chọn và xử lý nguyên liệu, và cách thực hiện các bước nhuộm màu một cách chính xác.
Đã là phụ nữ giao tiền ai cũng biết đến vải in sáp ong (Ảnh : Lê Hanh) |
Các dịp lễ hội, cưới hỏi, và các sự kiện quan trọng trong gia đình đều là những cơ hội để phụ nữ Dao Tiền thực hành và truyền dạy kỹ năng in sáp ong.
Trong những dịp này, các bé gái thường được tham gia vào các hoạt động chuẩn bị, từ việc vẽ hoa văn, nhuộm vải đến may váy áo. Đây là cơ hội để họ học hỏi từ những người phụ nữ lớn tuổi hơn, và cùng nhau duy trì truyền thống.
Hoa văn trên trang phục thường mang ý nghĩa sâu sắc, biểu tượng cho sự tôn trọng đối với tổ tiên, thiên nhiên và cuộc sống. Việc biết cách in sáp ong không chỉ là một kỹ năng thủ công mà còn là biểu tượng của sự kết nối và tôn trọng các giá trị truyền thống. Điều này, làm cho việc học và biết cách in sáp ong trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của phụ nữ Dao Tiền.
Chị Bàn Thị Liên (xóm Hoài Khao, xã Quang Thành), người đã có nhiều năm kinh nghiệm làm vải in sáp ong chia sẻ với PV báo Pháp luật Việt Nam: “Năm ngoái, người dân Dao Tiền mở thành công một lớp truyền dạy in hoa văn sáp ong. Các cháu nhỏ được thực hành và nhanh chóng nắm được kỹ thuật. Đã là phụ nữ Dao Tiền ai cũng biết đến vải in sáp ong. Phụ nữ Dao Tiền mặc trang phục in sáp ong từ bé cho đến lớn. Trang phục đã trở thành một phần đặc biệt mang nhiều ý nghĩa trong cuộc sống của chúng tôi”.
Hang Ong Đá - hồn cốt của bản sắc văn hóa của dân tộc Dao Tiền
Người dân Hoài Khao hay người Dao Tiền nói chung gìn giữ cẩn trọng các tổ ong trên 2 vòm hang đá trong làng đó là Hang Chán Vềnh và hang Tà Lạc.
Các hang có từ 25 đến 30 tổ ong khổng lồ, với hàng nghìn con ong vây quanh tổ, được gọi tên là hang Ong Đá.
Hang Ong Đá được người dân Hoài Khao bảo vệ nghiêm ngặt, không được lấy mật và không cho người ngoài vào khai thác. Có một sự gắn kết và mối quan hệ hòa hợp giữa bầy ong và dân làng Hoài Khao hàng trăm năm qua.
Khi đàn ong di cư, để lại cho dân làng hàng chục tổ sáp ong. Bà con nấu sáp ong, in hoa văn trên trang phục truyền thống.
Chị Bàn Thị Liên cho biết thời điểm thu hoạch sáp ong vào chớm thu (thường là trước rằm tháng 7), lúc này đàn ong bay đi tránh rét để lại xác tổ ong. Và đến khi mùa xuân ấm áp, đàn ong lại quay về làm tổ.
Sau khi chọn được ngày tốt, từ sáng sớm trưởng xóm sẽ phân công nhau, mỗi người một việc, nhóm được phân công làm đồ lễ để thầy mo đi cúng, nhóm đi lấy củi, nhóm đi lấy sáp ong, nhóm nấu sáp ong.
“Nghi lễ cúng thần ong, thần rừng, cầu các vị thần phù hộ cho cả đoàn đi lấy sáp ong gặp may mắn và cầu cho năm sau ong quay về nhiều hơn. Việc leo lên thang cao dùng sào để chọc xác tổ ong xuống từ độ cao 2,3 chục mét khá nguy hiểm. Vì vậy dân làng sẽ cử những người đàn ông khỏe mạnh và cẩn thận để thực hiện công việc này, còn những người phụ nữ sẽ nhặt và buộc sáp ong đem về. Ngày lấy sáp ong, thực sự như một ngày hội của dân làng, mọi người đều đoàn kết thực hiện các nhiệm vụ”, chị Liên chia sẻ.
Có một sự gắn kết và mối quan hệ hoà hợp giữa bầy ong và dân làng Hoài Khao hàng trăm năm qua (Ảnh: Lê Hanh) |
Vỏ tổ ong sau khi thu hoạch về được bẻ nhỏ, cho vào chảo gang đun với nước. Khi nước sôi người dân sẽ ép nước sáp ong nguyên chất chảy xuống chảo nước lạnh. Sáp ong gặp nước lạnh sẽ kết tinh, tạo thành từng vỉa vàng óng nổi lên mặt nước.
Sau đó, vỏ sáp ong được vớt lên rửa sạch và bóp cho ra hết nước, cuối cùng là công đoạn cho vào chảo cô sáp ong thành từng miếng to. Khi hoàn thành sáp ong sẽ được cân chia đều cho các gia đình trong làng.
Chị Liên tiết lộ, tùy vào sản lượng sáp ong, mỗi gia đình sẽ được chia khoảng 1kg sáp ong, có năm ít thì được vài lạng. Với 1kg sáp ong sẽ nhuộm được 10 chiếc váy.
Kỹ thuật in sáp ong kỳ công – tinh hoa của phụ nữ Dao Tiền
Sáp ong đem đun cho tan chảy, sau đó lọc bỏ tạp chất. Sáp ong được đặt lên than hồng nhằm tạo độ nóng để sáp in thật ăn vải và rõ nét các hoa văn.
Sau khi dệt xong tấm vải trắng từ sợi bông, phụ nữ Dao Tiền dùng miếng đá phẳng, mịn cả 2 mặt để mài láng bóng, sau đó chia tấm vải thành nhiều ô, cột bằng nhau. Công việc này người phụ nữ thực hiện bằng tay, chấm các điểm cân đối thành hàng và phải làm liên tục khi nào hết khổ vải mới nghỉ.
Dụng cụ để in hoa văn cũng rất đơn giản, gồm các ống tre, trúc có đường kính to nhỏ khác nhau (từ 1,5cm- 2cm), để in các hình tròn. Các que vót mỏng uốn hình tam giác để in các đoạn thẳng và góc, lá chít ép phẳng dùng làm cữ.
Tùy theo các kiểu hoa văn, phụ nữ Dao Tiền sẽ dùng các dụng cụ phù hợp chấm vào sáp ong rồi in hoa văn lên mặt vải. Việc in ấn được làm liên tục khi nào hết khổ vải.
Khi sáp ong khô thì đem nhuộm chàm nhiều lần (từ 15- 20 lần), ngày đem phơi nắng, đêm ngâm chàm. Tấm vải khi ngâm phải luôn ngập nước chàm, dùng chân đạp kỹ cho vải thấm đều màu chàm để không bị loang lổ.
Sau khi nhuộm được màu chàm như ý, tấm vải sẽ được nhúng vào nước sôi, lúc này sáp ong bị nóng sẽ tan ra và hiện lên các hoa văn trên nền chàm. Những tấm vải in hoa văn sáp ong được phụ nữ Dao Tiền sử dụng chủ yếu để khâu váy.
Sáp ong để in hoa văn trên vải trắng sau khi nhuộm chàm, sáp ong sẽ giữ lại màu trắng của vải. Nét hoa văn sáp ong độc đáo in trên vải đã trở thành nét đặc trưng của người Dao Tiền.
Việc gìn giữ và bảo tồn truyền thống in hoa văn bằng sáp ong tại xóm Hoài Khao không chỉ giúp duy trì một phần di sản văn hóa quý báu mà còn góp phần bảo vệ thiên nhiên.
Sự tôn trọng đối với bầy ong và cây chàm trong quá trình sản xuất là minh chứng cho sự gắn kết giữa con người và môi trường, tạo nên một cộng đồng bền vững và hài hòa với thiên nhiên.
Người Dao Tiền luôn chú trọng đến việc bảo vệ môi trường sống xung quanh. Họ có những quy định nghiêm ngặt về việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo sự cân bằng sinh thái.
Việc thu hoạch sáp ong và lá chàm được thực hiện theo mùa, không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên. Các hoạt động này không chỉ bảo vệ hệ sinh thái mà còn duy trì nguồn nguyên liệu bền vững cho nghệ thuật in sáp ong.
Du khách trải nghiệm kỹ thuật in sáp ong (Ảnh : Lê Hanh) |
Việc duy trì và phát triển nghệ thuật này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Dao Tiền.
Sự gắn kết giữa con người và thiên nhiên trong quá trình in vải sáp ong là minh chứng cho một lối sống bền vững, hài hòa, nơi mà con người không chỉ sống dựa vào thiên nhiên mà còn bảo vệ và tôn trọng.