- BHXH TP Hồ Chí Minh trả lời: Đối với lao động nữ sinh năm 1960, có thời gian đóng BHXH dưới 20 năm thì thuộc đối tượng nhận trợ cấp BHXH 1 lần ngay sau khi nghỉ việc mà không cần chờ sau 1 năm. Mức hưởng BHXH của người lao động có thời gian đóng BHXH chưa đủ 1 năm được tính bằng 22% của các mức tiền lương tháng đã đóng BHXH, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Đề nghị cơ quan hướng dẫn người lao động liên hệ với BHXH Quận (huyện) nơi đang thường trú (ở Đồng Nai) hoặc tạm trú (nếu có sổ tạm trú ở Quận 9) để nộp hồ sơ trợ cấp BHXH 1 lần.
Hỏi: Ngày 23/10/2015, tôi đã nộp sổ BHXH và được nhận trợ cấp BHXH một lần. Tôi có thời gian đóng BHTN hơn 3 năm, nhưng chưa được hưởng chế độ. Nay tôi đi làm, công ty đóng BHXH cho tôi. Vậy, trường hợp của tôi có được dùng số sổ BHXH cũ không và có được nối tiếp thời gian đóng BHTN không khi đã nộp sổ BHXH hưởng trợ cấp một lần? (Ông Trần Văn Tuyền - Huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam)
- BHXH Việt Nam trả lời: Theo quy định tại Điểm 3.2.1, Khoản 3 và Điểm 5.3, Khoản 5, Điều 40 Quyết định số 1111/QĐ-BHXH ngày 25/10/2011 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về việc ban hành Quy định quản lý thu BHXH, BHYT; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT thì, “cấp Giấy xác nhận thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng cho người hưởng BHXH một lần nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp (Mẫu số C15-TS); người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng thì in bìa sổ kèm theo tờ rời ghi quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng, số sổ BHXH lấy theo số sổ BHXH đã cấp”. Trường hợp của ông Tuyền đã được nhận trợ cấp BHXH 1 lần nhưng còn thời giam tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng thì được cơ quan BHXH nơi giải quyết BHXH 1 lần cấp Giấy xác nhận thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng (Mẫu số C15-TS). Khi ông Tuyền đi làm và đóng BHXH ở đơn vị mới thì nộp Giấy xác nhận thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng (Mẫu số C15-TS) để cơ quan BHXH làm căn cứ ghi, cấp sổ BHXH cho ông.
Hỏi: Em làm việc từ tháng 3 - 9/2014, đóng BHXH được 7 tháng (không có điều kiện đóng tiếp), mức lương đóng BHXH là 6.000.000 đồng. Đến tháng 7/2016 em rút BHXH 1 lần thì số tiền em được nhận là bao nhiêu?
- BHXH Việt Nam trả lời: Theo thư bạn hỏi, bạn làm việc từ tháng 3 – 9/2014, đóng BHXH được 7 tháng, mức lương đóng BHXH là 6.000.000 đồng. Việc tính hưởng BHXH một lần đối với bạn được thực hiện theo các quy định sau đây: Tại Khoản 2 Điều 19 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc: “Mức hưởng BHXH một lần của người lao động có thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm được tính bằng 22% của các mức tiền lương tháng đã đóng BHXH, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.” Tại Khoản 2 Điều 63 Luật BHXH năm 2014: “Tiền lương đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.” Theo quy định tại Thông tư số 58/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015, mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm 2014 là 1,01. Đối chiếu quy định trên, mức hưởng BHXH một lần của bạn sẽ là: (6.000.000 x 1,01) x 7 x 22% = 9.332.400 đồng.
Hỏi: Tôi làm việc tại công ty A 3 năm, sau đó nghỉ việc, thanh toán hết chế độ BHXH, nhận lại sổ BHXH. Sau 3 năm, tôi vào làm việc tại công ty B và đóng BHXH. Xin hỏi, tôi có thể nộp lại BHXH ở công ty A, kể cả lãi suất để được tính tiếp những năm làm việc trước đó vào sổ BHXH không?
- BHXH Việt Nam trả lời: Căn cứ Khoản 3, Điều 5 Luật BHXH số 58/2014/QH13, “Thời gian đóng BHXH đã được tính hưởng BHXH một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ BHXH”. Đồng thời, theo quy định tại Điểm 1 Công văn số 3168/LĐTBXH-CSLĐXH ngày 24/9/1993 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc người lao động đã thôi việc hưởng trợ cấp 1 lần, “Những người đã nghỉ theo chế độ thôi việc hưởng trợ cấp một lần, đã được giải quyết đúng chính sách chế độ thì không được trả lại số tiền trợ cấp đã nhận để chuyển sang hưởng chế độ hưu trí, mất sức lao động; đơn vị nào giải quyết sai chế độ, chính sách thì đơn vị ấy phải chịu trách nhiệm giải quyết đúng chính sách, chế độ của nhà nước đối với người lao động”. Vì vậy, thời gian làm việc của bà ở công ty cũ đã thanh toán chế độ BHXH không được hoàn trả lại tiền đã hưởng để làm căn cứ tính hưởng các chế độ BHXH.