Bữa tiệc với những khen chê
Theo một số tài liệu, với tên gọi Giao lưu kinh tế, văn hóa và hợp tác đầu tư Việt Nam – APEC, chương trình được tổ chức tại Singapore do Mạng Hội đồng doanh nghiệp Asean, Mạng hội đồng doanh nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Long Bình Phát, Phòng Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, Hội hữu nghị Việt Nam Đông Nam Á, Ban Du lịch di sản văn hóa UNESCO phối hợp, tổ chức từ ngày 17 - 19/4.
Theo tài liệu của nhà tổ chức, chương trình nằm trong khuôn khổ chào mừng 26 năm thành lập Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) và hướng tới sự kiện Việt Nam đăng cai tổ chức APEC 2017, các danh hiệu được trao tặng cho các doanh nghiệp có thương hiệu được người tiêu dùng tín nhiệm, chiếm thị phần nhất định trong nước hoặc quốc tế, đi đầu trong việc đổi mới khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, có nhiều nỗ lực trong công tác xây dựng và phát triển thương hiệu và tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện. Chương trình trao tặng Thương hiệu uy tín chất lượng APEC; sản phẩm, dịch vụ xuất sắc APEC và Doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu APEC.
Kết thúc chương trình, với khoảng 300 doanh nhân tham gia đã có nhiều doanh nhân, doanh nghiệp được nhận danh hiệu; trong đó phải kể đến Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu, Tổng công ty 28 với thương hiệu AGTEX28, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)…
Tuy nhiên, sau khi kết thúc sự kiện bên cạnh những ý kiến hài lòng thìcũng xuất hiện ý kiến chỉ trích, cho rằng chương trình được tổ chức lộn xộn, mạo danh một số tổ chức, cơ quan và cá nhân.
Đơn vị tổ chức nói gì?
Để làm rõ thông tin, chúng tôi đã trao đổi với ông Bình – thành viên ban tổ chức, Phó giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Long Bình Phát, một trong những đơn vị tham gia tổ chức sự kiện này. Tỏ vẻ mệt mỏi vì những thông tin trái chiều liên quan đến sự kiện, ông Bình cho biết: Với mục đích vinh danh các doanh nhân, doanh nghiệp chương trình được tổ chức nhằm xây dựng, quảng bá thương hiệu cũng như cải tiến và hoàn thiện chất lượng - dịch vụ mang thương hiệu Việt; đồng thời nhằm củng cố nội lực kinh tế đất nước, tăng cường sức mạnh đoàn kết và hội nhập, liên kết hợp tác để phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế. Chương trình được khảo sát theo quy trình 5 bước. Trong thư mời hay giới thiệu về chương trình đã ghi rõ các cơ quan, đơn vị tham gia tổ chức cũng như bảo trợ. Thậm chí, chương trình còn nhận được thư chúc mừng của Vụ Công tác phía Nam Văn phòng Quốc hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)…sự ủng hộ, bảo trợ của Tạp chí Đông Nam Á, Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), Phòng thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ…
Tuy nhiên, theo ông Bình thì dù đã rất cố gắng nhưng chương trình vẫn còn xảy ra nhiều sai sót do sự phối hợp của các đơn vị tổ chức chưa tốt. Cụ thể, do sự kiện được tổ chức ở nước ngoài trong khi số lượng người tham gia đông nên việc đưa đón doanh nhân, quan khách chưa được chu đáo; hay như khâu tổ chức hôm diễn ra sự kiện do không lường hết được các tình huống nên đã để xảy ra một số chuyện không đáng có.
Khi được hỏi về việc doanh nghiệp phải nộp kinh phí để tham gia, ông Bình cho biết trong thư mời và tài liệu gửi các doanh nghiệp, doanh nhân, đơn vị tổ chức đã nêu rõ mục đích ý nghĩa, đối tượng tham gia, quy trình thực hiện, trong đó có đề cập đến quyền lợi của nhà tài trợ…Còn việc doanh nghiệp hỗ trợm chi phí từ 20đến 30 triệu đồng chỉ là chi phí hỗ trợ kinh phí truyền thông bao gồm chi phí tham gia tour du lịch trong buổi tôn vinh và trao tặng bảng vàng.
Có thể thấy, sự kiện nào diễn ra cũng có chuyện khen chê. Tuy nhiên, các nhà tổ chức cũng cần phải ý thực được khen là để làm động lực tiếp tục phát triển và chê cũng là một giá trị để rút kinh nghiệm trong hoạt động cũng như các sự kiện nếu như được tổ chức sau này.